Hiệu quả phòng, chống tham nhũng sẽ giảm

14/05/2013 19:14

Vừa qua, Bộ Công an đề xuất sửa đổi Điều 7, Luật Báo chí theo hướng Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước thông tin này, nhiều người không đồng tình và tỏ ra lo ngại cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Báo Nghệ An xin giới thiệu ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hiếu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Nghệ An và Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải & Cộng sự xung quanh vấn đề này.

(Baonghean) - Vừa qua, Bộ Công an đề xuất sửa đổi Điều 7, Luật Báo chí theo hướng Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước thông tin này, nhiều người không đồng tình và tỏ ra lo ngại cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Báo Nghệ An xin giới thiệu ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hiếu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Nghệ An và Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải & Cộng sự xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Quốc Hiếu: Báo chí sẽ bị hạn chế trong quá trình tác nghiệp.

Hiện nay cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta đang là một mặt trận nóng bỏng và đầy khó khăn, phức tạp. Trách nhiệm vẻ vang và nặng nề của Báo chí Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là phải trở thành lực lượng xung kích trong cuộc đấu tranh đó. Trong những năm gần đây báo chí của chúng ta đã vào cuộc một cách quyết liệt và góp phần phanh phui hàng ngàn vụ việc tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm ổn định xã hội. Có một số vụ việc lớn điển hình như vụ Vinashin, vụ cưỡng chế đất đai tại Tiên Lãng (Hải Phòng)… nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của báo chí, không có những nguồn thông tin được người dân địa phương cung cấp chưa chắc các vụ việc đã được xử lý nghiêm túc.

Hoạt động chống tiêu cực của báo chí được nhân dân đồng tình ủng hộ. Người dân hiện nay vẫn đang tin tưởng vào báo chí, bởi báo chí vẫn đang là phương tiện chống tiêu cực hiệu quả của Đảng và Nhà nước, vì vậy nếu có thông tin về chống tiêu cực, họ sẵn sàng cung cấp cho báo chí. Nguồn tin của báo chí được nhân dân cung cấp trong thời gian qua đã góp phần làm cho sức mạnh của báo chí trong cuộc chiến chống tiêu cực được nhân lên gấp bội. Những hoạt động của báo chí về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đều nhằm mục đích làm cho xã hội ta ngày càng tốt đẹp hơn. Vì thế, bất luận một biện pháp nào nhằm kiểm soát nguồn tin của báo chí sẽ hạn chế đến sự phát triển của xã hội.

“Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật người cung cấp thông tin”, là 1 trong 9 điều quy định đạo đức của người làm báo Việt Nam. Nhà báo để lộ bí mật quốc gia về thông tin, nguồn tin và người cung cấp thông tin trong các trường hợp không được phép của Nhà nước đều vi phạm đạo đức người làm báo. Chúng ta nên xem các bài viết về lĩnh vực chống tiêu cực trên báo là nguồn thông tin quan trọng của dư luận để giúp các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xét xử. Nếu quá trình điều tra thấy rằng các vụ việc được báo chí nêu ra, các số liệu chứng minh hoàn toàn sai sự thật và thật sự có hành vi bịa đặt, vu khống nhằm làm tổn thất đến danh dự của tập thể, cá nhân thì tác giả viết bài và cơ quan báo chí đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu đề nghị đưa vào luật quy định báo chí “phải” cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra thì người dân sẽ không mạnh dạn cung cấp thông tin cho báo chí, và theo đó là báo chí sẽ bị hạn chế trong quá trình tác nghiệp. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta sẽ khó thành công.







Một số hình ảnh về “kho” gỗ không rõ nguồn gốc giữa Thị trấn Kim Sơn
(Quế Phong) do PV Báo Nghệ An ghi lại. Ảnh: P.V

Luật sư Nguyễn Trọng Hải: Trái với Hiến pháp và một số điều luật đã được ban hành.

Điều 86 về vai trò, trách nhiệm của báo chí trong Luật Phòng, chống tham nhũng bổ sung, sửa đổi năm 2012 khẳng định: Nhà nước khuyến khích các cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin, phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan báo chí, phóng viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu đó theo quy định của pháp luật. Trường hợp không cung cấp cho báo chí phải trả lời bằng văn bản và có lý do. Bên cạnh đó, cơ quan báo chí phải đưa tin trung thực, khách quan; Tổng Biên tập, phóng viên phải chịu trách nhiệm cao về việc đưa tin, chấp hành pháp luật về báo chí.

Người cung cấp thông tin cho báo chí là công dân, có đầy đủ các quyền của mình và được pháp luật, Hiến pháp bảo vệ. Họ có quyền được bảo vệ bí mật đời tư mà pháp luật cho phép, không ai được xâm phạm. Việc bảo vệ nguồn tin chính là bảo vệ một trong những quyền cơ bản của công dân. Điều 69, Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”. Điều này đã được cụ thể hóa trong Điều 4 Luật Báo chí: “Công dân có quyền tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào, và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”. Điều 7 Luật Báo chí cũng quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

Không chỉ báo chí, các cơ quan có chức năng tiếp nhận nguồn tin từ quần chúng nhân dân như cơ quan kiểm tra của Đảng, cơ quan thanh tra của chính quyền, các cơ quan tiến hành tố tụng… đều có nghĩa vụ bảo vệ nguồn tin. Theo quy định của Luật Tố tụng hình sự và các văn bản có liên quan, cơ quan điều tra là cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra tất cả các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do Bộ Luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người đã thực hiện hành vi phạm tội, lập hồ sơ, đề nghị truy tố; tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, thay vì truy xét nguồn tin, cơ quan điều tra phải xem xét, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố, thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức đã báo tin, kiến nghị, người đã tố giác tội phạm biết và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm… Văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tố cáo năm 2011 cũng quy định: “Yêu cầu người tiếp nhận tố cáo phải nghiên cứu, xác định nội dung vụ việc… có biện pháp phù hợp nhằm giữ bí mật thông tin cho người tố cáo. Trường hợp cần thiết có thể lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, đồng thời lưu trữ và quản lý thông tin về người tố cáo theo chế độ thông tin mật”. Việc này nhằm bảo đảm người cung cấp thông tin tham nhũng, tiêu cực không bị sợ hãi, không bị ai trả thù.

Việc báo chí cung cấp thông tin vi phạm pháp luật của cá nhân hay tập thể trên phương tiện truyền thông đại chúng có tính chất như một dư luận xã hội, là cơ sở dữ liệu cho cơ quan điều tra. Báo chí chịu trách nhiệm về thông tin mình đã đăng tải, còn việc xác minh đúng sai là của cơ quan chức năng. Nếu yêu cầu cơ quan báo chí phải cung cấp nguồn tin cho tất cả các cơ quan điều tra các cấp, cho dù với mục đích gì cũng đều không ổn vì sẽ xâm phạm đến quyền công dân, đến những khách thể được pháp luật và Hiến pháp bảo vệ.


Đức Chuyên (Thực hiện)

Hiệu quả phòng, chống tham nhũng sẽ giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO