Bài cuối: Cần thực hiện đúng và trúng

Huyện Yên Thành được xem là đơn vị tổng động viên tốc lực để giải quyết nhanh việc chi trả cho các đối tượng thuộc gói hỗ trợ ngay sau khi huyện nới lỏng giãn cách phòng chống dịch. Tuy nhiên, ngay lập tức huyện gặp phải rất nhiều khó khăn, đó là rất nhiều lao động thắc mắc về việc tại sao họ không được hưởng chính sách khi họ cũng là đối tượng lao động tự do bị mất việc trong thời gian nghỉ dịch. “Đặc biệt là với những mặt nghề đã được quy định trong danh mục tại Quyết định 22 các đối tượng đề xuất hồ sơ nhưng chúng tôi cũng khó xác định việc hồ sơ đó đã xác thực chưa. Điển hình là rất nhiều lao động hỏi, tại sao thợ nề thì có trong danh mục được hưởng mà thợ hàn, thợ mộc thợ sơn, thợ may lại không được hưởng”, bà Phan Thị An – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành cho biết.

Đến nay, qua hai đợt tổng hợp rà soát, huyện Yên Thành có 342 bộ hồ sơ với các mặt nghề: cắt tóc, gội đầu, hàng rong, thu gom phế liệu, nhân viên spa, thợ nề…. Tuy nhiên, công tác xác nhận gặp nhiều khó khăn. Ví như người bán hàng rong thì không xác định được nghề này có thực sự là nghề nuôi sống gia đình họ không? Hoặc một hộ gia đình có hai hồ sơ xin được xét duyệt với hai mặt nghề khác nhau có được đưa vào danh sách không? Bên cạnh đó, một khó khăn khác mà huyện đang gặp phải, đó là theo các quy định tại điều luật Lao động thì độ tuổi lao động được quy định từ 15 tuổi – 60 tuổi nhưng nhiều lao động tự do đang hành nghề để nuôi sống bản thân và gia đình lại đang vượt quá 60 tuổi. “Có những xóm trình lên tới gần 300 bộ hồ sơ, nếu ta xét duyệt với số lượng đó, Yên Thành hiện có 58 xóm, nhân lên chúng ta đã phải chi cho hơn 2.400 lao động sẽ trình hồ sơ trong đợt này. Như thế kinh phí sẽ đội lên con số rất lớn. Do đó, việc rà soát là điều mà chúng tôi phải cân nhắc kỹ”.

Cũng như huyện Yên Thành, thành phố Vinh hiện qua rà soát có tới 14.860 lao động đang hành nghề lao động tự do có trong danh mục được quy định tại Quyết định 22. Cũng theo chuyên viên phòng Tài chính UBND thành phố Vinh, đến nay thành phố Vinh đã nhận được hồ sơ của hầu hết các đơn vị phường xã trên địa bàn. “Trên thực tế chúng ta phải thực hiện giãn cách liên tục hai lần theo Chỉ thị 16 rồi Chỉ thị 16 nâng cao nên các địa bàn cũng không thể thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ hay rà soát hồ sơ. Chúng tôi thậm chí phải ban hành các văn bản ngừng tiếp nhận hoặc triển khai việc rà soát hồ sơ hỗ trợ cho lao động tự do vì nếu không nguy cơ dịch bùng phát tại thời điểm thực hiện giãn cách rất lớn”. Đại diện UBND thành phố Vinh cũng cho biết đang tiếp nhận đợt 1 nhưng lượng hồ sơ đã lên tới con số gần chục ngàn người.

Khó khăn mà thành phố Vinh cũng như nhiều địa phương khác gặp phải đó là bộ phận tiếp nhận hồ sơ hiện nay đang thực sự quá tải, vì nhiều người đến thắc mắc tại sao mình cũng là lao động tự do bị mất việc lại không được hưởng. Ông Đinh Xuân Trường – Chủ tịch UBND phường Quang Trung (thành phố Vinh) cho biết: “Có những người thắc mắc như gia đình họ chỉ sống vào quầy hàng vịt quay của chị vợ nhưng chị lại không nằm trong danh mục được hưởng. Bởi đơn giản dù đối tượng phục vụ nhà hàng ăn uống hoặc karaoke thì đúng đối tượng nhưng chủ quán ăn lại phải tiếp cận vào đối tượng chính sách khác. Hay như nghề rửa xe, sửa xe ô tô, xe máy cũng là nghề lao động tự do cho thu nhập kha khá thời điểm trước dịch nay cũng không được hỗ trợ”. Cũng theo ông Trường, hiện nay thành phố đã phê duyệt 324 bộ hồ sơ theo đúng các mặt nghề đã được quy định trong Quyết định 22 của UBND tỉnh ban hành. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều trường hợp tuy đúng đối tượng những vẫn phải thẩm tra lại, đơn cử như lao động tự do là bốc vác thì cần phải xác thực là bốc vác ở đâu, vì theo quy định chỉ phê duyệt hồ sơ cho đối tượng là bốc vác tại nhà ga cảng biển, chợ… nhưng hiện nhiều lao động tự do trên địa bàn chỉ hành nghề bốc vác tại các hộ tiểu thương… Hay như lao động tự do hành nghề bán hàng rong, dù bán hàng ở địa điểm này nhưng lại trú ở phường khác, nên công tác xác nhận còn gặp nhiều khó khăn.

Tại phường Hồng Sơn, TP. Vinh, địa bàn qua rà soát có hơn 555 bộ hồ sơ đạt yêu cầu và đúng quy định theo quyết định 22 nhưng đến nay qua niêm yết danh sách công khai tại khối xóm vẫn còn tình trạng thắc mắc “người này được, sao tôi lại không được; hay đã đúng đối tượng sao lại yêu cầu phải có xác nhận của nơi này nơi kia…”. Ông Lý Trọng Hải – Chủ tịch UBND phường Hồng Sơn cho hay: “Đặc thù của phường Hồng Sơn là lao động hành nghề tự do lớn và đa số thuộc đối tượng bán hàng rong hoặc bốc vác tại các chợ, xe ôm, xe lai nhưng việc xác định cũng có nhiều khó khăn. Đơn cử như nhiều lao động dù có địa chỉ thường trú ở phường Hồng Sơn nhưng lại hành nghề tự do ở địa bàn Vinh Tân, nên việc xác minh lại phải thêm một bước”.

Theo Điều 3 mục b khoản 2 Quyết định 22/2021/QĐ – UBND quy định hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh. Riêng đối tượng làm việc thuộc một số dịch vụ không thiết yếu theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 Quyết định này được hỗ trợ phạm vi địa bàn phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tại điều 3 của Quyết định 22 cũng yêu cầu “nguyên tắc hỗ trợ phải bảo đảm kịp thời đúng đối tượng, công khai minh bạch, không trùng lặp, không để lợi dụng, trục lợi chính sách”.

Về điều này, Chủ tịch phường Quang Trung Đinh Xuân Trường cho hay: “Nếu chúng tôi không rà soát kỹ thì đây đó vẫn có tư tưởng trục lợi chính sách. Sau khi tuyên truyền nhiều người đã nhận thức được rằng chính sách chỉ dành cho những người thực sự khó khăn bị mất việc và đúng danh mục nghề được quy định”.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, đúng là phải bám quy định về các mặt nghề đã được nêu tại Quyết định 22 nhưng một số nghề lao động tự do thiết yếu tại một số địa bàn không được xét cũng thiệt thòi cho họ, bởi mặt nghề này chiếm số lượng khá đông và lao động vì mất việc cũng gặp nhiều khó khăn.

Tại thị xã Cửa Lò, đại diện UBND phường Thu Thủy cho biết: “Trên địa bàn chúng tôi chỉ có một nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất đó là nghề lái xe điện, với 400 lao động bị mất việc đã hơn 1 năm nay khiến nhiều gia đình lao đao, nhiều hộ còn muốn bán xe để trả nợ. Trong khi đó họ có giấy phép được UBND thị xã cấp phép, từ mấy năm nay mỗi mùa du lịch họ thu nhập vài chục triệu đồng”. Theo ông Phan Thanh Minh – Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Cửa Lò, hiện trên địa bàn qua rà soát có hơn 1000 lao động hành nghề lao động tự do, có trong danh mục được xét duyệt, tuy nhiên nhiều mặt nghề như các lao động là lái xe điện hay thợ ảnh là lực lượng lao động tự do chiếm số lượng đông trên địa bàn lại không được liệt kê, cũng gây ít nhiều bức xúc trong nhân dân. “Thực tế thợ xây họ chỉ nghỉ mất việc trong vòng 14 ngày, sau đó và trước đó họ vẫn đi làm được, còn lái xe điện phải ngồi không cả hai mùa du lịch trong hai năm”, ông Phan Thanh Minh cho hay.

Theo chuyên viên thành phố Vinh, đến nay thành phố cũng đã nhận được nhiều kiến nghị từ các phường xã rằng có nhiều công dân đề xuất họ là lao động tự do ở vùng miền khác về, nay mất việc muốn được nhận tý hương hoa của Nhà nước nhưng ngặt một nỗi không thể xác định được họ có thực sự làm hành nghề đó hay không, rồi công tác xác nhận chỗ hành nghề cũng khá khó khăn, thế nên việc công dân có thắc mắc sẽ được giải thích thấu đáo.

Ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Trước khi tham mưu ban hành Quyết định 22, chúng tôi đã gửi văn bản cho nhiều ngành, địa phương liên quan để đảm bảo độ chính xác và công bằng cho các đối tượng. Tuy nhiên, vẫn khó tránh khỏi những thắc mắc từ cơ sở, đó là việc mong muốn nới rộng các mặt nghề đã được quy định tại Điều 2 trong quyết định 22 quy định về đối tượng áp dụng. Trên thực tế nếu áp dụng đầy đủ các mặt nghề thì con số đối tượng được hưởng chính sách đội lên rất lớn, gây khó khăn cho việc cân đối nguồn ngân sách của tỉnh. Thế nên, chúng ta chỉ chọn những nghề phổ biến có độ phủ sóng cao ở các địa bàn, đối tượng hành nghề lại là những người có cuộc sống khó khăn thực sự. Đó cũng là mục tiêu của Nghị quyết 68-NQ/CP mà Chính phủ vừa ban hành ngày 1/7/2021 hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19”.

Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 9.867 hồ sơ được nạp về Sở LĐ-TB&XH chờ xét duyệt trình Sở Tài chính nhưng theo cán bộ chuyên viên Phòng Việc làm ATLĐ thì sẽ có nhiều lần trình hồ sơ tiếp theo của các địa phương và nếu tính theo con số rà soát thì số lượng sẽ rất lớn. Việc quan trọng nhất bây giờ là phải tuyên truyền cho dân hiểu chính sách nhân văn của nhà nước chỉ dành cho những người thực sự khó khăn.