Hiệu quả 'Nghị quyết nuôi bò vỗ béo' ở xã vùng cao

17/06/2016 15:44

(Baonghean.vn) - Hình thức nuôi bò vỗ béo không còn mới ở các địa phương, tuy nhiên nó vẫn là cách chăn nuôi mang lại hiểu quả kinh tế cao, vừa giảm chi phí đầu tư, tận dụng được nông phụ phẩm và chủ động phòng chống được dịch bện. Đây cũng là thành công của Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã Tam Quang khóa XXV, Tương Dương được ban hành vào năm 2013.

Đến làng Nhùng xã Tam Quang những ngày nắng nóng, thời tiết lên đến trên 40 độ, nhưng đàn bò của nhiều gia đình chăn nuôi theo hình thức vỗ béo vẫn phát triển tốt. Chúng tôi tìm đến gia đình bà Mai Thị Giản, là một trong những hộ thành công nhất thực hiện hình thức chăn nuôi bò vỗ béo.

Chăn nuôi
Chăn nuôi bò vỗ béo đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình bà Mai Thị Giản.

Nhận thấy điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của bản phù hợp với việc trồng cỏ, nên đầu năm 2011 bà và gia đình quyết định vay vốn ngân hàng để đầu tư vào trồng cỏ chăn nuôi bò vỗ béo. Ban đầu cũng gặp không ít khó khăn vì chưa quen với cách chăn nuôi mới, rất nhiều vụ cỏ héo úa, bò chậm phát triển.

Không nản chí, vợ chồng bà đã đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm trồng cỏ và được sự hỗ trợ kỹ thuật từ huyện và sự giúp sức của Ban nông nghiệp xã, một năm sau gia đình bà Giản đã thành công với hình thức chăn nuôi bò vỗ béo.

Giờ đây trong chuồng chăn nuôi của gia đình bà Giản lúc nào cũng duy trì từ 3 - 7 con bò vỗ béo, mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình trên 100 triệu đồng. Từ một hộ nghèo khó khăn nay gia đình bà Giản đã trở thành hộ giàu trong làng Nhùng. Bà Mai Thị Giản cho biết thêm “Với lợi thế là có đất bằng trồng cỏ quanh năm để nuôi bò vỗ béo, cứ 1 đến 2 tháng là mình có thể xuất chuồng. Từ chăn nuôi theo hình thức này gia đình tôi thường xuyên có bò cung cấp cho thị trường, giờ thì đỡ vất hơn rồi”.

Ông
Ông Nguyễn Công Hiền đang chế biên thức ăn cho bò.

Ở xã Tam Quang có rất nhiều hộ ở các bản Bãi Xa, Bãi Sở, Sơn Hà… cũng thoát nghèo nhờ chăn nuôi theo hình thức vỗ béo. Như gia đình ông Nguyễn Công Hiền - Làng Bãi Sở rất thành công với hình thức chăn nuôi vỗ béo này. Ông Hiền chia sẻ: “Gia đình tôi cũng học chăn nuôi theo hình thức vỗ béo này mới đây thôi, nhưng thấy là cách chăn nuôi này đầu tư không nhiều nhưng hiệu quả mang lại khá cao. Đặc biệt ta có thế tận dụng hết các nông phụ phẩm như bã sắn, cây chuối, cây lạc làm thức ăn cho bò. Và hơn nữa là mình còn chủ động được phòng chống dịch bệnh cho bò nhanh hơn, dễ dàng hơn là nuôi thả".

Nuô bò vỗ béo
Nuôi bò vỗ béo theo hình thức nuôi nhốt hoặc khoanh vùng chăn thả nên còn bảo vệ được rừng.

Được biết thì hình thức nuôi bò vỗ béo ở Tam Quang huyện Tương Dương có từ rất lâu,với hình thức nhỏ lẻ, tự phát ở một vài hộ trong xã. Nhưng bắt đầu từ khi thực hiện theo nghị quyết huyện Đảng bộ khóa XXV về trồng rừng, trồng cỏ, phát triển chăn nuôi, cùng với đó bò vàng địa phương càng có giá trên thị trường và Đảng bộ xã cũng có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, thì người dân Tam Quang đã tập trung đầu tư hình thức nuôi bò vỗ béo.

Đến nay trong toàn xã đã có hơn 100 hộ chăn nuôi bò vỗ béo, với trên 500 con bò, mỗi năm mang lại thu nhập cho mỗi gia đình từ 80-100 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Yến - Trưởng ban nông nghiệp xã Tam Quang nói: “Đây là hình thức chăn nuôi đơn giản, nhưng mang lại hiểu quả cao cho các hộ dân trong xã, nên thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để khuyến khích người dân tăng cường nuôi bò vỗ béo"

Nhờ nghề nuôi bò vỗ béo đã cải thiện đáng kể cuộc sống của nhân dân xã vùng cao Tam Quang
Nghề nuôi bò vỗ béo góp phần cải thiện cuộc sống của nhân dân xã vùng cao Tam Quang.

Chăn nuôi đơn giản, hiệu quả, phòng tránh được dịch bệnh... nên hình thức nuôi bò vỗ béo ở xã Tam Quang huyện Tương Dương đang cho thấy hiệu quả, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, lao động của địa phương. Đây là hình thức chăn nuôi đnag được nhiều hộ dân nhân rộng trên toàn Tương Dương, trở thành giải pháp hữu hiệu trong công cuộc xáo đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...

May Huyền – Đình Tỷ

Đài Tương Dương

TIN LIÊN QUAN

Hiệu quả 'Nghị quyết nuôi bò vỗ béo' ở xã vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO