Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời kiến nghị cử tri Nghệ An về chính sách tín dụng đóng mới tàu cá

G.H 28/08/2022 06:51

(Baonghean.vn) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An do Văn Phòng Chính phủ chuyển đến liên quan đến chính sách tín dụng đóng tàu mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và việc tăng cường, củng cố đội tàu chấp pháp, an ninh ở ngoài khơi để bảo vệ ngư dân yên tâm khai thác, đánh bắt hải sản.

Các kiến nghị của cử tri Nghệ An được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời như sau:

- Về kiến nghị Chính phủ quan tâm, có giải pháp, chỉ đạo các ngân hàng tiến hành giải chấp các tài sản thế chấp là nhà đất (hoặc tài sản khác không phải là tàu cá) đối với các khoản vay đóng mới tàu cá :

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung không quy định các ngân hàng thương mại chỉ được nhận con tàu là tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm. Do vậy, việc bổ sung tài sản bảo đảm ngoài con tàu cho khoản vay là thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng, không trái với quy định của pháp luật.

Trường hợp chủ tàu không trả được nợ vay ngân hàng theo cam kết đã thỏa thuận, buộc các ngân hàng phải khởi kiện ra tòa, xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ vay.

Các cơ sở đóng tàu Quỳnh Lưu tồn tại lay lắt, chủ yếu duy tu, bảo dưỡng các tàu thuyền cũ. Ảnh tư liệu: Văn Trường

- Về kiến nghị Chính phủ quan tâm, có chính sách khoanh nợ, xóa nợ cho chu vì giá trị khoản nợ còn lại rất lớn, hoạt động khai thác thủy sản khó khăn, hầu hết chủ tàu thuộc nhóm nợ xấu đều không có khả năng tiếp tục trả nợ:

Hiện nay, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 không có quy định về chính sách khoanh nợ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp ý kiến và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 67, trong đó có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho chủ tàu để đảm bảo sản xuất và trả nợ vốn vay.

- Về kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong việc mua bảo hiểm tàu cá cho ngư dân theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP do doanh nghiệp bảo hiểm ngừng bán từ 2019 đến nay và bổ sung chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm đối với trang thiết bị, ngư lưới ccủa tàu cá:

Thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm theo Nghị định 67, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 115/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm. Trong đó, có yêu cầu đối với doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo về năng lực tài chính, quản trị mạng lưới và kinh nghiệm triển khai khi tham gia.

Hiện nay, chỉ có 4 doanh nghiệp Bảo hiểm đăng ký tham gia là: Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI.

Tàu thuyền cập bến cảng cá Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) sau chuyến ra khơi. Ảnh: Gia Huy

Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 các doanh nghiệp bảo hiểm đã có văn bản thông báo tạm dừng triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Nguyên nhân được các doanh nghiệp bảo hiểm trên báo cáo là do tàu cá bị tổn thất quá lớn trong khi không tìm thấy xác tàu, không xác định được nguyên nhân tổn thất và không loại trừ khả năng có gian lận bảo hiểm, trục lợi chính sách. Trường hợp tiếp tục triển khai các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thua lỗ lớn, ảnh hưởng lớn đến khả năng tài chính của doanh nghiệp.

Theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm tàu cá không phải là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Pháp luật về thủy sản cũng không quy định việc chủ tàu phải thực hiện việc mua bảo hiểm thân tàu trước khi ra khơi, trừ bảo hiểm cho thuyền viên. Doanh nghiệp bảo hiểm và ngư dân thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm trên, nguyên tắc tự nguyện phù hợp với quy định pháp luật. Ngư dân có thể lựa chọn mua bảo hiểm theo chính sách hỗ trợ tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP hoặc chính sách bảo hiểm khác. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã nhiều lần có văn bản và trao đổi với Bộ Tài chính liên quan nội dung này.

Bộ Tài chính cũng đã có các công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan để triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định Số 67/2014/NĐ-CP và văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm và chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm đối với trang thiết bị ngư lưới cụ của tàu cá tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67.

Khung cảnh lao động nhộn nhịp tại bến cá Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò). Ảnh: Gia Huy

- Về kiến nghị sửa đổi cơ chế chuyển đổi chủ tàu với các điều kiện linh hoạt hơn: Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về thực hiện chính sách chuyển đổi chủ tàu cá theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP đến nay đã thực hiện chuyển đổi đối với 20 tàu cá với dư nợ gần 99 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ chế này hiện nay không còn phù hợp với giá trị thực tế con tàu đã thấp hơn nhiều so với khoản vay của chủ tàu cũ.

Hiện nay các khó khăn, vướng mắc đã được tổng hợp, báo cáo và đưa vào dự thảo nội dung sửa đổi cơ chế chuyển đổi chủ tàu (giữa chủ tàu cũ không đủ năng lực khai thác, không trả nợ đúng hạn, không có khả năng khắc phục sẽ được chuyển cho chủ tàu mới có khả năng khai thác, tài chính tốt hơn, sử dụng khai thác tàu hiệu quả hơn) sẽ được trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 61 trong thời gian tới.

- Về nội dung cử tri kiến nghị sớm triển khai đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác đánh bắt hải sản vùng biển chung trong ngư trường Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Đồng thời tăng cường, củng cố đội tàu chấp pháp, an ninh ở ngoài khơi để bảo vệ ngư dân yên tâm khai thác, đánh bắt hải sản:

Hiệp định Hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký kết năm 2000. Đến ngày 30 tháng 6 năm 2020 Hiệp định nói trên đã hết hiệu lực, hai bên cũng đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả 15 năm triển khai Hiệp định.

Từ cuối năm 2020 đến nay, Chính phủ hai nước đã nhất trí tiếp tục giao các cơ quan liên quan tổ chức đàm phán điều ước quốc tế mới về hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, từ năm 2020 đầu năm 2022 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc đàm phán giữa hai nước đã bị gián đoạn. Hiện nay, hai Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức nối lại các cuộc đàm phán để ký được thỏa thuận trong thời gian tới.

Lực lượng Kiểm ngư giám sát, đưa tàu cá vi phạm về Cảng Cửa Lò để xử phạt hành chính. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hải

Để hỗ trợ ngư dân yên tâm khai thác, đánh bắt hải sản, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, như Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan đã được tăng cường về năng lực và trang thiết bị.

Đặc biệt là lực lượng Kiểm ngư thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát trên vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, kịp thời hỗ trợ ngư dân khi cần thiết.

Mới nhất

x
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời kiến nghị cử tri Nghệ An về chính sách tín dụng đóng mới tàu cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO