HLV Hữu Thắng: Khát khao chinh phục những thử thách mới
(Baonghean) - HLV trưởng đội tuyển quốc gia Nguyễn Hữu Thắng trò chuyện với Báo Nghệ An nhân dịp năm mới 2017.
P.V: Từng là tuyển thủ quốc gia, HLV trưởng CLB SLNA, rồi được chọn làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, với nhiều người, đó là niềm tự hào cho bóng đá xứ Nghệ, còn ông có cảm giác như thế nào khi nhận công việc mới này?
HLV Hữu Thắng: Trong cuộc sống ai cũng muốn khát khao được chinh phục những thử thách mới, được cống hiến và sống với đam mê của mình. Cảm giác đầu tiên của tôi khi được chọn làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia là tự hào và vinh dự. Ngoài nhiệm vụ cống hiến thì đây cũng là khát khao chinh phục một đỉnh cao mới trong nghề làm HLV của mình, nhưng trên tất cả vẫn là sự tự hào, niềm vinh dự khi được phục vụ cho đội tuyển quốc gia.
Nguyễn Hữu Thắng nhận chức HLV trưởng đội tuyển quốc gia trước sự chứng kiến của lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam |
P.V: Làm nghề HLV bóng đá ở Việt Nam luôn chịu nhiều áp lực từ dư luận, từ mong muốn, đòi hỏi của người hâm mộ, trong khi thực trạng nền bóng đá nước nhà đang còn nhiều khó khăn, ông thấy có gì khác nhau giữa HLV trưởng CLB và HLV trưởng đội tuyển quốc gia?
HLV Hữu Thắng: HLV là một nghề chịu áp lực rất lớn, nhưng làm HLV ở CLB chịu áp lực có thể là 10, thì lên làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia có thể lên đến 30, 40, 50, thậm chí 100, bởi quy mô giữa đội tuyển quốc gia và CLB hoàn toàn khác nhau. Ở tầm đội tuyển, với số lượng CĐV hơn 90 triệu người dân Việt Nam luôn kỳ vọng vào đội tuyển thì áp lực lớn rất nhiều. Trong khi đó, mình là người cầm quân, mang màu cờ sắc áo của đội tuyển đi thi đấu với bạn bè quốc tế thì áp lực càng lớn hơn nữa.
P.V: Khi còn là tuyển thủ, tham dự nhiều nhiều kỳ SEA Games, AFF CUP và các giải đấu quốc tế khác, rồi làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, trước mỗi trận đấu, khi chào cờ, hát quốc ca, ông có cảm xúc như thế nào?
HLV Hữu Thắng: Tôi nghỉ thi đấu đã hơn 20 năm, nhưng mỗi khi nhớ về những lần hát quốc ca trước các trận đấu lớn là nhớ đến cảm giác những gì thiêng liêng nhất, tự hào nhất. Cảm giác đó hiện nay vẫn nguyên vẹn với tôi mỗi khi cùng Ban huấn luyện và các tuyển thủ nắm chặt tay nhau bước ra sân cùng hòa nhịp với hàng vạn CĐV trên các khán đài cất cao tiếng hát hào hùng, khích lệ tinh thần trước mỗi trận đấu.
CĐV Việt Nam luôn sát cánh cùng đội tuyển - Ảnh: Đức Cường |
P.V: Theo ông, việc thi đấu dưới sự cổ vũ của hàng vạn CĐV trên sân nhà và sức ép của CĐV trên sân khách có gì khác nhau?
HLV Hữu Thắng: Sân khách và sân nhà đều tạo cho mình những áp lực khác nhau. Như thi đấu ở Indonesia, dưới áp lực của hàng vạn CĐV cuồng nhiệt suốt cả 90 phút của trận đấu, sự cỗ vũ của họ không ngừng nghỉ. Làm cho mình cảm giác như bị lọt thỏm vào một vùng xoáy lớn. Trong những tình huống khó khăn, sức ép lớn nhất thì tinh thần đoàn kết tập thể sẽ tạo thành một khối liên kết bền vững, lúc đó đội tuyển chúng ta như một con tàu lớn vượt qua bão táp giữa biển khơi mà không có cái gì có thể nhấn chìm được.
P.V: Những giờ nghỉ giải lao giữa hai hiệp đấu, ông thường có những biện pháp gì để xốc lại tinh thần thi đấu cho các cầu thủ?
HLV Hữu Thắng: Mình thường động viên các cầu thủ trong tất cả mọi hoàn cảnh mình đều phải tìm cách vượt qua, không bao giờ được gục ngã, nhưng điều quan trọng nhất là mình phải điều chỉnh chiến thuật, chỉ ra những sai sót cần phải khắc phục và những điểm tốt cần phát huy.
Dưới thời HLV Hữu Thắng, sự đoàn kết là một thế mạnh của đội tuyển - Ảnh: Đức Cường |
P.V: Sau những lần cầm quân đi thi đấu với các đội tuyển trong khu vực và trên thế giới, ông có đánh giá gì về trình độ bóng đá Đông Nam Á hiện nay, khoảng cách giữa các đối thủ “kỵ giơ” với đội tuyển Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Singapore...?
HLV Hữu Thắng: Theo tôi khoảng cách giữa các nền bóng đá hiện nay đang bắt đầu được rút ngắn lại. Nhưng bóng đá Đông Nam Á vẫn đang là “vùng trũng” của thế giới. Nếu đem ra so sánh thì hiện chúng ta chưa có gì vượt trội so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chúng ta chỉ hơn họ ở niềm đam mê, sự hâm mộ cuồng nhiệt của khán giả cả nước, đó là điều rất tốt mà bóng đá chuyên nghiệp rất cần. Muốn có nền bóng đá phát triển, điều quan trọng nhất là mình phải có sự đầu tư đồng bộ, từ cấp độ đào tạo cầu thủ trẻ phải có thêm nhiều học viện bóng đá, các giải đấu trong nước từ hạng nhì, hạng nhất, V.League ngày càng được đầu tư, nâng cao chất lượng hơn nữa, lúc đó nền bóng đá chúng ta mới vượt ra khỏi khu vực “vùng trũng”.
P.V: Theo ông, trong xu thế phát triển hiện nay “lò” đào tạo bóng đá Sông Lam Nghệ An có cần phải nâng cấp lên nữa không?
HLV Hữu Thắng: Bóng đá hiện nay có sự phát triển rất nhanh, do đó chúng ta không thể sống bằng quá khứ được. SLNA là nơi đào tạo bóng đá trẻ có tiếng trong cả nước, nhưng những năm gần đây hệ thống đào tạo trẻ của SLNA so với các “lò” đào tạo khác đã có sự tụt hậu do không có sự đầu tư thỏa đáng. Trong bóng đá không có sự đầu tư thì không bao giờ gặt hái được thành công, và giữ được ngôi vị của mình. Minh chứng cho điều này là đội trẻ của SLNA trong những năm gần đây đã không gặt hái được thành công như trước nữa.
HLV Hữu Thắng cảm ơn người hâm mộ sau trận đấu tại AFF CUP 2016 - Ảnh: Đức Cường |
P.V: Ông từng nói rằng khi sử dụng cầu thủ mình không có sự phân biệt vùng miền, quê quán, mà phải dựa trên năng lực chuyên môn, nhưng vừa qua, việc gọi nhiều cầu thủ xứ Nghệ vào đội tuyển có gây cho ông những áp lực, khó khăn nào trong sắp xếp đội hình không?
HLV Hữu Thắng: Nghề cầu thủ, HLV giống như một lao động nghệ thuật, nên mình không thể chọn người quen thay cho chất lượng chuyên môn được. Với tôi bất cứ ai có chuyên môn tốt, phù hợp với lối chơi của mình đề ra thì mình đều tạo cho họ cơ hội. Bây giờ là các cầu thủ xứ Nghệ, sắp tới là các cầu thủ HAGL, Hà Nội T&T, VPF hay bất cứ cầu thủ nào chơi tốt thì mình cũng sẽ chọn họ vào đội hình dự SEA Games và đội tuyển. Chả lẽ mỗi lúc chọn cầu thủ nơi này, nơi kia, mình lại cứ chạy theo thanh minh với dư luận. Tôi nghĩ mình sống như một cái cây thẳng thì mình chẳng ngại gì.
P.V: Những lúc đội tuyển tham dự các giải đấu, anh có dành thời gian xem thông tin báo chí, mạng xã hội viết về mình và đội tuyển không?
HLV Hữu Thắng: Những lúc đó, tôi gần như không có thời gian rảnh rỗi vì suốt ngày làm việc với cầu thủ và các trợ lý.
P.V: Vậy ông có khuyên nhủ gì các cầu thủ trong việc xem và xử lý thông tin trước báo chí và mạng xã hội không?
HLV Hữu Thắng: Có chứ, tôi phải khuyên nhủ để họ biết tự bảo vệ mình trước những luồng dư luận để tập trung vào công việc chuyên môn.
P.V: Sau kỳ AFF CUP, công việc trước mắt của ông là chọn các cầu thủ chuẩn bị cho kỳ SEA Games sắp tới, ông đánh giá như thế nào về các cầu thủ trẻ chúng ta hiện nay?
HLV Hữu Thắng: Bóng đá trẻ mình tài năng vẫn đang có và đang phát triển, nhưng chúng ta đừng quá kỳ vọng, thổi phồng, làm cho sự việc đi quá xa. Mình phải nhìn nhận thực tế mình như thế nào, đừng nghĩ mình thắng ở một vài giải trẻ và có sự may mắn mà nghĩ mình ở một đẳng cấp khác. Với các cầu thủ trẻ mình đừng cho họ một suy nghĩ trở thành ngôi sao quá sớm, mà phải nhìn nhận sự việc một cách đúng đắn, lứa tuổi nào thì chơi như thế nào. Như Công Phượng, Xuân Trường... vừa rồi họ được lên chơi ở đội tuyển đã là một thành công, tương lai của họ đang ở phía trước, đây mới chỉ là mở cánh cửa cho họ ở đội tuyển. Sự thất vọng có chăng là chúng ta quá kỳ vọng vào các cầu thủ trẻ.
P.V: Công việc HLV trưởng đội tuyển quốc gia rồi sắp tới là U23, nên rất bận rộn và phải di chuyển khắp nơi, vậy ông giành thời gian nào cho gia đình?
HLV Hữu Thắng: Những ngày nghỉ, ngày lễ nếu không trùng với các giải đấu thì mình đều tranh thủ về với gia đình. Với tôi những ngày đó tôi tranh thủ làm các việc cho gia đình càng nhiều càng tốt, rồi sáng đưa con đi học, chiều đón con về, có thời gian rãnh rỗi thì đưa con đi chơi, đi xem phim. Khi có các trận đấu ở Việt Nam, gia đình tôi thường đi xem và động viên tôi, đây cũng là dịp để chúng tôi gặp gỡ, gần gũi nhau, dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn.
P.V: Cảm ơn ông đã giành thời gian trò chuyện, chúc ông cùng đội tuyển Việt Nam và U23 gặt hái được nhiều thành công trong năm mới!
Đức Chuyên (Thực hiện)