Hệ lụy thủy điện mùa lũ năm 2018: Vẫn mỏi mòn chờ… hỗ trợ
(Baonghean) - Tháng 3/2019, tại cuộc họp bàn giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thủy điện Bản Vẽ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo khẩn trương giải quyết dứt điểm những hệ lụy phát sinh sau các trận lũ năm 2018. Vậy nhưng đến nay, các nội dung này vẫn nằm trên giấy...
CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG
Để giải quyết được các tồn tại, vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thủy điện Bản Vẽ và khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho các huyện Tương Dương phối hợp với các sở liên quan rà soát, kiểm tra có báo cáo chi tiết. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã có báo cáo, kiến nghị lên Chính phủ.
Theo đó, huyện Tương Dương cần thực hiện sửa chữa nhà ở tái định cư, các công trình công cộng do chủ đầu tư xây dựng đã xuống cấp với kinh phí khoảng hơn 2,5 tỷ đồng; Hỗ trợ san nền nhà ở cho 3 bản khó khăn vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ với kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng; Đầu tư bổ sung khu tái định cư tại cụm Xốp Vi để di chuyển 59 hộ còn lại tại các bản Xốp Cháo, Khe Pặng và Pủng Meo, với kinh phí khoảng 11 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng mới khu tái định cư Khe Ò, xã Yên Na với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng; Hỗ trợ xây dựng Trường THCS xã Yên Na với kinh phí khoảng 8,5 tỷ đồng; bồi thường, hỗ trợ về đất đai trên cốt ngập với khoảng hơn 107 tỷ đồng…
Hỗ trợ thiệt hại do đợt xả lũ ngày 30 - 31/8/2018 khoảng 22 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ 10 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở cho 31 hộ dân xã Lượng Minh có nơi ở mới; 10 tỷ đồng sửa chữa 4 vị trí bị ngập, hư hỏng trên tuyến đường 543B; 2 tỷ đồng sửa chữa 2 cầu treo bị hư hỏng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo khẩn trương giải quyết dứt điểm hệ lụy phát sinh sau các trận lũ năm 2018 ở Nghệ An, tại cuộc họp ngày 28/3/2019. Ảnh tư liệu: P.V |
Ngày 28/3/2019, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp giải quyết được các tồn tại, vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án Thủy điện Bản Vẽ và khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2018 với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận: Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở Dự án Thủy điện Bản Vẽ vẫn còn một số tồn tại vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của nhân dân vùng di dân, tái định cư trong một số năm gần đây.
Đặc biệt do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 (tháng 8/2018) đã gây ra thiệt hại năng nề về nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu của nhân dân và nhiều công trình công cộng khác.
Để sớm ổn định cuộc sống của người dân, đồng bào dân tộc vùng biên giới Việt – Lào do phải bàn giao mặt bằng thi công dự án thủy điện Bản Vẽ trước mùa lũ 2019, yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các huyện Tương Dương, Thanh Chương rà soát các tồn tại vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thiệt hại sau bão số 4 (tháng 8 năm 2018) của người dân vùng Dự án Thủy điện Bản Vẽ và vùng bị ảnh hưởng của dự án.
Trên cơ sở đó xem xét, xử lý hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn đầu tư của Dự án Thủy điện Bản Vẽ theo đúng quy định hiện hành, nhằm giúp người dân vùng dự án khắc phục tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Hình ảnh người dân chịu họa do lũ đến thời điểm này vẫn hiện hữu. Ảnh: Nhật Lân |
CHẬM VẪN HOÀN CHẬM
Cho đến ngày 20/6/2019, cuộc họp rà soát, xem xét, hỗ trợ kinh phí để xử lý các tồn tại vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án Thủy điện Bản Vẽ và giải quyết các vấn đề sau lũ năm 2018 mới được thực hiện.
Tại cuộc họp này, việc hỗ trợ lũ lụt năm 2018 ở Tương Dương được thống nhất để nghị xem xét các nội dung: Xây dựng Khu TĐC để bố trí chỗ ở khẩn cấp cho các hộ dân bị ngập lụt, sạt lở đất tại bản Minh Phương, bản Xốp Mạt, huyện Tương Dương thuộc vùng hạ lưu Thủy điện Bản Vẽ Khu TĐC để bố trí chỗ ở khẩn cấp cho các hộ dân bị ngập lụt, sạt lở đất tại bản Minh Phương, bản Xốp Mạt, huyện Tương Dương thuộc vùng hạ lưu Thủy điện Bản Vẽ.
Quy mô thực hiện là san lấp mặt bằng xây dựng công trình công cộng và chia lô đất ở cho 17 hộ dân, quỹ đất dự phòng khi tách hộ; Xây dựng đường dẫn vào khu tái định cư loại B, đường nội vùng loại C, xây dựng hệ thống điện và cấp nước sinh hoạt.
Thực hiện di dời khẩn cấp 34 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất tại xã Lượng Minh. Để làm được, phải san lấp mặt bằng xây dựng công trình công cộng và chia lô đất ở cho 34 hộ dân, quỹ đất dự phòng khi tách hộ; xây dựng đường dẫn vào khu tái định cư, nhà văn hóa, hệ thống điện và cấp nước sinh hoạt...
Bên cạnh đó, sửa chữa cầu treo Xốp Mạt, cầu treo bản Lạ ở xã Lượng Minh; sửa chữa, Khắc phục Tỉnh lộ 543B nằm trong hành lang xả lũ Thủy điện Bản Vẽ, đoạn Km25+00- Km36+150. Sửa chữa mặt đường, cải tuyến những đoạn bị ngập lụt, xây kè bảo vệ những đoạn đã bị sạt lở mái taluy âm, sửa chữa công trình trên tuyến. Tổng kinh phí vào khoảng 28,2 tỷ đồng.
Đường giao thông và kè sông ở huyện Tương Dương bị hư hỏng sau lũ. Ảnh: N.L |
Về việc xử lý các tồn tại vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư, được thống nhất đề xuất xây dựng Khu tái định cư di dân cho 59 hộ bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh; sửa chữa nhà ở tái định cư và 9 công trình công cộng (nhà văn hóa và trường học); xây dựng khu tái định cư Bản Vẽ để di dời khẩn cấp 19 hộ dân Khe Chóng, Bản Vẽ ra khỏi vùng sạt lở đất; xây dựng đường giao thông cho Khu TĐC bản Cà Moong, bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh thuộc Dự án TĐC Thủy điện Bản Vẽ. Tổng kinh phí các công trình này ước khoảng 31,1 tỷ đồng.
Ở huyện Con Cuông, các đợt mưa lũ tháng 8/2019 và các nhà máy Thủy điện Khe Bố và Thủy điện Bản Vẽ xả lũ đã gây thiệt hại lớn về các công trình hạ tầng, tài sản và hoa màu của nhân dân.
Theo thống kê của UBND huyện Con Cuông, các xã dọc sông Lam gồm Lạng Khê, Châu Khê, Cam Lâm, Chi Khê, thị trấn Con Cuông và Bồng Khê đã bị thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, công trình hạ tầng cơ sở, ngập lụt khu dân cư, trường học…; mất vĩnh viễn gần 20 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tổng kinh phí thiệt hại ước tính gần 27 tỷ đồng.
Năm 2018, UBND tỉnh cũng đã có đoàn kiểm tra, đánh giá thiệt hại nhưng đến nay vẫn chưa có phương án hỗ trợ cho nhân dân. Vì vậy, cuộc họp ngày 20/6/2019, UBND huyện Con Cuông cũng được mời tham gia.
Tuy nhiên, theo cán bộ có trách nhiệm của UBND huyện Con Cuông cho hay, tại cuộc họp mới chỉ cân nhắc xem xét việc xây dựng bờ kè sông Lam ở những đoạn xung yếu, còn những thiệt hại mà địa phương này phải gánh chịu chưa được xem xét.
Sạt lở đất bờ sông ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tuyến đường giao thông. Ảnh: N.L |
Trao đổi với P.V Báo Nghệ An trong ngày 7/7/2019, người có trách nhiệm của UBND huyện Tương Dương cho biết, cuộc họp ngày 20/6 là nhằm chuẩn bị nội dung để UBND tỉnh làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đây là cuộc họp có tính chất then chốt giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc ở Dự án Thủy điện Bản Vẽ và hệ lụy lũ lụt năm 2018…
Theo số liệu thống kê của chính quyền huyện Tương Dương, do xả lũ ngày 30, 31/8/2018, tại xã Xá Lượng có 14 hộ bị ảnh hưởng cần phải di dời tái định cư. Tổng kinh phí hỗ trợ ước khoảng trên 4,6 tỷ đồng. Hiện nay, UBND huyện đã bố trí đất xây dựng khu TĐC trong khu dân cư của bản Xiêng Hương. Nhưng hiện nay chưa có kinh phí hỗ trợ để nhân dân di dời nhà cửa và tài sản về nơi ở mới.