Hoa của tháng Tư

(Baonghean) - Đi giữa thành Vinh mùa này, lại chợt bâng khuâng cùng khúc giao mùa. Xuân biêng biếc xanh, trả lại mùa Hạ những chùm hoa khoe sắc. Thế mà, đã thấy đâu hoa cỏ nồng nàn? Bằng lăng tím e ấp còn ngủ, phượng vỹ hẵng chờ hồi trống cuối chia ly. Vậy nên, nối nhịp thánh thót thời gian, Xuân và Hạ trao nhau màu trắng tinh khiết của hoa loa kèn, như “đền” phút mùa sang. Loa kèn từ đó đã mang tên Hoa tháng Tư...
Hoa loa kèn trên phố.
Hoa loa kèn trên phố.
Chuyện kể về hoa là một chuyện tình. Đó là mối tình trái ngang giữa Giắc (một người tình đam mê nhưng không dám toàn vẹn với mối tình của chính mình) - và Lily, cô gái mỏi mòn trong đợi chờ đã dâng hiến trái tim mình vùi xuống ngôi mộ giả tưởng mà cứ ngỡ đó chính là nơi Giắc nằm. Truyền thuyết về loài hoa còn lưu lại: “Lily tin đó là nơi Giắc yên nghỉ. Không còn trái tim để trao lại cho người yêu, cũng không nỡ bỏ đi khi người yêu nằm đó thiếu trái tim nên Lily quyết định lấy trái tim của chính mình vùi xuống nấm mồ”.
Từ nơi đó, sự bao dung và cao thượng đã nẩy mầm, trổ hoa tinh khiết, tỏa sáng không điều gì che giấu nổi. Hương hoa thơm ngát bay xa như hiện hữu những điều bao dung lặng thầm nhất. Nơi những giọt nước mắt của nàng rớt xuống mặt đất lại mọc lên những bông hoa trắng muốt như tấm lòng trong trắng thuần khiết chưa vương bụi trần của nàng.
Trong câu chuyện tình có phần kết nhuốm màu bi kịch kia, lời cuối mà nàng Lily thốt lên tự sâu thẳm trái tim mình, vẫn chỉ dâng lên nỗi niềm cầu xin thánh thiện thiếu nữ: Cầu xin anh/ Hãy tìm về với em/ Cầu xin anh đó/ Hãy mau tìm thấy em…”. Từ đó, đời có tên hoa. Hoa loa kèn, hay còn gọi huệ tây, bách hợp, white lily, white bluebell... là loài hoa của ước vọng lứa đôi, của nỗi xa cách phương trời luôn mong muốn ngày gần gũi, của tình yêu không bao giờ phai nhạt, của lời dẫn đường để trái tim chân thành còn tìm đến với nhau. 
 
Về Việt Nam, hoa loa kèn lên với xứ mờ sương Đà Lạt theo bước chân người Pháp những năm 1945 - 1955, rồi hoa lại thêm những chuyến thiên di từ Hàn Quốc và Nhật Bản đến đây từ 1970 - 1972. Không biết, nơi quần đảo Ryukyu, phía Nam Nhật Bản và Đài Loan đã có gì thiết tha đến vậy, mà vượt ngàn dặm đến đất này, hoa vẫn e ấp tỏa hương giữa tháng Tư lưu luyến? Đến nỗi, cố danh họa Tô Ngọc Vân đã vì hoa mà khắc ghi lại sắc đẹp vĩnh cửu qua danh tác "Thiếu nữ bên hoa huệ" lưu mãi thời gian. 
Hoa loa kèn dường như đã trở thành biểu tượng cho tháng Tư xanh. Chỉ ưu ái nở rộ vào tháng Tư, khi hoa nở là mang theo nắng ấm và màu sắc mới cho không gian đất trời, làm người yêu hoa phải xao xuyến, nhớ mong. Đến đỗi, hoa đã đi vào thơ ca, nhạc họa từ bao giờ chẳng biết. Nhà thơ nữ Thảo Nguyên nhờ hoa nói hộ lòng mình: "Hoa loa kèn chẳng đợi được anh/ Những cánh trắng xanh xao biết mình có lỗi/ Em muốn khóc bởi không sao giữ nổi/ Dăm nụ hoa trong e ấp dịu dàng". 
Đi từ thơ ca, nhạc hoạ, loài hoa ấy phủ lên ký ức một màu nhung nhớ. Trời nhẹ và cao dần lên, những áng mây phủ màu u ám không còn hiện diện thường trực giữa không trung. Trời đất như sáng bừng lên đến lạ. Có phải, đó còn nhờ bởi màu trắng thuần khiết, long lanh của loa kèn như những đốm nắng nhỏ xinh góp nên màu mới cho phố, cho đường? Thảng hoặc, có những buổi chiều, nắng len khắp phố phường ồn ã, chợt thấy những chiếc xe đạp chở hoa loa kèn đi bán dạo. Màu hoa trắng trong, dáng mảnh khảnh, âm thầm kéo người ta ra khỏi cuộc dạo chơi của mùa Xuân, chạy về bên nắng Hè nồng nhiệt. Như là người bạn ân cần mà lặng lẽ, thế thôi! Thật thú vị khi được nâng lên những nhành hoa, những bông hoa rung rinh ướt đẫm sương đêm toả thứ hương nhè nhẹ, nồng nàn. Hoa theo chân những chiếc xe rong toả vào thành phố đánh thức những tâm hồn nhạy cảm. Cũng có lúc, bên hè phố đêm nào, chợt thấy chùm hoa loa kèn thanh cao thầm lặng tỏa hương bên bậu cửa sổ nhà ai, vẳng một giai điệu mơ hồ như nâng niu cùng mỗi cánh hoa. Phố đêm như đã ngập tràn trong sắc hương và xúc cảm.
 
Hoa loa kèn và tháng Tư gặp nhau như là định mệnh của đất trời. Sau 8 tháng dài được chăm sóc, thì tháng Tư là thời điểm những bông loa kèn vào độ “chín”, bắt đầu chuyển sang màu trắng phơn phớt xanh non và tỏa hương dịu nhẹ lan xa. Trong vòng một tháng, loài hoa tháng Tư sẽ nở hết. Mười hai tháng mà chỉ có một tháng dành cho hoa, sợ mùa hoa mau chóng qua đi nên nhiều người có khi dành cả tháng chỉ để cắm loài hoa này và thân thương gọi bằng cái tên tháng hoa loa kèn. Trọn vẹn cùng tháng Tư, để rồi lặng khuất qua 11 tháng ngày còn lại, hoa như đã tỏa hết nỗi lòng mình bằng vẻ trắng trong tươi mát đến se lòng. 
Xin được mượn những dòng thơ trong bài thơ “Hoa loa kèn thơm phố tháng Tư xanh” của tác giả Lương Đình Khoa để diễn tả trọn vẹn nét đẹp riêng có của những bông hoa loa kèn “chở mùa vào phố”, của những thổn thức trong lòng mỗi người: Sau giấc ngủ vùi nơi vòm ngực tháng Tư/ Phố tràn hoa…/ Nắng vờn hoa/ Hát tình ca/ Ngân nga trên những chuyến xe hoa chở mùa vào phố/ Như những chú chim xanh nằm ngoan…
Trần Hải

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.