Hiệu quả từ chủ động ứng phó khô hạn
(Baonghean) - Biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến nguồn nước tưới phục vụ nông nghiệp trong mùa khô. Trước thực tế đó, các huyện trung du, miền núi phối hợp với các ngành chức năng và người dân tiếp tục chủ động ứng phó để đảm bảo phát huy hiệu quả sản xuất.
Nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu lấy từ các sông suối, công trình hồ đập thông qua hệ thống trạm bơm. Thế nhưng, tại các huyện miền núi, do địa hình khó khăn nên rất ít địa phương có hồ chứa nước, điều này khiến cho việc sản xuất gặp nhiều bất lợi. Bên cạnh đó, tại thời điểm này, mặc dù mới đầu mùa hè, song trên địa bàn tỉnh trải qua nhiều đợt nắng nóng khá gay gắt, ở khu vực miền núi, nhiệt độ trung bình có khi lên tới 36 - 38˚C... độ ẩm trong đất và không khí thấp khiến nhiều cánh đồng có nguy cơ gặp hạn. Thực tế đó đặt ra nhiệm vụ cấp bách cho chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp và người nông dân trong việc ứng phó với tình hình khô hạn.
Vụ đông xuân năm nay, huyện Nghĩa Đàn gieo cấy hơn 3.500 ha lúa nước. 113 hồ đập lớn nhỏ trên toàn địa bàn huyện là nguồn cung cấp nước tưới chủ yếu cho diện tích này. Ông Võ Xuân Sơn, cán bộ phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Hàng năm, vào trước mùa khô, địa phương đều tiến hành nạo vét các đoạn kênh mương trọng yếu để lưu thông dòng chảy, đảm bảo nước tưới tiêu. Đầu vụ sản xuất vụ xuân, toàn huyện đã nạo vét được 57.983 m3 kênh mương các loại. Ngoài ra, nhờ điều tiết sử dụng nước từ các hồ đập, trạm bơm hợp lý nên vụ đông xuân năm nay, huyện Nghĩa Đàn cơ bản đủ nước tưới và có dự trữ cho vụ hè thu”. Ông Sơn cũng cho biết thêm, trong trường hợp nắng hạn quá gay gắt, hạn hán xảy ra nghiêm trọng thì huyện tổ chức cùng bà con nông dân dùng bơm dã chiến để tiếp nước từ sông suối, hồ đập cho đồng ruộng.
Nạo vét kênh mương, giảm thất thoát nước tưới ở phường Nghi Hương (TX. Cửa Lò). Ảnh: P.V |
Tại huyện Tương Dương, địa phương luôn chịu mức nhiệt cao nhất của tỉnh thì tình trạng thiếu nước sản xuất là vấn đề thường xuyên gặp phải. Toàn huyện chỉ có duy nhất hồ chứa nước Nậm Khủn nằm ở giữa bản Tam Liên và làng Bãi Sở (xã Tam Quang), tuy nhiên trữ lượng rất nhỏ. Do đó, bà con phải thường xuyên tích cực nạo vét kênh mương, điều chỉnh dòng chảy khe suối.
Ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Để đảm bảo đủ nước tưới tiêu thì từ tháng 10 năm ngoái, huyện đã phát động bà con ra quân làm thủy lợi, cố gắng cải thiện tình hình thiếu nước, đảm bảo cho việc sản xuất được thuận lợi. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài trong thời gian qua đã khiến mực nước trên sông suối giảm mạnh, gây khó khăn trong việc tưới tiêu. Trước mắt, huyện huy động bà con tích cực đắp bờ vùng, bờ thửa để cải thiện tình hình. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì sẽ không tránh khỏi tình trạng hạn hán, song huyện cũng đã lên các phương án để hạn chế đến mức tối đa những tác động tiêu cực đến mùa vụ”.
Còn tại huyện miền núi Thanh Chương, đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới, huyện đã chủ động triển khai thực hiện mô hình canh tác lúa cải tiến SRI cho bà con nông dân. Với mô hình này, mỗi mùa vụ chỉ cần từ 2 - 3 lần tưới nước. Cùng với kỹ thuật gieo trồng và cách chăm sóc mới, mô hình này không chỉ giúp bà con tiết kiệm được nước tưới mà còn mang lại năng suất cao hơn. Riêng tại xã Thanh Liên, vụ đông xuân này có hơn 20 ha đồng ruộng được bà con triển khai trồng lúa theo mô hình này. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả và thiết thực trước vấn đề hạn hán đang đặt ra tại nhiều địa phương hiện nay.
Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: “Lượng mưa năm qua chỉ đạt xấp xỉ 70% so với trung bình nhiều năm trước, do đó, lượng nước trong các hồ chứa không đạt so với thiết kế. Đây là nguy cơ thiếu nước tưới trong sản xuất nông nghiệp. Đối với các huyện miền núi thì vấn đề này lại càng khó khăn hơn, thậm chí có những địa phương nằm trong tiểu vùng khí hậu khô nóng, hạn hán cục bộ diễn ra thường xuyên.
Để giải quyết phần nào thực trạng này, các cơ quan chức năng cũng đã làm việc với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ và Thủy điện Khe Bố để điều tiết nước vùng hạ du. Đồng thời, hướng dẫn bà con sử dụng nước một cách hợp lý, tiết kiệm và cân đối, tránh lãng phí”. Cũng theo ông Thành, bà con nông dân đã được hướng dẫn sắp xếp lịch thời vụ phù hợp với điều kiện khí hậu thủy văn, tránh lúa trổ vào thời kỳ nắng nóng, gió Tây Nam thổi mạnh, không có mưa.
Bên cạnh sự chỉ đạo, vào cuộc của các cấp, các ngành mà chính người nông dân tại các huyện cũng chủ động thay đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với tình hình. Anh Nguyễn Đình Hồng ở xóm 5, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương cho biết: “Vào mùa nắng nóng, theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, ở những ruộng thiếu nước tưới, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô bởi khả năng chịu hạn của ngô cao hơn. Mấy năm qua, thực hiện theo phương thức đó đã hạn chế thất thu trong mùa hè nắng hạn”. Có thể thấy, sự chủ động cùng vào cuộc của chính quyền và người dân là yếu tố then chốt để đạt được hiệu quả trong việc hạn chế thấp nhất những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Các huyện miền núi nói riêng và cả tỉnh nói chung nhiều năm nay vẫn luôn gặp phải vấn đề thiếu nước tưới phục vụ sản xuất trong mùa khô, thậm chí có những năm xảy ra tình trạng lúa chết hàng loạt do thiếu nước. Trong thời gian tới, do diễn biến phức tạp của thời tiết nên thiếu nước tưới đang là vấn đề cấp bách. Chính vì vậy, các địa phương và người nông dân cần chủ động xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp có thể đối phó với biến đổi khí hậu mang tính dài hạn. Sự chủ động ứng phó với tình hình mà các cấp, các ngành và người nông dân đã và đang thực hiện chính là bài học kinh nghiệm góp phần giải quyết vấn đề nan giải này trong sản xuất nông nghiệp.
Phương Thảo