HLV Lê Kỳ Phương, Văn Quyến và những điểm tựa của nhà vô địch U17 SLNA
(Baonghean.vn) - Đội U17 SLNA đã giải cơn khát vô địch danh hiệu này kéo dài suốt 8 năm qua. Và danh hiệu một lần nữa chứng tỏ nghị lực vượt khó, quyết tâm của các cầu thủ trẻ xứ Nghệ. Tuy nhiên, sau thành công của các học trò, là những hy sinh thầm lặng của những người thầy.
Một trong những điều may mắn đối với thế hệ cầu thủ U17 SLNA sinh năm 2003, 2004 của SLNA là họ được dẫn dắt bởi HLV Lê Kỳ Phương. Một bậc thầy trong công tác đào tạo trẻ với rất nhiều danh hiệu, ông cũng từng làm HLV phó cho HLV Hữu Thắng trong chức vô địch V.League 2011.
Giải đấu vừa qua thành công, đến từ chính sự nỗ lực khổ luyện của các cầu thủ trẻ, nhưng vai trò của những HLV trong suốt hành trình vừa qua là rất đáng trân trọng. Trong mấy chục năm làm đào tạo trẻ, mức lương của HLV Lê Kỳ Phương tại SLNA là 8 triệu đồng, mức lương của HLV phó Phạm Văn Quyến là 6 triệu đồng.
Tuy nhiên, đó không phải là nỗi lo lắng của HLV Lê Kỳ Phương khi đến với VCK U17 Quốc gia lần này. Đối thủ của SLNA là những lò đào tạo được đầu tư mạnh tay, mời hàng chục chuyên gia nước ngoài, có mọi chế độ vượt trội và tài năng mà họ thu nhận cũng chẳng kém gì lò SLNA.
Khách sạn mà U17 SLNA lưu trú tại Hưng Yên để thi đấu VCK U17 quốc gia 2020 thực tế chỉ là một nhà nghỉ bình dân. Ảnh: Bá Tuấn |
Những tài năng trẻ của SLNA được hưởng mức ăn 90.000 đồng/ngày, trước đây là 60.000/ngày và đội nào có HCV được ăn mức 120.000/ngày. Khi đi đá giải, các em được ăn mức 150.000/ngày theo quy định và tổng chế độ bao gồm ăn ngủ nghỉ là 350.000/ngày.
Điều đó buộc thầy và trò các đội trẻ SLNA phải ở nhà nghỉ thay vì khách sạn. Các thầy ở U17 SLNA cũng sẵn sàng giặt quần áo cho các em trẻ để tiết kiệm tiền dịch vụ. Trong khi các đội khác như PVF, Nutifood riêng tiền ăn đã 1,5 triệu đồng/ngày.
Trở lại với VCK U17 quốc gia 2020, thầy trò HLV Lê Kỳ Phương lên đường, các thầy vừa phải làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa phải tính toán để cân đối để tăng thêm tiền ăn vì mức 50.000 đồng/ngày không thể đủ đảm bảo dinh dưỡng.
HLV Lê Kỳ Phương (đứng thứ 3) và các cộng sự của mình tại đội U17 SLNA. Ảnh: Bá Tuấn |
Nằm trong quyền hạn, các thầy U17 SLNA đã bù thêm tiền ăn cho các cháu bằng cách tạm ứng nhà tài trợ Bắc Á một số tiền để tăng thêm tiền ăn. Và khi đã chắc chắn có huy chương, thậm chí là vô địch sẽ dùng một phần tiền thưởng từ BTC giải để trả tiền khách sạn.
Khi đội U17 SLNA đánh bại PVF vào chung kết, còn U17 Nutifood vượt qua HAGL. Đội bạn được thưởng rất lớn, không rõ là bao nhiêu nhưng khiến BHL U17 SLNA (HLV Kỳ Phương, Văn Quyến, Văn Hùng, Kỳ Đại) rất chạnh lòng, tủi thương cho các học trò.
Các thầy tự bỏ tiền túi, cộng thêm các phụ huynh góp được 14 triệu đồng, chia cho 28 cầu thủ tiền thưởng vào chung kết. Đây là nguồn khích lệ, động lực rất lớn cho các em trước trận gặp U17 Nutifood dù Phương đã rơi lệ khi thấy các trò mừng rỡ nhận 500.000 tiền thưởng.
Các cầu thủ U17 SLNA đã vượt lên những khó khăn, lấy những thiệt thòi làm động lực phấn đấu. Ảnh: Hải Hoàng |
Vào chung kết, các cầu thủ U17 SLNA vắt kiệt sức lực và khiến Nutifood choáng váng. Trước đó, thầy Phương và BHL U17 SLNA đã đánh giá đối thủ này sẽ vào chung kết. Đó là lý do U17 SLNA tung ra đội hình dự bị ở trận thua 2-4, vừa tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ, cho trụ cột nghỉ ngơi lại có dịp “bắt bài” đối thủ. Còn U17 Nutifood thua không phải vì họ sút giảm phong độ, mà vì họ đã xem thường U17 SLNA.
Bóng đá trẻ cũng giống như trường học và các HLV không chỉ dạy đá bóng, vấn đề ý thức, đạo đức, kỷ luật và tinh thần tập thể là điều được HLV Lê Kỳ Phương đặc biệt đề cao. Có lần thầy Phương dùng chính hai học trò cưng nhất của mình là Đinh Xuân Tiến và Nguyễn Văn Bách ra làm “tấm bình phong” để dạy dỗ các học trò khác ngang bướng đang tuổi ăn tuổi lớn.
Một buổi sáng, HLV Lê Kỳ Phương gọi riêng 2 cầu thủ Tiến và Bách vào phòng và dặn: “Chiều nay khi thi đấu đối kháng, thầy chỉ đạo bên ngoài sân như thế nào thì trong sân các em cứ làm ngược lại như thế cho thầy”.
Các cầu thủ U17 SLNA đổ gục sau trận chung kết vì kiệt sức. Ảnh: Như Nguyễn |
Ông nhắc đi nhắc lại, dặn dò thật kỹ và đến buổi chiều ra sân tập, cứ mỗi lần ông yêu cầu Bách và Tiến chuyền cho đồng đội, thì hai cầu thủ này lại bỏ ngoài tai, tự ý đi bóng và sút. Kết quả là sau buổi tập đó, HLV Lê Kỳ Phương họp đội và phạt hai cầu thủ trẻ SLNA phải lao động, dọn vệ sinh 1 ngày, không cần phải tập.
Chính những cầu thủ trẻ còn lại cũng phải ý thức được rằng, xuất sắc và được thầy cưng chiều như Bách và Tiến mà cũng bị phạt thì chính họ cũng phải luôn tuân thủ đấu pháp mà thầy đưa ra. Sau khi cùng U15 SLNA vô địch giải U17 quốc gia 2018.
Việc tuân thủ đấu pháp trong trận đấu là một điều rất quan trọng. Đến với giải U17 quốc gia, HLV Kỳ Phương nhận tin xấu về sức khỏe. Ông cần phải đi mổ tim ngay và việc hò hét, chỉ đạo học trò được giao cho HLV phó Phạm Văn Quyến. Và trợ lý của ông cũng đã làm việc hết công suất.
Năm xưa khi lò SLNA xưng vương nhờ nội lực sẵn có, giờ đây có phần bị hụt hơi thì chức vô địch U17 lần này ý nghĩa, quý giá hơn bao giờ hết. Nó chứng tỏ cho một nghị lực, ý chí phi thường của người dân xứ Nghệ. Và trong đó có cả những hy sinh thầm lặng của những người thầy dạy bóng đá hết lòng vì đam mê.
Hành trình vô địch của U17 SLNA tại VCK U17 quốc gia 2020
(Baonghean.vn) - Trước khi đến với trận đấu cuối cùng gặp U17 Học viện Nutifood, U17 SLNA đã trải qua một hành trình đầy khó khăn và thử thách. Mặc dù vậy, thầy trò HLV Lê Kỳ Phương đã chứng tỏ bản lĩnh của đội bóng đã 7 lần lên ngôi tại giải đấu này.