Nhiều lớp cao đẳng ở Nghệ An học xong đã lâu nhưng không được thi tốt nghiệp

Tiến Hùng 02/01/2024 20:18

(Baonghean.vn)- Dù đã học xong chương trình từ lâu, nhưng hơn 60 sinh viên của 2 trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay vẫn chưa được thi tốt nghiệp để nhận bằng đi xin việc. 

Phụ huynh bức xúc

Nhiều tháng nay, ông Bùi Gia Lý (56 tuổi), ở xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ thường xuyên phải vượt hơn 100 km về Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (đóng tại TP. Vinh), để hỏi về thời gian thi tốt nghiệp của con trai. Tuy nhiên, ông Lý chưa bao giờ nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía nhà trường. Bùi Anh Tú – con trai ông Lý, là sinh viên của trường, đã học xong chương trình và trở về nhà gần 1 năm nay, nhưng chưa được thi tốt nghiệp.

“Bỏ hàng trăm triệu đồng cho con đi học cao đẳng suốt mấy năm, mong có bằng tốt nghiệp để còn đi xin việc làm, nhưng chờ mãi chẳng thấy. Trong khi, trước đó nhà trường cam kết học xong, tháng 4/2023 các em sẽ được cấp đến 2 bằng tốt nghiệp”, ông Lý bức xúc nói.

bna-sv2-31.jpg
Các sinh viên trong ngày khai giảng. Ảnh: H.T

Ông Lý cho biết, năm 2019, con trai ông trúng tuyển vào Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, học lớp Bảo trì cơ khí. Ngày khai giảng, ông có đến dự và còn đại diện phụ huynh để phát biểu. Lúc đó, lãnh đạo nhà trường cho biết, đây là lớp học liên kết với Đức. Song song với thời gian học nghề, các em sẽ được học tiếng Đức miễn phí, sau khi tốt nghiệp các em sẽ được cấp 2 bằng, đó là bằng cao đẳng nghề do Đức cấp và bằng cao đẳng nghề của trường cấp. Bên cạnh đó, các em sẽ được nhận chứng chỉ trình độ B1 tiếng Đức và sẽ mở ra cơ hội cho các em có nhu cầu lao động ở nước ngoài.

“Nghe nhà trường nói vậy, chúng tôi rất phấn khởi. Trong suốt 4 năm học, nhiều cuộc gặp gỡ với phụ huynh, nhà trường vẫn nhắc lại những cam kết đó. Theo lịch của nhà trường, thì tháng 4/2023, các em sẽ được thi tốt nghiệp, nhưng đến bây giờ, đã hết năm 2023 rồi nhưng các cháu vẫn chưa có tấm bằng nào để còn cầm đi xin việc”, ông Lý nói thêm. Và sau thời gian dài chờ đợi, các sinh viên này chỉ nhận được giấy chứng nhận đã học xong chương trình...

Nhiều phụ huynh khác có con em theo học các lớp này cũng bày tỏ bức xúc khi nhà trường vẫn chưa tổ chức thi tốt nghiệp để cấp bằng. “Dù gia cảnh khó khăn, nhưng 4 năm qua, gia đình vẫn vay mượn, bỏ hàng trăm triệu đồng cho con vào thành phố ăn học. Tưởng chừng ra trường có tấm bằng rồi đi nước ngoài làm việc, ai ngờ giờ học xong về quê chờ gần 1 năm nay vẫn chưa thấy đâu. Liệu như thế có được gọi là lừa đảo không?”, một phụ huynh ở huyện Quỳnh Lưu đặt câu hỏi.

bna-sv4-1460.jpg
Một sinh viên đang học nghề. Ảnh: H.T

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ ở Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, mà 32 sinh viên ở Trường Cao đẳng du lịch thương mại Nghệ An cũng lâm vào cảnh tương tự. Cụ thể, tại Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc có 2 lớp là Bảo trì cơ khí và Công nghệ ô tô, còn ở Trường Cao đẳng du lịch thương mại Nghệ An có 2 lớp là Quản trị lễ tân và Kỹ thuật chế biến món ăn; những lớp này đều khai giảng từ năm 2019, mỗi lớp có 16 em, trong đó, 2 lớp ở Trường Cao đẳng du lịch thương mại Nghệ An đã học xong từ tháng 10/2022, nhưng chờ đợi hơn 1 năm qua vẫn chưa được thi tốt nghiệp.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Hồ Văn Đàm – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc cho biết, đây là những lớp nằm trong chương trình đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. “Năm 2019, chúng tôi và nhiều trường cao đẳng nghề khác, ký hợp đồng với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để nhận trách nhiệm đào tạo. Khi tham gia đào tạo thí điểm này, các trường sẽ được đào tạo bồi dưỡng giáo viên, được nhận các bộ chương trình, được đầu tư cơ sở vật chất đào tạo theo tiêu chuẩn của Đức. Người học đủ điều kiện tốt nghiệp được cấp 2 bằng theo quy định của Đức và của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và có thể làm việc tại Đức”, ông Đàm nói.

bna-sv1-8709.jpg
Quá trình đào tạo có sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ Đức. Ảnh: H.T

Theo hợp đồng đã ký, thời gian đào tạo là 3,5 năm. Để đào tạo 32 sinh viên thuộc 2 lớp, Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cam kết sẽ thanh toán gần 6,4 tỷ đồng. Tương đương, đào tạo mỗi em hết khoảng 200 triệu đồng. Tất cả đều từ nguồn ngân sách Nhà nước. Những khoản này gồm tài liệu học tập, giảng dạy; chi tiền lương, phụ cấp lương và các khoản trích nộp theo lương của giáo viên; chi phí vật tư để học tập và thi tốt nghiệp; chi phí đào tạo ngoại ngữ; chi phí điện nước; chi phí sửa chữa nhỏ tài sản, trang thiết bị; chi công tác quản lý lớp học và cả học bổng cho sinh viên….

Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Đàm, trong quá trình học, các em sinh viên vẫn phải đóng khoảng 10 triệu đồng mỗi năm tiền học phí để được cấp bằng cao đẳng của trường.

“Thời gian qua, chúng tôi đã làm rất tốt nhiệm vụ đào tạo theo như hợp đồng đã ký. Quá trình đào tạo, có sự giám sát chặt chẽ từ các chuyên gia Đức. Chúng tôi cũng đã tổ chức thi thử, kết quả của các em rất tốt. Tuy nhiên, khi các em đã học xong thì Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị tạm dừng, không cho thi tốt nghiệp. Đây không phải là lỗi của nhà trường, vì chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm đào tạo”, Hiệu trưởng Hồ Văn Đàm nói và cho biết, hiện nay, kinh phí đào tạo phần lớn nhà trường vẫn phải tự ứng trước, còn Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp mới chỉ thanh toán cho nhà trường một khoản rất nhỏ so với hợp đồng.

bna-sv3-6241.jpg
Các em sinh viên đã học xong từ lâu nhưng đến nay chưa được thi tốt nghiệp. Ảnh: H.T

Tương tự, ông Nguyễn Trường Giang – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng du lịch thương mại Nghệ An cũng cho rằng, đây không phải là lỗi của nhà trường. “Chúng tôi hiểu tâm trạng của các phụ huynh nhưng cũng mong họ thông cảm với nhà trường. Theo lộ trình thì tháng 10/2022, tất cả 32 em sinh viên của 2 lớp này sẽ được thi tốt nghiệp để cấp bằng, nhưng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu tạm dừng. Vì không chờ đợi được thêm, hiện nay, chúng tôi đang chuyển các em có nhu cầu sang các lớp khác để học tiếp, giúp các em có bằng khác”, ông Giang nói.

Trong văn bản gửi các trường cao đẳng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng không nêu cụ thể nguyên nhân tạm dừng chương trình đạo tạo, mà chỉ cho biết, “do trong quá trình tổ chức đào tạo thí điểm 22 nghề chuyển giao từ Đức có phát sinh một số khó khăn, vướng mắc bất khả kháng nằm ngoài sự kiểm soát của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và đang chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý…”.

Tháng 4/2023, các trường cao đẳng, trong đó có Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đã có văn bản, đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp không tạm dừng các hoạt động đào tạo. Đặc biệt, cần tổ chức thi tốt nghiệp cho các em sinh viên được cấp bằng của Đức và của Việt Nam để học sinh, sinh viên có đủ điều kiện tham gia vào thị trường việc làm, hoàn thành mục tiêu của đề án cũng như các nội dung hợp đồng 2 bên đã ký. Tuy nhiên, đến nay những đề nghị này vẫn chưa được chấp thuận.

Mới nhất

x
Nhiều lớp cao đẳng ở Nghệ An học xong đã lâu nhưng không được thi tốt nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO