Hỗ trợ để nâng cao mức hưởng thụ văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định: Tỉnh sẽ bố trí thêm kinh phí để nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần xoá đói, giảm nghèo.
Các nghệ nhân huyện Quỳ Châu trình diễn nghi lễ Xăng Khan. Ảnh: Tư liệu |
Chiều 22/9, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp nghe, cho ý kiến góp ý Đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 – 2025. Đồng chí Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lê Xuân Đại, Lê Minh Thông, Huỳnh Thanh Điền chủ trì cuộc họp. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh. |
Cuộc họp đã nghe Sở Văn hóa và Thể thao đã trình bày dự thảo đề án. Theo báo cáo, tỉnh Nghệ An có 5 dân tộc thiểu số, với 466.137 người (chiếm 15,2% dân số) cư trú ở 11 huyện, thị. Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh đã sáng tạo nhiều giá trị văn hóa, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đậm đà bản sắc.
Dưới sự tác động đa chiều của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào bị mai một, nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian dần bị lãng quên. Số nghệ nhân, người am hiểu văn hóa văn nghệ dân gian còn rất ít, lại tập trung ở nhóm cao tuổi nên nguy cơ thất truyền rất cao.
Đề án lập ra nhằm nhận diện đặc trưng, vị trí, vai trò của nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số Nghệ An; thực trạng công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian; quan điểm, mục tiêu và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian.
Nhảy sạp ở Lễ hội Hang Bua. Ảnh: Thanh Sơn |
Mục tiêu tổng quát của đề án là bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc thiểu số, đưa các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An ra khỏi tình trạng mai một, mất bản sắc văn hoá, gắn kết trong phong trào xây dựng, phát triển đời sống văn hoá tại các địa phương. Đồng thời, tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực xây dựng, củng cố phát triển hệ thống thiết chế văn hoá đồng bộ và phù hợp
Đề án đề ra 2 giai đoạn 2018 - 2020 và 2020 - 2025 với những mục tiêu và giải pháp cụ thể như kiểm kê, phục dựng, xây dựng không gian trình diễn, thành lập và hỗ trợ các câu lạc bộ dân ca, dân nhạc, dân vũ, nghi lễ...Kinh phí thực hiện đề án gồm nguồn ngân sách Nhà nước cấp, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tổng kinh phí là trên 27,2 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh: Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số là rất quan trọng, cần sớm được thực hiện. Ảnh: Thanh Sơn |
Sau các ý kiến phát biểu góp ý của các thành viên dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận bày tỏ sự đồng tình cao và nhấn mạnh: Đây là một đề án rất quan trọng, cần được thực hiện sớm. Sở Văn hóa và Thể thao cần sớm hoàn thiện để UBND tỉnh phê duyệt. Trước mắt, UBND tỉnh đồng ý với dự toán kinh phí mà đề án yêu cầu; về lâu dài, tỉnh sẽ bố trí thêm kinh phí để nâng cao mức hưởng thụ văn hoá tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần xoá đói, giảm nghèo./.
Thanh Sơn