Hồ, đập tích không đủ nước, Nghệ An đối mặt với nguy cơ hạn hán
(Baonghean.vn) - Lượng mưa chỉ đạt xấp xỉ 1/2 so với mọi năm khiến mực nước trên hệ thống hồ, đập của Nghệ An lâm vào tình trạng tích trữ nước thấp. Các địa phương, ngành Thủy nông tăng cường giải pháp để không chỉ phục vụ nước sản xuất vụ xuân mà còn đảm bảo sản xuất vụ hè thu 2024.
Mực nước trên các hồ chứa thấp
Vừa thuê máy làm đất, chị Hoàng Thị Hiền ở xóm 2, xã Nghi Hưng (Nghi Lộc) vừa tranh thủ dọn, phát quang bờ ruộng và chăm sóc mạ để chuẩn bị gieo cấy lúa vụ xuân. Năm nay nguồn nước khó khăn từ đầu vụ, đến nay chưa có nước kênh xuống nên tranh thủ trận mưa ngày hôm trước, chị ra đồng thuê máy làm đất.
Chị Hiền chia sẻ: Phải "cướp nước" từ đầu vụ chứ hôm sau mọi người tập trung làm không đủ nước để làm đất. Năm nay ít mưa, nước hồ ít lắm. Gia đình có 5 sào lúa, đến ngày 10/1 chị sẽ gieo thẳng 3 sào, còn 2 sào đất sâu trũng hơn thì bắc mạ để cấy từ ngày 20/1.
Có dung tích 5,4 triệu m3, hồ chứa Khe Gỗ (Nghi Lộc) phục vụ tưới cho 270 - 300 ha lúa của xã Nghi Lâm, phục vụ nước tạo nguồn cho 3 trạm bơm trên địa bàn. Nếu như mọi năm, hồ Khe Gỗ đã chứa đầy nước sau một mùa mưa lụt, thì năm nay, mực nước trên hồ chỉ đạt trên 60%.
Theo ông Ngô Trí Vinh - Trưởng ban Quản lý hồ, thì từ năm 2018 đến nay, tình trạng này mới quay lại. Nguồn nước tưới đã có thể khó khăn ngay từ vụ xuân chứ chưa nói đến sản xuất vụ hè thu. Nếu mọi năm, mực nước hiện tại đã đạt tràn 22,2m theo thiết kế, thì năm nay chỉ đạt 35 - 36% so với năm ngoái.
Xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) có 500 ha lúa và 100 ha màu, trong đó, gần 300 ha sử dụng nước từ hồ Khe Gỗ, toàn bộ diện tích lúa đều được gieo thẳng. Vụ hè thu năm ngoái, do hạn hán, địa phương này đã buộc phải cơ cấu chuyển 100 ha đất lúa sang trồng ngô, tuy nhiên, chỉ trồng được hơn 30 ha, do ngay cả chuyển sang ngô cũng không đủ nước để trồng.
Theo bà Lê Thị Duyên - cán bộ nông nghiệp xã, do có địa hình bán sơn địa, hệ thống kênh dẫn từ hồ bị xuống cấp, rò rỉ vừa gây thất thoát nước, vừa dẫn chậm nên mỗi đợt hồ mở nước, phải kéo dài 10 - 15 ngày mới tưới phủ hết toàn bộ diện tích. Nếu không có mưa tiểu mãn hoặc lượng mưa quá thấp, thì khả năng xã Nghi Lâm sẽ phải giảm khoảng 200 ha lúa vụ hè thu.
Trên địa bàn huyện Nghi Lộc có 7 hồ chứa, gồm các hồ: Khe Xiêm, Nghi Công, Khe Quánh, Khe Gỗ… tưới cho 1.074 ha lúa. Không chỉ hồ Khe Gỗ, mà các hồ khác cũng nằm trong tình trạng tương tự, lượng nước tích được thấp thua hẳn so với mọi năm. Có dung tích 3 triệu m3, hồ Khe Xiêm tưới cho 250 ha lúa của huyện Nghi Lộc, lượng nước tích được trong hồ đến thời điểm này cũng chỉ đạt một nửa dung tích thiết kế. Có thể nói, đã nhiều năm mới xảy ra tình trạng nguồn nước hồ cạn tới một nửa ngay từ đầu vụ đông xuân như hiện nay.
Ông Phạm Thế Phi - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy lợi Nam lo lắng: Lượng mưa trong hệ thống năm 2023 chỉ bằng ½ so với năm 2022. Trên địa bàn công ty quản lý có 13 hồ, đập, tưới cho gần 4.000 ha lúa. Nếu như mọi năm toàn bộ các hồ đều tích đầy nước sau mùa mưa lụt thì năm nay chỉ có 7 hồ đầy nước, 6 hồ còn lại mới được 40 - 60% dung tích hồ. Vì thế, năm 2023 được dự báo sẽ là một năm cực kỳ khó khăn do hạn hán.
Riêng năm nay, nguồn nước hồ, đập chỉ có thể đảm bảo cho sản xuất vụ xuân, sang vụ hè thu sẽ rất khó khăn, thậm chí nếu không có mưa bổ sung, sẽ có rất nhiều diện tích không thể phục vụ tưới.
Ông Phạm Thế Phi - Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy lợi Nam
Chủ động kế hoạch sản xuất
Tại huyện Diễn Châu, các hồ chứa lớn do Công ty Thủy lợi Bắc quản lý là hồ Xuân Dương, Bàu Da- Mả Tổ và hồ Đình Dù cũng có mực nước thấp thua so với mọi năm, chỉ đạt 70 - 85% dung tích thiết kế. Đây đều là những hồ có dung tích lớn trên 9 triệu m3/hồ, tưới cho hơn 1.000 ha lúa của huyện Diễn Châu.
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Diễn Châu cho biết: Lượng mưa trên địa bàn năm 2023 chỉ đạt 690 mm/lượng mưa bình quân 1.600mm. Mọi năm dù các hồ tích đầy nước thì sản xuất hè thu vẫn thường bị thiếu nước ở các xã Diễn Lâm, Diễn Phú, Diễn Lộc… Cùng với xây dựng phương án tưới tiết kiệm và hợp lý, chúng tôi cũng khuyến cáo huyện chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước khả năng hạn hán nặng vụ hè thu.
Nghệ An có 1.061 hồ chứa, đến nay, có hơn một nửa trong số đó có dung tích thiếu hụt, số hồ chứa đầy nước ít hơn hẳn so mọi năm, đặc biệt là 959 hồ chứa do địa phương quản lý có tới hơn 100 hồ, đập có dung tích chỉ đạt từ 40-70% dung tích thiết kế.
Theo ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi: Không chỉ khó khăn về nguồn nước, mà việc phục vụ tưới cho sản xuất còn gặp khó do nhiều công trình xuống cấp, hệ thống kênh mương còn nhiều bất cập gây thất thoát, lãng phí nước. Vì vậy, không chỉ tiết kiệm nước dành cho vụ hè thu - mùa mà chúng ta cần sớm có phương án cấp nước, chống hạn ngay từ vụ xuân trước mắt.