HLV ngoại với bóng đá Việt Nam - những con số biết nói
(Baonghean.vn) - Sau khi HLV Nguyễn Hữu Thắng tuyên bố từ chức vì không thể đưa U22 Việt Nam vượt qua vòng bảng SEA Games, vấn đề tìm một HLV ngoại cho ĐTQG lại một lần nữa được quan tâm.
Trong lịch sử SEA Games kể từ năm 1991 (SEA Games 16), bóng đá Việt Nam trải qua tổng cộng 11 chiến lược gia trong 14 lần tham dự. Trong đó, HLV nội chiếm 4 người và 7 người là những HLV nước ngoài.
Đáng nói, trong 7 lần bóng đá Việt Nam được dẫn dắt với các HLV chỉ có một lần duy nhất không lọt vào bán kết SEA Games. Đó là trường hợp của HLV Dido năm 2001, SEA Games 21 được tổ chức tại Malaysia. Và sau khi ra đi, chiến lược gia người Brazil đã phải than thở rằng: “Bóng đá Việt Nam đặt ra mục tiêu nhưng không cho huấn luyện viên thời gian và cơ hội để thực hiện chiến lược”.
Bóng đá Việt Nam đang cần những HLV như ông Henrique Calisto. Ảnh: Internet |
Thành tích của các HLV ngoại tại các kỳ SEA Games là khá khả quan. Trong các kỳ SEA Games 18, 20, 22, 23 và 24 các ông thầy Karl Heinz Weigang (Đức), Alfred Riedl (Áo), Henrique Calisto (Bồ Đào Nha) đều đưa U23 Việt Nam lọt vào các trận chung kết.
Còn lại, trong 4 lần các HLV trong nước dẫn dắt đội U23 tham dự SEA Games thì cả 4 đều bị loại ngay từ vòng bảng. Bao gồm HLV Vũ Văn Tư tại SEA Games 16 (1991); HLV Trần Bình Sự tại SEA Games 17 (1993); HLV Hoàng Văn Phúc tại SEA Games 27 (2013) và mới đây nhất là HLV Nguyễn Hữu Thắng tại SEA Games 29 (2017).
Tưởng chừng như việc HLV Hữu Thắng nắm trong tay lứa cầu thủ đầy tài năng và được xem là toàn diện về mặt chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức sẽ giúp nhà cầm quân xứ Nghệ phá được cái “dớp” này.
Ở đấu trường AFF Cup 2008, người duy nhất đem về chức vô địch khu vực cho Việt Nam cũng là một HLV ngoại. Đó là ông Henrique Calisto người Bồ Đào Nha tại AFF Cup 2008. Đây là thời điểm mà Giải VĐQG V.League được xem là giải đấu chất lượng và hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Đồng thời, ĐTQG sở hữu hàng loạt những cầu thủ đẳng cấp như Dương Hồng Sơn, Vũ Như Thành, Nguyễn Minh Phương, Lê Công Vinh…
Còn nhớ sau khi rời Việt Nam, HLV người Nhật Bản Toshiya Miura thẳng thắn chê bai bóng đá Việt Nam: “V-League là một giải đấu kinh khủng. Cầu thủ ở trên sân không chịu chạy, điều hành giải đấu cũng qua loa”.
Như vậy, những thành tích trong quá khứ đang phản ánh một thực tế bóng đá Việt Nam chỉ có thể thành công nếu được dẫn dắt bởi các HLV ngoại. Tuy nhiên, còn phụ thuộc rất nhiều vào cách điều hành tổ chức giải VĐQG, chất lượng cầu thủ và đặc biệt là chiến lược dài hạn của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
Nếu tiếp tục chọn một HLV nội dẫn dắt ĐTQG rủi ro và áp lực là cực kỳ khủng khiếp. Thiết nghĩ nếu HLV Hoàng Anh Tuấn không nhận nhiệm vụ này, chắc chắn VFF sẽ phải tính đến đến việc thuê một HLV ngoại để cầm cương cho bóng đá Việt Nam. Bởi thành tích của ĐTQG phản ánh chính xác sự phát triển của một nền bóng đá chứ không phải hoàn toàn thuộc về HLV trưởng. Điều quan trọng là họ có được tạo điều kiện tối đa để làm việc và nhận được sự ủng hộ của người hâm mộ nước nhà hay không.
Trong bối cảnh bóng đá trẻ nước nhà có những bước tiến rõ rệt, đó là góp mặt tại U20 World Cup. Một khi chất lượng của giải đấu V.League được cải thiện, sự đồng bộ trong phát triển bóng đá trẻ của các CLB, địa phương và bóng đá Việt Nam hoạch định lại hướng phát triển dài hạn và có một HLV ngoại giỏi, việc gặt hái được những thành công sẽ là điều sớm muộn./.
Hoài Hoan
TIN LIÊN QUAN |
---|