Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Quỳnh Dị
(Baonghean.vn) - Thực hiện Nghị quyết chuyên đề về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, để phát triển nông nghiệp, những năm qua, người dân phường Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai) đã mạnh dạn đầu tư và đưa nhiều giống cây, con mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nổi bật là mô hình nuôi bò nhốt và cá - lúa.
Nhận thấy nghề nuôi bò thịt bằng phương pháp vỗ béo nhanh có hiệu quả, lại đảm bảo tính an toàn và dễ chăm sóc nên chị Nguyễn Thị Phấn ở khối Yên Trung, phường Quỳnh Dị đã quyết định xây dựng chuồng trại với quy mô lớn. Bước đầu, chị cải tạo đất vườn xây 3 dãy chuồng và tăng số lượng đàn bò lên đến 15 con trong một đợt nuôi. Bán bò thịt xong chị lại đầu tư mua tiếp bò gầy hoặc me về vỗ béo. Nhờ đó, mỗi năm trừ chi phí chị thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Mô hình nuôi bò nhốt vỗ béo của gia đình chị Nguyễn Thị Phấn đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. |
Còn gia đình anh Đậu Sỹ Tam lại chọn hình thức nuôi xen canh cá trong đất lúa ở vùng đất Đập Cói. Với hơn 1 ha đất, lúc đầu anh chỉ nuôi ít cá rô phi, sau khi thu hoạch lúa, thấy cá lớn nhanh và phát triển cả về số lượng nên anh thả thêm cá mè, cá chép và cá trắm. Cá nuôi từ ruộng lúa do sử dụng thức ăn tự nhiên nên chất lượng thơm ngon, bán được giá. Việc nuôi cá - lúa đem lại lợi ích kép bởi cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và thải nguồn phân cho lúa nên năng suất lúa cao hơn hẳn, đạt gần 3,5 tạ/sào. Trung bình mỗi năm, anh thu hoạch gần 7 tấn lúa và trên 1 tấn cá, thu nhập gần 100 triệu đồng.
Nuôi cá xen canh lúa ở vùng Đập Cói giúp nông dân tăng thu nhập. |
Ngoài ra, Đảng ủy, UBND phường còn triển khai nhiều giải pháp đầu tư thâm canh diện tích nuôi tôm hiện có. Với 85 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng đạt 520 tấn/năm, phường đã xây dựng mô hình liên kết, liên doanh giữa các hộ nuôi tôm trên các lĩnh vực bảo vệ sản xuất, bảo vệ môi trường, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn và nhân lực để giúp nhau phát triển. Nhờ đó, trung bình năng suất tôm đạt trên 6 tấn/ha, đem lại nguồn thu lớn cho các hộ nuôi.
Để tạo điều kiện cho các hộ nuôi tôm đạt hiệu quả cao, Hội Nông dân phường đã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng, Trạm Khuyến nông thị xã mở 23 lớp tập huấn phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật mới cho hơn 1.600 lượt người, 7 lớp học nghề với 220 lao động. Hiện vùng nuôi tôm của Quỳnh Dị đã tiếp nhận dự án bảo vệ nguồn lợi ven biển của Ngân hàng thế giới đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi để xây dựng vùng nuôi VietGAP.
Nuôi tôm thẻ chân trắng ở phường Quỳnh Dị năng suất đạt 6 tấn/ ha. |
Ông Hồ Sỹ Hà – Bí thư Đảng ủy phường Quỳnh Dị cho biết: Mặc dù thế mạnh của phường không phải là sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế đã giúp cho kinh tế - xã hội ở Quỳnh Dị tiếp tục có bước phát triển ổn định. Đối với những diện tích đất lúa kém hiệu quả, đất cao cưỡng địa phương khuyến cáo bà con chuyển sang trồng cây thuốc lào, nuôi trồng thủy sản. Riêng đối với chăn nuôi, khuyến khích bà con phát triển mô hình gia trại.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở phường Quỳnh Dị đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của phường trong 5 năm đạt 16,3%, thu nhập của người dân đạt gần 25 triệu đồng/người/năm (tăng 2,19 lần so với 2010), giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4% .
Thanh Thủy
Đài Hoàng Mai