Hỗ trợ đồng bào Mông xóa đói, giảm nghèo bền vững
(Baonghean) - Sau hơn 5 năm thực hiện Thông báo kết luận 64/TB/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số công tác ở vùng đồng bào Mông, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng Nghệ An triển khai lồng ghép nhiều chính sách hỗ trợ giúp đồng bào Mông trên địa bàn ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo…
(Baonghean) - Sau hơn 5 năm thực hiện Thông báo kết luận 64/TB/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số công tác ở vùng đồng bào Mông, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng Nghệ An triển khai lồng ghép nhiều chính sách hỗ trợ giúp đồng bào Mông trên địa bàn ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo…
Nghệ An có 5462 hộ, 31.610 khẩu đồng bào Mông, sinh sống ở 96 bản thuộc 20 xã, thị trấn của 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Do ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán lạc hậu, chủ yếu phát rừng làm nương rẫy, trong nếp nghĩ, cách làm còn mang nặng tính du canh, du cư nên tỷ lệ đói nghèo cao (67%). Để giúp đồng bào Mông ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo bền vững, cùng với những chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế, ưu tiên nguồn vốn, vật tư, kỹ thuật, nhân lực để đẩy nhanh việc phát triển vùng dân tộc Mông. Bà con người Mông ở Huồi Sơn trồng lúa nước.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi, nhà văn hóa cộng đồng…). Đến nay, 17/20 xã vùng đồng bào Mông sinh sống có đường ô tô đi đến trung tâm xã, trong đó nhiều xã đã có đường nhựa, có 13 nhà sinh hoạt cộng đồng, 7 công trình nước sinh hoạt, 6 trường học nhà xây, 15 công trình giao thông liên bản được xây dựng… Công tác giao đất, giao rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng mới, tu bổ rừng tái sinh ở vùng dân tộc Mông cũng đã góp phần tích cực vào Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ.
Cuộc sống của đồng bào Mông đã dần thay da, đổi thịt. Như tại bản Huồi Mới 2, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, các gia đình người Mông đã khai hoang trung bình mỗi nhà làm từ 2.000 đến 5.000m2 ruộng lúa nước. Nhiều ngành nghề truyền thống ở các thôn, bản được khôi phục và phát triển như: rèn công cụ sản xuất, thêu dệt thổ cẩm, đồ mộc dân dụng… Đời sống văn hóa tinh thần vùng dân tộc Mông cũng được quan tâm, chăm lo. Hệ thống mạng lưới trường lớp ngày càng được mở rộng, số lượng giáo viên là người Mông ngày càng tăng, số lượng người mù chữ giảm, đặc biệt là trong các trẻ em gái, tỷ lệ phổ cập tiểu học đạt 100% số xã. Công tác y tế chăm sóc sức khỏe được chú trọng với 20 xã vùng dân tộc Mông đều có trạm y tế khang trang.
Ngoài ra, còn có các trạm đa khoa khu vực như: Trạm Mường Lống (Kỳ Sơn); Trạm Luân Mai (Tương Dương) và Tri Lễ (Quế Phong). Về văn hóa thông tin, đến nay, vùng đồng bào dân tộc Mông đã có 15/20 trạm thu phát truyền hình xã, riêng trạm truyền thanh không dây đã phủ sóng hết. Các cấp chính quyền còn thực hiện chính sách định canh, định cư, sắp xếp bố trí lại dân cư, xây dựng làng dân tộc Mông kiểu mẫu như bản Huồi Sơn (xã Tam Hợp, Tương Dương), Khu kinh tế mới Minh Châu (xã Tri Lễ, Quế Phong).
Theo kiến nghị của Ban Dân tộc tỉnh, để bà con vùng đồng bào Mông có cuộc sống ổn định lâu dài, tỉnh, huyện cần có kế hoạch khảo sát thực trạng ở các vùng dân cư thôn bản đất dốc, có nguy cơ sạt lở, thiếu đất ở, đất sản xuất. Từ đó có kế hoạch, quy hoạch bố trí di dời sang những vùng có điều kiện hơn để bà con yên tâm làm ăn sinh sống, tránh di dịch cư tự do.
Tiếp tục đầu tư, hỗ trợ làm đường giao thông liên thôn, liên bản; chọn các mô hình kinh tế phù hợp để người dân học tập, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất thành hàng hóa, có chính sách thu mua nông sản đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho người dân; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc Mông từ thôn bản trở lên, bố trí việc làm cho con em người Mông sau khi ra trường nhằm tạo nguồn cán bộ lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc Mông.
Khánh Ly