Hiệp ước Buôn bán Vũ khí: Quân cờ chính trị trong tay Mỹ và Trung Quốc?
(Baonghean) - 5 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Buôn bán Vũ khí (ATT), Trung Quốc tuyên bố sẽ sớm gia nhập Hiệp ước này. Hành động trái ngược này mang đầy dụng ý của Bắc Kinh.
Mỹ đòi ra, Trung Quốc xin vào
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28/9 thông báo là nước này sẽ nhanh chóng gia nhập Hiệp ước Buôn bán Vũ khí (ATT) mà Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 4 đã tuyên bố sẽ rút khỏi.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 27/9, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh đã khởi động các thủ tục pháp lý để gia nhập ATT. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó thông báo nước này sẽ nhanh chóng gia nhập hiệp ước trên “ngay khi có thể được”, vì "đây là trách nhiệm của Trung Quốc” và cũng nhằm thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh “ủng hộ chủ nghĩa đa phương”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công bố ý định gia nhập ATT tại Đại hội đồng LHQ. Ảnh: AFP |
Hiệp ước Buôn bán Vũ khí được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 2013, nhằm kiểm soát việc buôn bán vũ khí giữa các nước trên toàn cầu. Hiện có 104 quốc gia tham gia vào hiệp ước này. Tổng thống Mỹ trước đây là ông Barack Obama đã ký hiệp ước, nhưng văn kiện này vẫn chưa được Thượng viện Mỹ phê chuẩn và bị Hiệp hội Súng trường Mỹ phản đối. Nhưng đến hồi tháng 4, Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ rút Mỹ khỏi ATT.
Trung Quốc chưa bao giờ công bố các số liệu về xuất khẩu vũ khí của nước này. Nhưng theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế ở Stockholm (Thụy Điển), trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng hàng thứ 5 thế giới. Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã bán vũ khí cho 53 nước, nhiều nhất là Pakistan, sau đó là Bangladesh. Đây được coi là một bước đi có tính toán của Trung Quốc nhằm khẳng định tên tuổi trên thị trường vũ khí toàn cầu, nơi mà Bắc Kinh vẫn được coi là "tay chơi’" mới.
Những dụng ý chính trị
Thực tế, Hiệp ước Buôn bán Vũ khí (ATT) đang được cả Mỹ và Trung Quốc sử dụng như những con bài chính trị nhằm những mục tiêu riêng. Hồi tháng 4, Tổng thống Donald Trump đã gọi ATT là "sai lầm nghiêm trọng" và là mối đe dọa đối với nền tự do Mỹ như "quyền giữ và mang vũ khí được quy định trong Tu chính án thứ 2 của Hiến pháp nước này, cũng như giao chủ quyền của Mỹ cho ;đám quan chức bàn giấy ngoại bang".
Lý do mà ông Trump đưa ra cũng chính là lý lẽ của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA) và một số nhóm bảo thủ nhằm phản đối ATT. Và cần nhắc lại một chi tiết rằng, NRA đã chi 30,3 triệu USD cho việc ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump hồi năm 2016. Chính bởi vậy, việc Tổng thống Mỹ ưu ái lợi ích của NRA cũng là điều dễ thấy, đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau.
Trung Quốc đã vươn lên là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 trên thế giới. Ảnh: SCMP |
Tuy vậy, đó chưa phải là đòn bẩy chính để ông chủ Nhà Trắng từ chối chấp thuận ATT. Theo Hiệp hội kiểm soát vũ khí, một tổ chức ủng hộ ATT, hiệp định này "không có tác động tới luật kiểm soát súng nội địa của một nhà nước hoặc các chính sách sở hữu súng khác", hay nói cách khác không ảnh hưởng đến việc mua bán vũ khí trong nước Mỹ. ATT chỉ đòi hỏi các quốc gia thành viên "thiết lập và duy trì một hệ thống kiểm soát quốc gia" để quản lý việc buôn bán vũ khí quy ước.
Phạm vi kiểm soát của hiệp ước bao gồm xe tăng, pháo, máy bay chiến đấu, tàu chiến và tên lửa, cũng như vũ khí cầm tay. Doanh số bán vũ khí quy ước trên toàn cầu đạt hàng chục tỉ USD mỗi năm, và Mỹ, Trung Quốc và Nga là những nước xuất khẩu lớn nhất.
ATT kêu gọi thắt chặt việc giám sát các thương vụ vũ khí trong những trường hợp mà vũ khí có thể được sử dụng để thực hiện các hoạt động vi phạm luật nhân quyền, hành động khủng bố hoặc bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em. Hiệp ước không có chế tài thực tế, mà cơ bản chỉ xướng danh những nước vi phạm. Dù vậy, phát ngôn viên Liên hợp quốc Stephane Dujarric gọi ATT là một “thành tựu mang tính bước ngoặt trong nỗ lực đảm bảo trách nhiệm đối với các thương vụ vũ khí quốc tế".
Điều đó có nghĩa, chính quyền Donald Trump và các nhóm lợi ích ủng hộ việc sử dụng súng ở Mỹ chưa chắc đã phải quá lo lắng trước viễn cảnh ATT sẽ ‘"àm khó" và ngăn chặn việc kinh doanh của họ. ATT thực ra là một lý do để ông Trump thêm một lần nữa phủ nhận thành quả của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama, và rộng hơn là cả phe Dân chủ đối lập trước cuộc chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới hay sao?
Còn đối với Trung Quốc, dễ thấy Bắc Kinh đã lựa chọn khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay để đưa ra một cam kết mang đầy màu sắc chính trị, vừa để củng cố nội bộ, vừa lấy lại hình ảnh quốc gia giữa lúc thương chiến Mỹ - Trung đang chưa có lối thoát.
Trong bài xã luận ngay sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị công bố ý định của Trung Quốc trước diễn đàn LHQ ở New York, Tân Hoa Xã đã không ngần ngại công kích Mỹ vì đã rút khỏi ATT. “Việc theo đuổi chủ nghĩa đơn phương và thường xuyên rút khỏi các hiệp ước của Mỹ, bao gồm cả thông báo của Mỹ về ATT vào tháng Tư, đã tác động tiêu cực đến sự cân bằng và ổn định chiến lược toàn cầu cũng như kiểm soát vũ khí quốc tế và không phổ biến vũ khí hệ thống”, tác giả Kong Jun viết.
Bài báo cũng không ngần ngại tuyên bố, bước đi cụ thể của Trung Quốc… cũng chứng tỏ rằng Trung Quốc đang có những hành động cụ thể ngoài những lời nói suông để duy trì chủ nghĩa đa phương và xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại”
Rõ ràng, Trung Quốc đang toan tính xây dựng hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm với các công việc và nghĩa vụ quốc tế, vốn ít nhiều bị sứt mẻ trong cuộc đối đầu với Mỹ suốt 2 năm qua. Đó cũng là một cách để tiếp thị các sản phẩm vũ khí ‘Made in China’ tới thị trường toàn cầu trong tương lai. Và dù với quyết định như thế nào, 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc đều đã tận dụng ATT để đạt được các mục tiêu của mình./.