Hiệu ứng Baggio là gì mà đáng sợ thế?

Việt Hà 11/12/2022 15:49

“Hiệu ứng Baggio” là trạng thái tâm lý bất ổn của cầu thủ khi phải đá quả luân lưu mà nếu sút hỏng đội nhà sẽ thất bại. Marquinhos chính là nạn nhân mới nhất của cái gọi là “hiệu ứng Baggio”.

“Hiệu ứng Baggio” là trạng thái tâm lý bất ổn của cầu thủ khi phải đá quả luân lưu mà nếu sút hỏng đội nhà sẽ thất bại. Marquinhos chính là nạn nhân mới nhất của cái gọi là “hiệu ứng Baggio”.

“Nếu cầu thủ A đá hỏng, mọi thứ sẽ kết thúc với họ”. Chúng ta thường nghe câu nói quen thuộc này của bình luận viên ở loạt sút luân lưu cân não. Đó là tình huống mà cầu thủ A phải sút thành công để níu giữ cơ hội sống sót cho đội bóng của mình. Nhưng lịch sử chứng minh, phần đông thất bại bởi áp lực nặng nề.

Một cầu thủ, dù ở đẳng cấp cao đến mấy, cũng có nguy cơ cao sút hỏng nếu rơi vào tình huống tương tự huyền thoại người Italia.

Roberto Baggio là số 10 lừng lẫy của ĐT Italia cách đây ba thập kỷ. Trong trận chung kết World Cup 1994, Baggio bước lên đá lượt thứ năm cho Italia khi tỷ số luân lưu đang là 3-2 nghiêng về Brazil. Nếu Baggio sút hỏng, Italia sẽ thất bại. Nếu thành công, cơ hội sống sót vẫn còn. Và rồi “Đuôi ngựa thần thánh” đưa trái bóng vọt xà ngang. Brazil không cần đá lượt thứ năm vẫn lên ngôi trên đất Mỹ.

Một cầu thủ, dù ở đẳng cấp cao đến mấy, cũng có nguy cơ cao sút hỏng nếu rơi vào tình huống tương tự huyền thoại người Italia. Theo thống kê của tờ Globo, tỷ lệ sút luân lưu thành công tại World Cup tính đến năm 2018 là 70%. Đáng chú ý tỷ lệ này tụt xuống còn 42% trong các cú sút mà nếu hỏng là thua trận (chính là “hiệu ứng Baggio). Ngoài ra tỷ lệ thành công tăng lên đến 95% trong các cú sút mà nếu thành công là thắng trận.

Marquinhos đã không vượt qua khỏi cái gọi là “hiệu ứng Baggio”. Trung vệ này thực hiện lượt đá thứ tư cho Brazil khi tỷ số luân lưu đang là 4-2 nghiêng về Croatia. Marquinhos không được phép sút hỏng. Nhưng cú sút khá mạnh của cầu thủ PSG đã đưa bóng tìm đến cột dọc. Loạt luân lưu dừng lại với chiến thắng cho người Croatia.

“Khi cầu thủ đối diện áp lực nặng nề phải đá thành công. Tâm trí họ bị che phủ bởi sự lo lắng và sẽ gây tổn hại cho các dây thần kinh vận động. Do đó khi chịu tác động mạnh về cảm xúc, cầu thủ có xu hướng không lặp lại được các động tác mà họ đã thuần thục trên sân tập”, Joao Ricardo Cozac, nhà tâm lý học thể thao giải thích về cái dớp “hiệu ứng Baggio”.

Đá luân lưu là câu chuyện may rủi, đúng nhưng không hoàn toàn. Ngoài “hiệu ứng Baggio”, Marquinhos còn rơi vào cú sút thứ 8 tử thần. Thống kê của Gracenote chỉ ra cú sút thứ 8 là nhiều rủi ro nhất trong 10 cú sút đầu tiên của hai đội. Trong lịch sử các loạt luân lưu tại World Cup (tính đến vòng 1/8 World Cup 2022), tỷ lệ sút hỏng của cú đá thứ 8 lên tới 38%, cao nhất trong 10 cú sút đầu tiên. An toàn nhất là cú sút đầu tiên với tỷ lệ thất bại chỉ có 28%.

Tite không có nhu cầu phải biết những thông tin đó. Ông chỉ cần biết Marquinhos là một thủ lĩnh, một cầu thủ có tinh thần thép của ĐT Brazil. Tite tin rằng Marquinhos xứng đáng được trao gửi niềm tin ở loạt luân lưu với người Croatia.

Nhưng Tite lại bỏ qua một chi tiết quan trọng: Marquinhos chưa từng đá 11 mét, dù là phạt đền hay sút luân lưu, trong toàn bộ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Đá luân lưu không chỉ là may rủi đâu, Tite!

Theo Bongdaplus
Copy Link

Mới nhất

x
Hiệu ứng Baggio là gì mà đáng sợ thế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO