Hô hào và sự ràng buộc

Anh Đặng 18/08/2021 10:17

(Baonghean.vn) - Thời đại 4.0, một xã hội kỷ cương là phải có hệ thống luật pháp quy định tương thích, đủ mạnh. Không cần hô hào nhiều. Thực thi quyết liệt, ngay và luôn – nói như người Nghệ là “cho chộ” thì mới nghiêm minh!

Quá trình nhận thức của con người đi từ tri giác, nghe, nhìn, đọc, tìm hiểu; được xử lý qua tư duy của não bộ, sau đó là hành động thực hiện.

Để thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của hệ thống chính trị, của địa phương, đơn vị, chúng ta thường đưa thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng; cùng với đó là tuyên truyền, học tập, thảo luận, giải thích, kêu gọi,... để mọi người biết, hưởng ứng. Khi mọi người (đối tượng) hiểu biết đầy đủ thì sẽ tin tưởng, đồng thuận, hiện thực hóa vào đời sống xã hội.

Điểm sơ bộ như vậy để thấy hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giải thích, kêu gọi, khuyến cáo,... có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định,... của Đảng Nhà nước, các quy định của địa phương, đơn vị vào thực tế cuộc sống.

Cùng với việc tuyên truyền, kêu gọi, cơ quan có thẩm quyền còn có hệ thống chế tài bắt buộc các thành viên phải thực hiện. Đó là các văn bản cụ thể hóa của Đảng, Chính phủ, HĐND, UBND các địa phương,... Khi đã tuyên truyền, giải thích, kêu gọi rồi mà vẫn thực hiện không đúng là phải xử phạt. Trong xử phạt có nhiều hình thức, theo Điều lệ, quy định, theo pháp luật, có xử phạt hành chính, có truy tố trách nhiệm hình sự, bồi thường, phạt tù,...

Xã hội có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Mỗi hoạt động đều được hướng dẫn, quy định, quản lý bằng luật pháp và các văn bản dưới luật. Đó chính là những “thanh kiếm và lá chắn”, đảm bảo cho xã hội ổn định, yên vui, phát triển.

Cuộc chiến chống tham nhũng của ta đã đạt được những kết quả đáng mừng. Nhiều quan chức phải đứng trước vành móng ngựa, phải “đưa ra ánh sáng”. Điều đó thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Tuy nhiên phía trước vẫn còn nhiều cam go, phức tạp.

Hầu hết người tham nhũng là những người có chức quyền, là người nắm nguồn lực của đất nước, của địa phương, đơn vị. Họ là những người có học hành, có hiểu biết, có bằng đại học, thậm chí trên đại học, đã qua những quy trình tuyển chọn, bầu cử. Khi “chưa bị lộ”, họ là những người tuyên truyền, giải thích, hô hào mọi người phải thực hiện chủ trương, đường lối, pháp luật, quy định. Thậm chí, họ còn có trình độ viết những cuốn sách rao giảng với cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Có thể nói, hành vi của họ đều có dã tâm, có tính toán chứ không thể do bột phát, thiếu hiểu biết. Những lời kêu gọi đối với họ chỉ là “Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi!” mà thôi.

Ảnh minh họaTranh minh họa: Internet

Lâu nay, cả xã hội luận bàn “Tiền nhiều để làm gì?”. Có thể trả lời ngay: Rất nhiều việc để làm! Ham muốn của con người có một muốn có hai. Đi xe máy thì muốn đi ô tô. Có ô tô thì muốn xe sang hơn. Có biệt thự rồi lại muốn có trang trại. Muốn có biệt thự, hộ khẩu nước ngoài cho đời con, đời cháu,... Bao nhiêu cho đủ?

Với những đối tượng như vậy, mọi sự hô hào, kêu gọi đã bão hòa, đã “nhờn thuốc”, thậm chí là “lỗi thời”. Họ không còn “yêu nước, thương dân”, không còn danh dự, không biết xấu hổ, kể cả không còn liêm sỉ. Sự kêu gọi, hô hào không đủ sức để khuyên giải, kéo họ trở về với sự liêm, chính. Để ngăn cản hành vi tham nhũng thì điều quan trọng là phải có chế tài xử phạt thật nghiêm minh.

Được biết, ở Campuchia cũng có hiện tượng các “cậu ấm, cô chiêu” – những quý tử “bán trời không văn tự” đua xe hung hãn, bạt mạng. Thủ tướng Hun Xen đã ra lệnh: Nếu quan chức Nhà nước nào để con đua xe thì lập tức cho bố mẹ nghỉ việc. Nếu ông không làm được việc này, ông sẽ từ chức. Ông nói là làm. Nạn đua xe chấm dứt!

Ở Singapore người ta thực hiện “ba không” với tham nhũng. “Không thể” vì tiền bạc, tài sản Nhà nước được quản lý rất chặt chẽ; “Không dám” vì nếu bị lộ sẽ bị phạt rất nặng; “Không cần” vì lương bổng cao, tham nhũng là xấu hổ,...

Theo thỏa thuận, công chức Singapore khi bắt đầu đi làm, nhận lương tháng đầu tiên phải trừ 5% tiền lương. Cứ thêm một năm thì tăng 1%, đến khi trừ 20%/ tháng thì dừng lại. Số tiền này là của công chức, được gửi vào một thẻ, được tính lãi suất. Số tiền này sẽ nhận lúc về hưu. Trong quá trình làm việc, nếu công chức phạm tội tham nhũng dù nhẹ thì bên cạnh các chế tài xử phạt, còn bị trưng thu thẻ tiết kiệm này. Đó là một trong những thỏa thuận giữa Nhà nước với công chức khi được tuyển dụng. Lương của họ rất cao, số tiền ngày càng lớn nên họ không dại gì vi phạm để bị trưng thu khoản tiền này!

Tại một buổi học chuyên đề về “Quản lý xã hội” tại Đại học Nayang – Singapore, vị Giáo sư - Nghị sĩ Quốc hội hướng dẫn chúng tôi thảo luận, ông cười, nói rất vui: Các anh chị thấy ở Việt Nam tự do hơn hay Singapore tự do hơn? Các anh chị phải cẩn thận, ở đây rất dễ bị phạt đấy. Ví dụ: Quăng mẩu thuốc lá hoặc bã kẹo cao su ra đường, họ sẽ phạt 100 USD. Không có tiền thì họ tìm việc cho mình làm, lấy tiền nộp phạt mới được về đấy!

Một lần đi Thâm Quyến, đến ngã tư đèn đỏ, người lái taxi cho chúng tôi dừng, chờ để đi thẳng nhưng lại dừng bên phải đường, làm số xe rẽ phải bị kẹt. Viên cảnh sát nhẹ nhàng gõ vào kính xe, dán một thẻ phạt màu vàng lên phía trước. Lái xe tái mặt vì coi như ngày đó làm không công!

Thời đại 4.0, một xã hội kỷ cương là phải có hệ thống luật pháp quy định tương thích, đủ mạnh. Không cần hô hào nhiều. Thực thi quyết liệt, ngay và luôn – nói như người Nghệ là “cho chộ” thì mới nghiêm minh!

Hô hào và sự ràng buộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO