Hệ thống thủy lợi Nghệ An - Những vấn đề đang đặt ra

01/02/2012 18:20

(Baonghean.vn) - Ông Trần Hữu Lực - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: "Những năm qua, nhất là từ năm 1996 lại nay, tỉnh ta đã huy động nhiều nguồn vốn xã hội, kể cả các dự án Trung ương để xây dựng hệ thống thủy lợi. Đến 2008, Nghệ An là tỉnh đầu tiên trong các tỉnh có đê thuộc Trung ương quản lý đã hoàn thành quy hoạch chống lũ đê cấp III.


Về quy hoạch đê nội đồng, qua 11 đợt toàn dân làm thủy lợi, đã huy động trên 16 triệu ngày công với khối lượng đào đắp trên 8 triệu m3, trị giá 121,5 tỷ đồng... nên các công trình cấp nước đã khá hoàn chỉnh. Nếu trước năm 1996, toàn tỉnh mới có 37 km kênh được kiên cố thì đến năm 2011 đã có hơn 4.500 km kênh mương các loại kiên cố hóa, đạt tỷ lệ 75%. Nghệ An cũng là một trong 2 tỉnh dẫn đầu cả nước "đảm bảo an toàn hồ chứa".



Ba ra Đô Lương đã xuống cấp.


Đến nay tỉnh ta có 630 hồ chứa và hơn 560 trạm bơm điện, tuy xây dựng đã lâu nhưng nhờ được quan tâm quản lý và sửa chữa nên vẫn khai thác nước phục tưới khá hiệu quả. Bằng nhiều nguồn vốn đã nâng cấp trên 100 hồ chứa quan trọng, hàng trăm tràn xã lũ khác được mở rộng, đảm bảo an toàn hơn trong mùa mưa bão. Ngoài ra còn quy hoạch chi tiết thủy lợi Nam Nghệ An (bara mới Nam Đàn) và nâng cấp kênh Lam Trà (2009) ; quy hoạch chi tiết thủy lợi lưu vực sông Hoàng Mai (2011); xây dựng cống ngăn mặn trên sông Mơ (sông Hoàng Mai) là những công trình thiết thực.


Bằng cách thủy lợi kết hợp thủy điện, Nghệ An đã xây dựng nhiều công trình thủy điện phía thượng nguồn sông Cả, sông Hiếu góp phần trong điều chỉnh nước, giảm lũ cho vùng hạ lưu.

Về đê ngăn mặn, đã nâng cấp, làm mới 53km đê biển theo tiêu chuẩn chống triều cường 5%, gió bão cấp 10, bao gồm các tuyến đê Quỳnh Lộc, Long - Thuận - Thọ (Quỳnh Lưu), Kim - Hải - Hùng, Trung - Thịnh Thành (Diễn Châu). Ngoài ra đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hơn 70km đê cửa sông.


Mặc dù những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản các công trình thủy lợi có giảm, nhưng nhờ làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, kêu gọi đầu tư và tranh thủ tốt, Nghệ An đã huy động hơn 9.500 tỷ đồng cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản, đã xây mới và tu sửa, nâng cấp hơn 150 công trình; nhiều công trình lớn đã được xây dựng như: Dự án Hệ thống Thủy nông Bắc (vốn vay ADB), Dự án Khôi phục hệ thống thủy lợi Nam, nâng cấp hồ chứa nước Vực Mấu (vốn vay WB). Các dự án sửa chữa, nâng cấp các cụm hồ đập từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng được chú trọng: cụm hồ đập ở Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn; các trạm bơm tả ngạn Thanh Chương, hồ Vệ Vừng - Quán Hài, Bàu Da - Mả Tổ, Khe Là - Khe Đá; cụm hồ Thạch Tiền, Nghi Công, Tràng Đen, nâng cấp hồ Xuân Dương, xây dựng mới hồ Sông Sào... Đặc biệt là các công trình trọng điểm như hồ Bản Mồng, cống Nam Đàn mới, hồ Khe Lại cũng đã được khởi công và ưu tiên vốn.


Hiện nay, với nguồn vốn lớn tỉnh đang lập nhiều dự án thủy lợi khác như: Nâng cấp Hệ thống thủy nông Bắc với tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng (nguồn vốn vay JICA), xây cống ngăn mặn giữ ngọt sông Lam 2.000 tỷ đồng, cống ngăn mặn sông Hoàng Mai 700 tỷ đồng, hệ thống thủy lợi kênh Lam Trà 174 tỷ đồng, hệ thống thủy lợi Nậm Việc 150 tỷ đồng. Mục tiêu là nâng cấp, xây mới và quản lý khai thác tốt để đến năm 2015, diện tích tưới ổn định đạt 265.000 ha, bảo đảm cho 16.500 ha sản xuất 2 vụ lúa năng suất cao. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo tưới cho 10.500 ha cây công nghiệp để tăng năng suất và sản lượng hàng hóa, cấp thoát nước cho 22.000 ha nuôi trồng thủy sản.


Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thủy lợi Nghệ An thì, bên cạnh những thành tựu đó, ngành Thủy lợi cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Dòng chảy kiệt trên sông Cả và các chi lưu bị suy giảm mạnh dẫn đến hẫng vòi bơm của hệ thống trạm bơm ven sông và giảm lưu lượng lấy nước vào các hệ thống thủy lợi lớn Bắc và Nam Nghệ An. Cụ thể hơn, mực nước kiệt bình quân trên dòng chính sông Cả ở thượng lưu cống Nam Đàn (cửa khẩu duy nhất cấp nước cho cống Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và TP.Vinh) những năm trước đây là 1,12m, mức kiệt tuyệt đối xảy ra tháng 5/1958 cũng chỉ 0,6m, nhưng vào những ngày đầu của tháng 3/2010 chỉ đạt 0,18m nên lưu lượng lấy vào hệ thống chỉ đạt 40% thiết kế.


Thứ hai là nạn lũ ông, lũ quét vùng miền núi, sông suối có độ dốc lớn. Nguyên nhân do sông Cả có lưu vực rộng tới 27.200km2, trong đó lưu vực trên đất nước Lào đến 9.740km2. Lưu vực rộng trong mùa mưa lớn sẽ gây dòng chảy lớn trên các sông lớn gây ra lũ ống, lũ quét. Ngay đầu mùa bão lụt năm 2011, hoàn lưu bão số 2 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân vùng miền núi. Ở những vùng đó, ngành Thủy lợi cần có quy hoạch, kế hoạch di dời dân cư ở các địa bàn xung yếu dễ sạt lở đất.


Vấn đề thứ ba, vùng Nam - Hưng - Nghi (TP. Vinh), là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh và Thành phố Vinh, hiện đang đẩy mạnh quá trình đô thị hóa. Trong đó đặt ra không những nhu cầu cấp nước mà còn thoát nước tăng cao. Thực tế cho thấy xuất hiện nhiều vùng ngập úng cục bộ. Nhiều vùng trong thành phố và ngoài thành phố, cần có giải pháp ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Cả, nhất là trong sự cảnh báo biến đổi khí hậu và nước biển dâng.


Bên cạnh đó, hệ thống đê, cống ngăn mặn chủ yếu đắp bằng đất, không đủ sức chống triều cường. Hệ thống cống điều tiết nước để ngăn mặn và cấp nước tưới đang xuống cấp cũng như thoát lũ nội đồng chậm. Hiện tượng xói lở vùng cửa sông đang diễn ra hàng ngày...


Hệ thống kênh mương nội đồng và hồ đập chất lượng kém, đang xuống cấp. Hiện nay, nếu không tập trung nâng cấp, sửa chữa sẽ bị hư hỏng gây lãng phí lớn, khó bảo đảm chỉ tiêu tưới tiêu chủ động 265.000 ha từ nay đến 2015.


Hoàng Chỉnh

Mới nhất
x
Hệ thống thủy lợi Nghệ An - Những vấn đề đang đặt ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO