Bài 1: ‘Một miếng khi đói…’

Ông Hoàng Văn Tùng (xóm Khoa Đà, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên) có gần 30 năm làm nghề thợ xây. Công việc vất vả nhưng đây là thu nhập chính của cả nhà khi vợ ông cũng không có lương. Từ đầu hè đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công việc của ông bị gián đoạn liên tục. Riêng thời điểm Hưng Nguyên và thành phố Vinh tạm thời phải thực hiện Chỉ thị 16 thì tổ thợ của ông phải ngừng hẳn. Từ đó đến nay ông không có thu nhập.

Ở xóm Khoa Đà, có hàng chục người làm nghề thợ xây, thợ nề. Bình thường, các tổ thợ trong xóm chủ yếu làm công trình ở thành phố Vinh hoặc các xã của huyện Hưng Nguyên. Thế nhưng, trong những tháng vừa qua, đây là 2 địa phương thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian khá dài nên nghề thợ xây cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Vợ chồng anh Nguyễn Lĩnh Sơn và chị Hoàng Thị Thúy cũng đã làm nghề thợ xây 20 năm. Từ một anh thợ hồ, nay anh Sơn đứng đầu một tổ xây dựng, nhận các công trình trong xã rồi chia việc cho anh em. Gần 1 tháng nay, không đi làm do dịch, anh Sơn và vợ không có thu nhập, công trình bị gián đoạn là một chuyện. Nhưng vất vả nhất là tổ thợ 15 người, trong đó có những trường hợp như chị Nguyễn Thị Thanh, chồng tàn tật, nuôi hai con ăn học, đã lâu rồi không có thu nhập. Chị Hoàng Thị Thúy nói thêm: “Những người trong tổ chúng tôi, làm ngày nào, hưởng lương ngày đó, “bữa có, bữa không”. Mấy ngày vừa qua, chúng tôi cũng nghe tin lao động là thợ hồ, thợ xây sẽ được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nhưng chưa thấy xóm thông báo. Tôi cũng hỏi nhiều người mà chưa biết thế nào”.

Thành phố Vinh là địa bàn tập trung hàng nghìn lao động tự do và đây đều là những trường hợp gặp nhiều khó khăn. Gia đình ông Hồ Minh Hùng ở đường Kim Đồng (thành phố Vinh) có 3 người thì cả ba đều không có việc làm, thu nhập bấp bênh. Ông Hùng sống bằng nghề chạy xe dịch vụ, vợ bán hàng còn con trai làm nghề shipper tự do. Trước đây, khi chưa có dịch, thường mỗi tháng ông Hùng có ba đến bốn chuyến chở khách đi các tỉnh, thu nhập không ổn định nhưng dù sao vẫn có đồng ra đồng vào. Nhưng gần 2 năm nay, khi dịch bùng phát trên cả nước, ông Hùng đành ở nhà, phụ thêm hàng cho vợ. Riêng đợt giãn cách kéo dài gần 1 tháng vừa rồi trên địa bàn thành phố Vinh, cả nhà ông đều thất nghiệp, hoàn toàn không có thu nhập… “Tôi chỉ mong dịch hết để sớm được đi làm trở lại chứ cứ kéo dài như hiện nay thì vất vả lắm. Chúng tôi đều là người không có lương, ở nhà một ngày lại thêm lo một ngày, chưa biết khi nào mới qua khỏi khó khăn”, ông Hùng bày tỏ.

Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Khoản trợ cấp 26.000 tỷ đồng được Chính phủ xác định nhằm hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. Đặc biệt, theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, đối tượng lao động tự do (không có giao kết hợp đồng lao động) cũng sẽ được hỗ trợ với mức hỗ trợ tối thiểu 1,5 triệu đồng. Việc triển khai và các điều kiện, thủ tục nhận hỗ trợ và mức hỗ trợ cụ thể lại do các địa phương quyết định, căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương.

Tại Nghệ An, triển khai Nghị quyết số 68, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định 22 về hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phạm vi áp dụng dành cho đối tượng này là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid -19 theo quy định tại điểm 12, Mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid -19. Đó là những người lao động làm các công việc thu gom rác, phế liệu; bốc vác; vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ, môtô 2 bánh, xe xích lô, xe ba gác, xe đẩy tại các chợ, nhà ga, cảng sông, cảng biển, cảng hàng không, bến xe; xe ôm, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; bán báo lưu động, đánh giày. Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ những người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (xoa bóp y học, châm cứu), cơ sở làm đẹp (cắt tóc, gội đầu, nail); bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; lái ôtô dịch vụ, phụ ôtô chở khách; thợ hồ, thợ xây. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ cho các đối tượng là người làm công việc thuộc một số dịch vụ không thiết yếu khác phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh, bao gồm quán bar, karaoke, vũ trường, xông hơi, massage, spa, phòng tập gym, yoga, bi-a, dịch vụ trò chơi điện tử, điểm truy cập Internet… cũng thuộc các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Việc đưa nhóm đối tượng lao động tự do vào gói hỗ trợ được xem là giải pháp rất thiết thực và nhân văn nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tại Nghệ An, qua khảo sát bước đầu toàn tỉnh có hơn 33.000 đối tượng thuộc các trường hợp này. Vốn là nhân viên một quán bar trên địa bàn thành phố Vinh, anh Trần Chính (phường Hưng Phúc) cho biết: “Tính đến thời điểm này, nơi tôi làm đã nghỉ việc 9 tháng (từ Tết Nguyên đán 2021) và từ đó đến nay chúng tôi không có lương, không có thu nhập và hầu hết lao động trong quán đều đã nghỉ việc và tìm việc làm khác. Cá nhân tôi, hiện nay rất khó khăn bởi cả hai vợ chồng đều không có việc, vợ gần sinh và hai con còn lại rất nhỏ. Khi biết được hỗ trợ chúng tôi mừng lắm. Năm ngoái, chúng tôi cũng nằm trong diện hỗ trợ theo diện doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch nhưng cuối cùng việc xét hỗ trợ phải tạm hoãn vì không đủ điều kiện”.

Thực tế cũng cho thấy, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành văn bản, các địa phương cũng đã vào cuộc tích cực để rà soát đối tượng, lập hồ sơ. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất trong thời gian qua đó là hầu hết các địa phương trong toàn tỉnh đều phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 hoặc 16, thậm chí nhiều địa phương thực hiện phong tỏa xã hội. Do đó, trong quá trình triển khai việc rà soát đối tượng bị gián đoạn. Vì vậy, cho đến thời điểm này, các đối tượng lao động tự do trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ.