Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng

07/06/2011 10:55

Thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ năm 2006 đến nay, Nghi Lộc đã giành được kết quả khả quan. Sản lượng các loại cây trồng tăng, vùng sản xuất được quy hoạch hợp lý, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích ngày càng cao.


Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc - ông Nguyễn Đức Thọ cho biết: Trong hơn 12.000 ha đất nông nghiệp của huyện, chỉ có khoảng 5.000 ha tạm chủ động nước tưới nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống bara Nam Đàn, 6.000 ha còn lại hoàn toàn "nhờ trời".

Toàn huyện có tới gần 40 hồ đập nhưng tổng trữ lượng chỉ có hơn 20 triệu m3. Nghi Lộc buộc phải lựa chọn chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với từng loại đất, khí hậu, kể cả tập quán và trình độ lao động. Mục tiêu là hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, có khối lượng hàng hóa nhất định, chọn những loại cây trồng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và có lợi thế về thị trường.

Cây rau màu đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm
cho bà con nông dân Nghi Lộc.


Cơ cấu cây trồng, mùa vụ tiếp tục chuyển dịch rõ nét hơn, nhiều loại cây trồng mới, giống mới được đưa vào sản xuất. Trong đó, diện tích lúa năng suất thấp, tưới tiêu không chủ động đã từng bước được giảm dần để chuyển sang nuôi trồng thủy sản (NTTS) và trồng các loại cây như ngô, lạc và các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao.

Diện tích đất hai vụ lúa giảm từ 7.660 ha (năm 2005) còn 7.043 ha (năm 2010), chuyển sang trồng 300 ha ngô xuân - đậu xanh hè và rau vụ đông; 100 ha lạc xuân - đậu xanh hè và rau vụ đông, tuy nhiên sản lượng lương thực vẫn được giữ vững. Ngoài ra là các diện tích NTTS nước ngọt kết hợp chăn nuôi tại các xã Nghi Thịnh, Nghi Thạch, Nghi Khánh, Nghi Trường; diện tích trồng chuyên rau tại Nghi Diên, Nghi Thuận, Nghi Xá.

Đồng thời, huyện tiếp tục mở rộng diện tích ngô vụ đông, rau màu các loại trên đất hai lúa có khả năng tiêu úng, khai thác tối đa lợi thế tiềm năng đất màu để tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Ngoài các cây trồng truyền thống như ngô, lúa, lạc, đã có nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như dưa hấu, cây dược liệu, rau củ quả được đưa vào và ngày càng phát triển. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả rất rõ như cây dưa hấu được đưa vào những vùng đất cao, khô hạn vốn phải bỏ hoang, chỉ trong 65 - 70 ngày cho năng suất bình quân 40 tấn/ha. Hiện toàn huyện có gần 300 ha dưa chất lượng cao, nhiều xã phát triển rất mạnh như Nghi Long, Nghi Hợp có trên 30 ha/xã. Đồng thời, nhiều giống cây truyền thống, giá trị kinh tế rất cao và được thị trường ưa chuộng như vừng đen, ngô nếp cũng được duy trì và nhân rộng dần ở vùng đất bạc màu.


Bên cạnh đó, các vùng sản xuất, cây trồng từng bước được xây dựng hợp lý, luân canh cây trồng đa dạng, hình thành thêm một số công thức luân canh mới. Qua sản xuất và thử nghiệm với trên 23 công thức luân canh khác nhau, đến nay đã có trên 10 công thức canh tác đạt thu nhập bình quân trên 45 triệu đồng/ha/năm. Nhiều loại giống mới hiệu quả như lúa Syn6, NH 2308, dưa hấu hắc mỹ nhân, dưa chuột Thái, cỏ ngọt v.v, được thị trường ưa chuộng, hiệu quả cao được nông dân sản xuất đại trà.


Nhờ đó, từ năm 2006 đến nay, Nghi Lộc đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan. Giá trị sản xuất ngành nông- lâm - ngư tăng bình quân mỗi năm từ 20 - 50 tỷ đồng, năng suất các loại cây trồng chính như lúa, ngô, lạc đều tăng, tổng sản lượng lương thực đảm bảo ở mức 78.000- 80.000 tấn/năm.

Giá trị thu nhập ở diện tích đất cây trồng hàng năm sau khi trừ các chi phí đầu tư đạt mức 43,5 triệu đồng/ha (tăng 16,9 triệu đồng so với năm 2005). Toàn huyện hiện có 3.780 ha đạt thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm, trong đó trên 3.000 ha đất chuyên màu đạt mức lãi ròng trên 60 triệu đồng/ha/năm, tăng 29 triệu đồng/ha. Đặc biệt, trong đó có 1.000 ha đất màu cho thu nhập bình quân 80 - 100 triệu đồng/ha/năm.


Qua 5 năm thực hiện đề án, việc triển khai xây dựng mô hình cánh đồng thu nhập cao đã được thực hiện đồng loạt. Đến nay, 24/30 xã, thị trấn đã đầu tư xây dựng cánh đồng thu nhập cao, với tổng diện tích trên 350 ha tập trung, được đầu tư xây dựng đầy đủ hệ thống hạ tầng phuc vụ thâm canh như hệ thống điện, giếng, kênh mương, bình chỉnh mặt ruộng, trong đó các xã Nghi Long, Nghi Hợp, Nghi Khánh đã nhân rộng mô hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.


Phú Hương

Mới nhất
x
Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO