Hiệp hội Dệt may muốn tăng số giờ làm thêm của công nhân, kéo dài thời gian tăng lương

An Bình 29/06/2018 06:58

300 giờ/năm là quy định của pháp luật về số giờ làm thêm của công nhân ngành dệt may. Hiệp hội Dệt may muốn có sự thay đổi theo hướng tăng số giờ làm thêm của công nhân.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, quy định trong Bộ luật Lao động đang gây nên khó khăn cho doanh nghiệp dệt may.

"Số giờ làm thêm của người lao động không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm. Với ngành dệt may, quy định này là 300 giờ trong 01 năm, thuộc dạng thấp nhất thế giới" - ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) phát biểu tại Diễn đàn Dệt may Việt Nam 2018, ngày 28/6.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng muốn sửa đổi quy định Bộ luật Lao động theo hướng, các doanh nghiệp dệt may được cho thuê lại lao động. Theo lý giải của VITAS, việc này khiến việc sử dụng lao động trở nên linh hoạt. Hiện tại, đây là hoạt động có điều kiện và chỉ được áp dụng với 17 ngành. Ngành dệt may không có tên trong danh sách này.

Trước mắt, VITAS mong muốn có lộ trình dài hạn trong việc điều chỉnh lương, thay vì tăng lương tối thiểu hàng năm như hiện tại. Theo đại diện VITAS, mức tăng nên nhỏ và 2-3 năm mới thực hiện điều chỉnh. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc lập phương án kinh doanh.

"3 năm trước, phần đóng thêm cho người lao động của chúng tôi vào quỹ bảo hiểm xã hội là 55 tỷ đồng. Đến bây giờ, số tiền đã là 100 tỷ đồng. Việc trả lương và quy định đóng bảo hiểm xã hội là áp lực cực kỳ lớn. Trong khi năng suất lao động chỉ tăng gấp đôi thì mức lương trong 10 năm gần đây đã tăng lên gấp 3. Theo chúng tôi, năng suất lao động tăng 1 thì lương cho người lao động chỉ nên tăng 0,5 - 0,7 là cùng" - ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ bên lề Diễn đàn Dệt may Việt Nam 2018.

Nêu ví dụ tại Tổng công ty May 10, ông Thân Đức Việt cho biết, việc nhận đơn hàng thường diễn ra trước 3 tháng (Tháng 1 nhận đơn hàng sản xuất của tháng 4). Nhưng tháng 12/ 2017, các nhà nhập khẩu ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã đặt hàng đến hết tháng 8/2018. Do đó, công nhân sẽ phải làm thêm giờ vào những lúc cao điểm để kịp giao sản phẩm cho khách hàng.

"Bộ luật Lao động không chế 1,5 giờ/ngày, 30 giờ /tháng, 300 giờ/năm. Mức 300 giờ/năm thì chúng tôi có thể co kéo. Nhưng vào tháng cao điểm thì không thể nào giữ ở mức 30 giờ/tháng" - ông Thân Đức Việt nói.

Một số doanh nghiệp quốc tế cho rằng, sử dụng robot là cách nâng cao hiệu quả của cả ngành dệt may. Tại Diễn đàn Dệt may Việt Nam 2018, mô hình nhà máy sử dụng ít công nhân đã được đưa ra. Năng suất được nâng cao nhờ tự động hóa cao trong khâu may - công việc thường được đảm nhiệm bởi công nhân Việt Nam, Trung Quốc, Bangladesh,…

Xu hướng xuất hiện trong vài năm gần đây là sự chuyển hướng đầu tư vào các nước phát triển, thay vì tới những nước kém phát triển hơn để tận dụng nhân công giá rẻ.

"Một nhà máy ở Atlanta (Hoa Kỳ) đang phát triển các robot cho ngành dệt may. Điều thú vị là công ty này đang làm việc với một công ty Trung Quốc để mở nhà máy sản xuất áo sơ mi tại Hoa Kỳ. Các robot hoạt động trong từng công đoạn và theo các quy trình. Đây là điều cần cân nhắc ở tương lai. Lĩnh vực dệt may vốn là ngành thâm dụng lao động. Để Việt Nam phát triển, rất cần những robot như thế" - ông Steve DiBlasi, Phó Chủ tịch phụ trách nguồn cung ứng toàn cầu, Công ty Lanier Clothes (Hoa Kỳ)

Theo Trí thức trẻ
Copy Link

Mới nhất

x
Hiệp hội Dệt may muốn tăng số giờ làm thêm của công nhân, kéo dài thời gian tăng lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO