Chuyện đào tạo trẻ Sông Lam Nghệ An và những trăn trở
(Baonghean.vn) - Nghệ An lâu nay là nôi đào tạo trẻ có tiếng, vừa đạt thành tích cao ở các giải đấu trẻ toàn quốc, vừa cung cấp nguồn cầu thủ dồi dào cho đội bóng Sông Lam Nghệ An và các đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Phòng truyền thống Sông Lam Nghệ An luôn đầy ắp các phần thưởng, các danh hiệu cup, cờ, nhiều cá nhân cầu thủ trưởng thành, đóng góp thành tích cho đội bóng quê hương cũng như quốc gia nói lên điều đó.
Bên cạnh khẳng định rất nhiều thành tích đào tạo trẻ đạt được, cũng cần nhận thức đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại, yếu kém mà chính lò đào tạo này đang gặp phải, đang lúng túng tìm đường, thậm chí đang dần tụt hậu so với các lò đào tạo đi sau.
Kết quả thi đấu mùa giải 2023 này của các tuyến trẻ Sông Lam Nghệ An cho thấy nếu không kịp thời xử lý những vấn đề cụ thể và lâu dài thì sẽ sớm kết thúc “chu kỳ thành công” đã có, buộc phải nhường bước cho các đối thủ chỉ trong một sớm, một chiều.
Vấn đề đầu tiên là giải quyết vướng mắc về nguồn ngân sách đào tạo hàng năm cho các tuyến trẻ, tuyệt đối không để tình trạng dây dưa nợ tiền phụ cấp, tiền thưởng cho các đội trẻ như thời gian qua. Tại sao trước đây câu chuyện này không phải đặt ra mà từ khi nhà tài trợ mới về lại vướng mắc, lại không thể tháo gỡ? Hãy thử tìm hiểu xem các địa phương/ngành có tình trạng tương tự đang được chung tay giải quyết như thế nào cho đúng pháp luật, hợp tình, hợp lý? Còn nếu cứ đổ cho cơ chế, cho đấu thầu, cho nọ kia theo quy định mà không ngồi với nhau bằng thiện chí, bằng trách nhiệm thì còn… nợ phụ cấp đến Tết, hết lễ cũng không trả nổi như đã râm ran? Tất nhiên, trong câu chuyện này trách nhiệm không chỉ của lãnh đạo đội bóng hay trung tâm đào đạo, mà cần sự chung tay của các ngành thể thao, tài chính… mới có thể đi đến tận cùng, rốt ráo sự việc. Còn “cha chung” như hiện nay thì rốt cuộc lại để “các cháu khóc” mà thôi.
Câu chuyện nữa cũng cần được quan tâm, xử lý triệt để, sau lùm xùm của U11 vừa qua mà không nói thì ai ai cũng biết căn cơ, nguyên cớ từ đâu? Bệnh thành tích không phải là câu chuyện mới, những tưởng đã được trút bỏ vĩnh viễn sau hồi dính án kỷ luật từ lãnh đạo ngành đến câu lạc bộ, như một “tấm gương tối” được loại bỏ trong đời sống bóng đá, kể cả phong trào, thì ngao ngán thay vẫn tiếp tục tồn tại dưới dạng khéo léo, tinh vi hơn. Một khi những người có thiện ý để giữ vững một phong trào, một thương hiệu địa phương như một hành xử văn minh thì chính mình cũng nên biết cách “đóng cửa bảo nhau”, biết sai, biết sửa, càng sớm, càng tốt, khi mọi việc vẫn ở trong tầm kiểm soát. Phải biết chấp nhận hy sinh thành tích một vài ba mùa giải để đưa mọi việc vào trật tự như nó vốn có, bắt buộc phải có. Và chắc chắn, việc này không khó, chỉ có mạnh dạn làm, làm triệt để hay không, để vị trí nào đúng vị trí đó, tuổi nào đúng tuổi đó, không ai có thể bắt bẻ, thưa kiện hay… về quê tìm hiểu lý lịch với giấy nghỉ sinh của mẹ các cháu từ năm nảo, năm nào…
Chuyện nữa mang tính căn cơ, lâu dài hơn, câu hỏi đặt ra khó trả lời hơn là tại sao các lứa U đạt thành tích cao mà càng lớn, thi đấu càng kém đi so với các lò đào tạo khác? Thành tích vẻ vang của U21 Sông Lam Nghệ An hiện giờ chỉ như một ánh chớp lóe lên xa ngái, mà cụ thể nhất, mới nhất là bị loại vì phạm quy mùa trước, khởi đầu mùa này thua cả U21 Kon Tum trên sân Vinh ngay trận ra quân, dù ra sân với dàn hảo thủ ai ai cũng biết mặt, rõ tên.
Người ta có thể tự hào chuyện nhiều cầu thủ trẻ Sông Lam Nghệ An lên tuyển U17, hay U23 Việt Nam nhưng nên nhớ thời điểm hiện tại, Đội tuyển Việt Nam thời ông Troussier hoàn toàn vắng bóng các tên tuổi đến từ sân Vinh? U23 Việt Nam do chính ông Troussier dẫn dắt cũng chỉ có một vài cái tên, còn lại là biên chế “đội 2” do ông Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt. Nói chính xác ra, sau thời Công Vinh, Văn Quyến, Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Văn Đức, đội chủ sân Vinh chỉ có thể cung cấp những nhân lực loại 2 cho các đội tuyển Việt Nam, kể cả các đội trẻ thì những Xuân Tiến, Văn Cường hay Nam Hải cũng không thể sánh được với những Văn Khang, Thái Sơn hay Tuấn Tài trong đánh giá của ông thầy người Pháp và của giới chuyên môn, của người hâm mộ gần xa.
Lâu nay, một số nhân tố trẻ tiềm năng được Sông Lam Nghệ An đôn lên đội 1, ít được vào sân và thường được đưa trở lại thi đấu cho U21 nên giữ chân, giữ cẳng, thi đấu không tốt, không để lại bất cứ dấu ấn nào? Văn Cường, Xuân Đại hay Văn Bách trong trận đấu mới đây là minh chứng cụ thể. Rất tiếc là sau đó ai lên, ai xuống đội 1 sau giải U21 quốc gia thì những nhân tố này cũng nghiễm nhiên có mặt vì đã lên từ trước đó và từng thi đấu không đến nỗi nào. Trước giải U21, Sông Lam Nghệ An có cả một dàn trẻ nức tiếng, hóa ra đã không làm ai sợ hãi hay lùi bước, trái lại chỉ làm chất xúc tác để người khác chứng minh họ cũng chẳng kém cạnh chi ai, cho dù ai gắn mác tuyển, thi đấu quốc tế tưng bừng mà về sân nhà thì cụp cánh, rã cánh như ri…
“Không thầy đố mày làm nên” luôn luôn đúng, trong cuộc sống nói chung cũng như bóng đá nói riêng. Lò Sông Lam không thiếu thầy giỏi, tâm huyết, vấn đề là có trọng dụng, sắp xếp đúng chỗ hay để các thầy giỏi đi sang tỉnh khác cống hiến? Chuyện đội bóng “chảy máu nhân tài” lâu nay thường được hiểu là từ cầu thủ, nhưng nay có vẻ lan sang cả “thầy cầu thủ” mà nếu không có biện pháp tích cực thì chưa biết Sông Lam sẽ “cạn” nhân tài đến mức nào sắp tới?
Bóng đá trẻ luôn là nền tảng cho một đội bóng, một thế lực bóng đá nếu làm thực sự tốt, thực sự bền vững và đi lên theo kịp xu thế chung. Lò Sông Lam Nghệ An đang vướng víu, mùa giải 2023 đang trôi đi với những thất vọng thấy rõ. Mùa V-League 2023-2024 đội bóng chắc chắn sẽ có “thành tích” sử dụng nhiều cầu thủ trẻ nhất (đương nhiên), nhưng thành tích chuyên môn của cá nhân và tập thể thì xem ra khó như… lên trời? Bởi nếu những câu chuyện chưa đầy đủ vừa nói ở trên còn chưa được quan tâm giải quyết, thì mọi việc còn bị níu kéo, bị phân tâm, các đội U và đội 1 còn tiếp tục “thua” thiên hạ, kể cả trên sân nhà?