Hồ Tùng Mậu – Nhà cách mạng tiền bối lừng danh

12/06/2016 08:19

(Baonghean.vn) - Tên tuổi cụ Hồ Tùng Mậu gắn với Tâm Tâm xã, tổ chức tiền thân của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Cụ cũng là một trong 7 người tham gia Hội nghị thành lập Đảng ngày 3/2/1930 tại Hương Cảng do Bác Hồ chủ trì.

Người làm… "báo miệng"

Hồ Tùng Mậu sinh ra trong một gia đình -gia tộc có truyền thống khoa Bảng và yêu nước lâu đời ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, bên cạnh các gia đình nổi tiếng khác như gia đình Phan Đình Phùng ở Tùng Ảnh, Đức Thọ; gia đình Đinh Văn Chất ở Nghi Long, Nghi Lộc...

Cao tổ Hồ Tùng Mậu là cụ Hồ Trọng Điển, đậu Hương cống thời Lê, thời Nguyễn làm quan đến chức Đốc học Nghệ An, rồi bị thuyên chuyển vì chống lại hành động tư túi của viên quan đầu tỉnh. Về quê cụ mở trường dạy học, học trò có tới 600 người, trong đó có nhiều vị đại khoa (1).

Tằng tổ Hồ Tùng Mậu là cụ Hồ Trọng Tuấn (còn có tên khác là Hồ Trọng Toàn) - con trai thứ ba của Đốc học Hồ Trọng Điển. Hồ Trọng Tuấn kết duyên với Phạm Thị Khanh -con gái đầu lòng Đốc học Phạm Đình Trọng, chị ruột danh sĩ Phạm Đình Toái - một học giả nổi tiếng của văn hóa Việt Nam. Hồ Trọng Tuấn thi đậu 2 khoa Tú tài, đến năm 1828 đậu Cử nhân. Sau đó ít lâu được bổ làm Tri huyện Hoài Yên, thăng Tri phủ Triệu Phong rồi Án sát các tỉnh Quảng Yên, Hưng Yên và Thái Nguyên. Ông nổi tiếng là một viên quan thanh liêm, đức độ. Phần lớn ruộng đất được ban cấp ông đã cúng biếu cho họ hàng, làng xóm. Sau khi về hưu, ông đã góp phần cùng dân tu bổ đê điều ngăn nước mặn, làm cống tiêu úng, lập quỹ nghĩa sương để cho dân vay khi mất mùa, đói kém.

Hồ Tùng Mậu từng là cây bút tích cực của báo Thanh niên thời bấy giờ.
Hồ Tùng Mậu từng là cây bút tích cực của báo Thanh niên thời bấy giờ.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy chông gai của mình, cụ Hồ Tùng Mậu để lại nhiều dấu ấn sâu sắc. Đầu tiên phải kể đến là sự kiện vào tháng 5/1925, Nguyễn Ái Quốc cử Hồ Tùng Mậu lên Hàng Châu tìm gặp Phan Bội Châu nhưng cụ đã đi Thượng Hải và bị sa vào tay mật thám Pháp. Chúng có âm mưu bí mật thủ tiêu cụ Phan.

Biết tin dữ đó, cụ Hồ Tùng Mậu đã cùng Hồ Diệc Lan (con cụ Hồ Học Lãm) viết nhiều tin bài đăng lên báo chí Trung Hoa lúc đó với bút danh Hồ Mộng Tống tố cáo âm mưu và hành động thâm độc, xấu xa của thực dân Pháp đối với nhà đại Ái quốc của Việt Nam. Những bài báo ấy thực sự là những "phát súng lệnh" dấy lên làn sóng đòi thả cụ Phan và chặn đứng âm mưu đen tối của chúng, buộc chúng phải đưa cụ Phan về xét xử tại Hà Nội.

Sự kiện thứ hai là ngày 6/6/1931, Tống Văn Sơ- Nguyễn Ái Quốc bị thực dân Anh bắt ở Hồng Công. Được tin, Hồ Tùng Mậu đã cùng Trương Văn Lĩnh tìm cách liên hệ với phái bộ Quốc tế cộng sản can thiệp và nhờ luật sư Lô-giơ-bai giúp đỡ bào chữa.

Vụ án Tống Văn Sơ được trắng án và bị trục xuất khỏi Hồng Công nhưng Nguyễn Ái Quốc thoát hiểm không sa vào cạm bẫy của chúng. Nhưng cũng trong năm 1931, không may Hồ Tùng Mậu cũng bị sa vào tay mật thám Pháp, chúng liền đưa về nước xét xử. Tại phiên toà ngày 6/12/1931 tại Vinh, chúng định thi hành ngay bản án tử hình vắng mặt như đã tuyên trước đó vào cuối năm 1929.

Bằng lý lẽ sắc bén, Hồ Tùng Mậu kịch liệt phản đối bản án bất công đó, cuối cùng buộc chúng phải tuyên án "khổ sai chung thân". Từ đây, cuộc sống ngục tù ròng rã 14 năm của cụ qua các nhà ngục Hoả Lò-Hà Nội, nhà lao Vinh, Lao Bảo, Con Tum, Buôn Ma Thuột, Trà Khê với đủ mọi cực hình tàn bạo. Trong lao tù đế quốc, Hồ Tùng Mậu đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, nuôi dưỡng ý chí chiến đấu bằng việc đề xướng lập "Tao đàn ngục thất", làm "báo miệng", sáng tác thơ văn như tiểu thuyết "xuất bản miệng" có tên Giọt máu hồng...

Đến tháng 3/1945, lợi dụng thời cơ Nhật hất cẳng Pháp, cụ cùng nhiều bạn tù vượt ngục Trà Khê trở về. Về làng Quỳnh gặp lại vợ con, anh em làng xóm chưa được mấy ngày, cụ được tri huyện Quỳnh Lưu Chử Ngọc Liễn mời lên huyện đường và trao tận tay thư của Trần Đình Nam (Bộ trưởng trong nội các Trần Trọng Kim) mời vào Huế làm cố vấn, cụ đã khéo léo chối từ.

“Tận trung với nước, tận hiếu với dân...”

Ngày 19/3/1948, người con trai duy nhất của Hồ Tùng Mậu là Hồ Mỹ Xuyên từng là Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, tham gia đặc uỷ đoàn của Chính phủ đi thanh tra các tỉnh đã hy sinh trên đường công tác tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Hồ Mỹ Xuyên ra đi, để lại 3 con thơ: Hồ Anh Dũng 8 tuổi (nguyên Tổng giám đốc Đài phát thanh truyền hình Việt Nam), Hồ Ngọc Hải 4 tuổi (nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia), Hồ Đức Việt mới sinh (hiện nay là Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng). Được tin Hồ Mỹ Xuyên hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay đánh máy bức thư chia buồn gửi tới gia đình Hồ Tùng Mậu.

Ngày 18/12/1949, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh thành lập ban Thanh tra Chính phủ và cử Hồ Tùng Mậu giữ chức Tổng Thanh tra. Từ đây ông lại có dịp làm việc bên cạnh lãnh tụ kính yêu của Đảng và của dân tộc, giúp Người xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng trong toàn quốc với các cương vị Tổng Thanh tra Chính phủ, Hội trưởng Hội Việt Hoa hữu nghị (từ đầu năm 1950), Uỷ viên dự khuyết BCH TW Đảng (từ tháng 2/1951).

Lăng mộ cụ Hồ Tùng Mậu ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu).
Lăng mộ cụ Hồ Tùng Mậu ở xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu).

Ngày 23/7/1951, Hồ Tùng Mậu hy sinh tại thị trấn Còng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá, để lại lòng tiếc thương vô hạn cho bao người thân, bạn bè, đồng chí. Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An đã đưa thi hài ông về quê mai táng. Đoàn của Chính phủ từ Việt Bắc mang điếu văn về làm lễ truy điệu vào một đêm tháng 8/1951. Còn ở Việt Bắc, lễ truy điệu đồng chí Hồ Tùng Mậu tiến hành tại Hội trường Hội đồng Chính phủ ở Thác Dẫng, do Hồ Chủ tịch làm Trưởng ban, đến dự có các đồng chí Phạm Văn Đồng, Phan Mỹ, Bùi Công Trừng... Hồ Chủ tịch đọc điếu văn mà không ngăn nổi dòng nước mắt:

“Chú Tùng Mậu ơi! Lòng tôi rất đau xót, linh hồn chú biết chăng? Về tình nghĩa riêng, tôi với chú là đồng chí, lại thân thiết hơn anh em ruột. Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi tranh đấu ở nước nhà... đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ như tay với chân... Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tuỵ, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, đoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc cộng vào trong một lòng tôi... Tôi gạt nước mắt, thay mặt Chính phủ nghiêng mình trước linh hồn chú và truy tặng chú huân chương Hồ Chí Minh để nêu công lao chú đối với đồng bào, đối với Tổ quốc... Tôi lại hứa với chú, toàn thể đồng sự và đồng chí sẽ cố gắng noi gương đạo đức cách mạng của chú, noi gương chú tận trung với nước, tận hiếu với dân...” .

Điếu văn đánh giá rất cao đóng góp của Hồ Tùng Mậu cho cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện tình cảm thắm thiết Hồ Chủ tịch dành cho nhà cách mạng ưu tú này.

Thái Bình (Tổng hợp)

Hồ Tùng Mậu – Nhà cách mạng tiền bối lừng danh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO