Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam: Thỏa thuận hiện đại và tham vọng nhất

Hoàng Bách 15/02/2020 07:31

(Baonghean) - Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) với Việt Nam, hay gọi tắt là EVFTA, được ví như “hiệp định hiện đại và tham vọng nhất đạt được từ trước đến nay giữa EU với một quốc gia đang phát triển”, đã nhận được sự thông qua của Nghị viện châu Âu (EP) hôm 12/2.

EVFTA mở ra tiềm năng to lớn cho doanh nghiệp châu Âu. Ảnh: Internet
EVFTA mở ra tiềm năng to lớn cho doanh nghiệp châu Âu. Ảnh: Internet

HIỆN ĐẠI, TOÀN DIỆN VÀ THAM VỌNG NHẤT

Theo thông tin được đăng tải chính thức trên trang web của EP, các nghị sỹ thuộc Nghị viện châu Âu (MEP) đã tiến hành bỏ phiếu thông qua hiệp định thương mại tự do của khối nước 27 thành viên với Việt Nam.

Cụ thể, chiều muộn 12/2, hiệp định nói trên đã nhận được 401 phiếu tán thành, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng, được thống nhất thông qua với tỷ lệ áp đảo 63,33%.

Trong tuyên bố của mình, EP khẳng định, “bản hiệp định hiện đại, toàn diện và tham vọng nhất từng đạt được giữa EU với một quốc gia đang phát triển” sẽ góp phần đặt ra những tiêu chuẩn cao trong khu vực, và có khả năng mở đường dẫn tới một hiệp định thương mại và đầu tư cấp khu vực.

Các MEP nhấn mạnh, hiệp định với Việt Nam là “một tín hiệu mạnh mẽ ủng hộ thương mại tự do, bình đẳng và có qua có lại, trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang tăng lên cùng nhiều thách thức nghiêm trọng đặt ra đối với thương mại đa phương dựa trên các quy tắc, luật lệ”.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chỉ xếp sau Singapore, với kim ngạch hàng hóa đạt 49,3 tỷ euro và dịch vụ đạt 4,1 tỷ euro mỗi năm.

EUreporter

Các mặt hàng chính mà EU nhập khẩu từ Việt Nam bao gồm thiết bị viễn thông, các thiết bị điện tử, giày dép, hàng may mặc, cà phê, gạo, hải sản và nội thấT.

EU chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, bao gồm máy móc và thiết bị điện tử, máy bay, phương tiện vận tải, dược phẩm sang thị trường Việt Nam.

EU là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, hầu hết các khoản đầu tư của khối nước này đổ vào ngành công nghiệp chế biến và sản xuất.

Vậy nội dung bản hiệp định này có gì đáng chú ý? Có lẽ được nhiều người quan tâm nhất là gần như tất cả các khoản thuế quan sẽ dần được gỡ bỏ giữa 2 bên trong vòng 10 năm tới.

Cụ thể, 65% hàng xuất khẩu từ EU sang Việt Nam sẽ ngay lập tức được miễn thuế, và số còn lại, bao gồm các mặt hàng xe mô tô, ô tô, dược phẩm, hóa chất, rượu, thịt gà và thịt lợn - dần được “tự do hóa” trong thập niên tới.

Đổi lại, 71% hàng của Việt Nam xuất sang thị trường EU sẽ được miễn thuế ngay từ ngày đầu tiên hiệp định có hiệu lực, và 29% còn lại sẽ dần được miễn thuế trong vòng 7 năm tiếp theo. Tuy nhiên, cần lưu ý là các mặt hàng xuất khẩu được miễn thuế của Việt Nam thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp nhạy cảm như gạo, tỏi hay trứng, sẽ bị giới hạn.

Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVIPA là dấu mốc quan trọng trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam -EU. Ảnh: baoquocte.vn
Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVIPA là dấu mốc quan trọng trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam -EU. Ảnh: baoquocte.vn

Trong khi đó, các hàng rào phi thuế quan sẽ được xóa bỏ trong lĩnh vực ô tô, cấp phép xuất nhập khẩu và thủ tục hải quan. Việt Nam chấp thuận nhãn “Sản xuất tại EU” ngoài nhãn xuất xứ quốc gia đối với các sản phẩm phi nông nghiệp.

Về chỉ dẫn địa lý, 169 sản phẩm tiêu biểu của EU chẳng hạn phô mai Parmigiano Reggiano, sâm panh hay rượu Rioja sẽ được bảo hộ tại Việt Nam, và 39 sản phẩm của Việt Nam sẽ được hưởng đãi ngộ tương ứng tại EU.

Trong lĩnh vực dịch vụ, các công ty của EU sẽ có quyền tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ kinh doanh, môi trường, bưu chính, ngân hàng, bảo hiểm và vận tải biển tại Việt Nam. Các công ty của EU cũng sẽ có khả năng đấu thầu các hợp đồng với các bộ ngành, doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam... Đi cùng với đó là những quy định mang tính ràng buộc pháp lý về các khía cạnh phát triển bền vững như khí hậu, lao động và quyền con người...

EP cũng đã nhất trí thông qua với 407 phiếu tán thành, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng đối với hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA), qua đó cung cấp một hệ thống tòa án đầu tư với các trọng tài độc lập để giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư với nhà nước.

Ngành may mặc của Việt Nam là lĩnh vực nằm trong thỏa thuận thương mại với EU mới được phê chuẩn. Trong ảnh là sản xuất may mặc tại một doanh nghiệp ở CCN Nam Giang, Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Việt Phương

CÁNH CỬA MỞ RỘNG

Sau khi EP thông qua các hiệp định với Việt Nam, Hội đồng châu Âu có thể hoàn tất thỏa thuận thương mại. Và đến lúc Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn hiệp định này, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực, nhiều khả năng là vào đầu mùa Hè năm 2020.

Trong khi đó, EVIPA thì sẽ mất thêm đôi chút thời gian, bởi cần được toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn theo thủ tục nội bộ của mỗi nước. Sau đó, EVIPA sẽ thay thế các thỏa thuận đầu tư song phương 21 quốc gia thành viên EU hiện đã ký với Việt Nam.

Theo tạp chí Emerging Europe, với việc EP thông qua các hiệp định thương mại và đầu tư với phía Việt Nam, quốc gia thuộc khu vực châu Âu đang lên có cơ hội hưởng lợi nhiều nhất là Ba Lan, bởi đây hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU.

“Việt Nam là một trong những thị trường hứa hẹn nhất tại Đông Nam Á đối với các công ty Ba Lan”, đồng thời khẳng định các công ty Ba Lan tại Việt Nam có cơ hội trong các lĩnh vực phần mềm/IT, công nghiệp nặng chẳng hạn khai khoáng, đóng tàu, máy móc và thiết bị sản xuất nông nghiệp, cũng như chế biến thực phẩm".

Piotr Harasimowicz - trưởng đại diện Cơ quan Thương mại và Đầu tư Ba Lan tại thành phố Hồ Chí Minh trả lời trên DW

Còn với nghị sỹ EP Geert Bourgeois, đại diện cho nước Bỉ, Báo cáo viên Ủy ban Thương mại quốc tế về EVFTA và EVIPA, sau khi có kết quả bỏ phiếu thông qua các hiệp định với Việt Nam, ông nhấn mạnh: “Những hiệp định tiên tiến vừa được thông qua này mở ra một cơ hội có một không hai để thúc đẩy hơn nữa mục tiêu của EU là trở thành một chủ thể địa chính trị bảo vệ thương mại đa phương, phản đối chủ nghĩa bảo hộ và nâng cao các tiêu chuẩn lao động, môi trường, nhân quyền trên khắp thế giới.

Các thỏa thuận sẽ thúc đẩy thịnh vượng, tạo ra nhiều việc làm mới được trả lương cao hơn, giảm chi phí cho các công ty dù lớn hay nhỏ và giúp họ tiếp cận tốt hơn với các thị trường của nhau”.

Trên cương vị Chủ tịch ủy ban nói trên, nghị sỹ EP Bernd Lange đại diện cho tiếng nói của quốc gia thành viên Đức khẳng định: “Lịch sử cho thấy sự biệt lập sẽ không giúp một quốc gia thay đổi.

Đó là lý do tại sao Nghị viện bỏ phiếu ủng hộ hiệp định thương mại này với Việt Nam. Với nó, chúng tôi củng cố vai trò của EU tại Việt Nam và trong khu vực, bảo đảm rằng tiếng nói của chúng tôi có trọng lượng hơn trước”.

Tàu container trên sông Sài Gòn. Ảnh: Internet
Tàu container trên sông Sài Gòn. Ảnh: Internet

Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã hoan nghênh quyết định hôm 12/2 của EP phê chuẩn các hiệp định thương mại và đầu tư giữa EU-Việt Nam. Ủy viên Thương mại của cơ quan này Phil Hogan phát biểu: “Hiệp định EU-Việt Nam có tiềm năng kinh tế to lớn, là một chiến thắng dành cho người tiêu dùng, người lao động, nông dân và doanh nghiệp.

Và nó không chỉ dừng lại ở các lợi ích kinh tế. Nó chứng tỏ rằng chính sách thương mại có thể là một động lực hướng tới điều tốt đẹp. Việt Nam đã có những nỗ lực tuyệt vời để cải thiện quyền lợi cho người lao động. Một khi có hiệu lực, những thỏa thuận này sẽ giúp chúng tôi tăng khả năng thúc đẩy và dõi theo những sự đổi mới tại Việt Nam”.

Tóm lại, EVFTA và EVIPA là những hiệp định thế hệ mới, được “thai nghén” kỹ lưỡng trong thời gian dài, được thông qua giữa bối cảnh thương mại toàn cầu đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, hứa hẹn sẽ mở ra những cánh cửa cơ hội rộng lớn cho các bên tham gia ký kết.

Với Việt Nam, đây là thời cơ để gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, nên cần phải tận dụng hiệu quả, để biến những thỏa thuận này trở thành cú hích, động lực to lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng, nền kinh tế nói chug.

Và rất có thể, việc thực thi thỏa thuận đầu tư và thương mại giữa EU với đối tác quan trọng thứ hai tại Đông Nam Á sẽ là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho viễn cảnh ký kết những hiệp định giữa khu vực với khu vực, mở rộng quy mô và triển vọng trong thời đại mới./.

Mới nhất

x
Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam: Thỏa thuận hiện đại và tham vọng nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO