Giải trí

'Hoa hậu Kỳ Duyên đã khơi mào một cuộc tranh cãi thú vị'

Hào Hoa 03/09/2024 15:04

Chuyên gia xử lý khủng hoảng truyền thông Lê Ngọc Sơn nói, anh đã chứng kiến một cuộc tranh cãi thú vị về việc đọc sách của người Việt nhìn từ vụ Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên.

Hoa hậu Kỳ Duyên. Ảnh: Ban tổ chức

Từ câu trả lời túng lúng, bối rối của Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên tại tập 2 Miss Universe Vietnam về sách đã kéo theo cuộc tranh cãi bất phân thắng bại của dư luận trên các diễn đàn mạng xã hội nhiều ngày qua.

Giữa những lời chỉ trích, Kỳ Duyên vẫn nhận được sự bênh vực, đồng cảm của nhiều tài khoản mạng. Theo đó, không ít ý kiến cho rằng, đọc sách chỉ là sở thích cá nhân, không nên phán xét. Để tăng thêm trọng lượng cho lời bình luận, các tài khoản bênh Kỳ Duyên khẳng định, bản thân họ cũng không đọc sách nhưng vẫn thành công. Và rằng, có nhiều cách để thu nạp kiến thức, không cứ gì phải đọc sách, nhất là trong bối cảnh cuộc sống bận rộn như hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Lao Động về chủ đề này, chuyên gia xử lý khủng hoảng truyền thông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch Hãng Quản trị Danh tiếng Berlin Crisis Solutions (BCS) tại Đức - cho biết: “Có lẽ phải cảm ơn Hoa hậu Kỳ Duyên vì đã khơi mào một cuộc tranh cãi rất thú vị về chuyện đọc sách của người Việt. Tôi cho rằng, từ các ý kiến về đọc sách cho thấy rất nhiều góc nhìn về cách đọc, cách thu thập thông tin và tiêu thụ thông tin của người Việt”.

Chuyên gia Lê Ngọc Sơn và GS.TS. Deanna Sellnow - Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế về Truyền thông về Rủi ro và Khủng hoảng, tại một Hội thảo khoa học của Viện Liên bang Đo lường Rủi Ro, Berlin, CHLB Đức. Ảnh: Tim Sellnow
Chuyên gia Lê Ngọc Sơn và GS.TS. Deanna Sellnow - Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế về Truyền thông về Rủi ro và Khủng hoảng, tại một Hội thảo khoa học của Viện Liên bang Đo lường Rủi Ro, Berlin, CHLB Đức. Ảnh: Tim Sellnow

“Thu thập kiến thức từ đọc sách khác với tất cả các phương tiện khác”

Chuyên gia xử lý khủng hoảng Lê Ngọc Sơn cho rằng, anh đồng ý với việc, hiện nay cùng với tốc độ phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, sự bùng nổ của nhiều loại hình nghe nhìn, mỗi người đều có rất nhiều phương thức khác nhau để tiếp cận thông tin, trí thức, không nhất thiết phải đọc sách.

“Thế nhưng, đọc sách vẫn là cách tiếp cận trí thức khác biệt, không thể đánh đồng với các loại hình khác. Sách là sự sắp xếp, hệ thống hóa một cách khoa học các nguồn dữ liệu, trí thức của nhân loại. Ở sách, kiến thức nhiều hơn thông tin, kiến thức được chắt lọc và mang tính hệ thống. Với những loại hình khác, đơn cử như mạng xã hội, hay các kênh truyền thông, đó là nơi chứa thông tin nhiều hơn kiến thức và thiếu tính hệ thống.

Bản chất của việc đọc sách và tiếp thu các kiến thức từ kênh khác là rất khác nhau. Đọc sách để nghiền ngẫm, để tìm ra kiến thức mới từ nền tảng kiến thức cơ bản đã có. Còn khi bạn tiếp nhận thông tin trên các kênh khác, có thể bạn sẽ tiếp nhận và tiêu thụ được khối lượng thông tin nhiều hơn, nhưng tôi không dám chắc về hàm lượng trí thức mà bạn thu nạp được từ đó. Trong khi, với việc đọc sách, hàm lượng trí thức có được sẽ cao hơn rất nhiều lần” - chuyên gia nói.

Theo anh Ngọc Sơn, nhìn từ cuộc tranh cãi về đọc sách có thể thấy rất đông ý kiến đang nhầm lẫn giữa việc đọc sách với các cách thức thu nạp kiến thức. Ngay cả khi công nghệ phát triển, có nhiều loại hình sách mới ra đời như sách audio (nghe), ebook (sách điện tử)... Chuyên gia vẫn đánh giá cao vai trò của sách truyền thống (sách in).

“Đọc sách theo tôi là quá trình nghiền ngẫm, suy tư, trăn trở để hiểu, để tích lũy, ghép nối vốn trí thức có được, nên đọc sách không thể vội, không thể nhanh, cần tập trung, yên tĩnh. Với tôi, đọc sách truyền thống vẫn mang những giá trị không thể thay thế. Và lợi ích của đọc sách là không thể phủ nhận” - Lê Ngọc Sơn nói.

Hoa hậu Kỳ Duyên khi trả lời “chưa từng đọc hết một cuốn sách” đã khơi mào một cuộc tranh cãi trên mạng xã hội về vai trò của việc đọc sách. Ảnh: Ban tổ chức
Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên khi trả lời “chưa từng đọc hết một cuốn sách” đã khơi mào một cuộc tranh cãi trên mạng xã hội về vai trò của việc đọc sách. Ảnh: Ban tổ chức

“Nhiều người Việt thích tranh cãi trên mạng hơn là dành thời gian đọc sách”

Quan sát cuộc tranh cãi suốt những ngày qua về đọc sách, chuyên gia xử lý khủng hoảng cho rằng, điều đó đang thể hiện rất rõ thói quen và cách đọc của người Việt.

“Tôi sống ở Đức. Tại đây, bạn có thể bắt gặp ở các ga tàu điện ngầm hay sân bay, trong khoảng thời gian chờ tàu, hay ngồi trên tàu, từ người già đến em nhỏ đều cầm trên tay cuốn sách, yên tĩnh đọc. Khi về Việt Nam, tôi quan sát thấy hầu hết mọi người ở những không gian này đều lướt điện thoại. Giống như, 2 cuộc sống khác nhau ở cùng một không gian.

Tôi không ngạc nhiên khi nhiều người Việt sẵn sàng bỏ hàng giờ đồng hồ để tranh cãi, cãi vã trên mạng xã hội về sách, thay vì dành khoảng thời gian đó cho việc đọc sách” - chuyên gia nói.

Nhiều người Việt đang có nhu cầu tiêu thụ thông tin nhiều hơn tri thức. Để nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc đọc, theo chuyên gia, chỉ hô hào, kêu gọi thôi - sẽ là không đủ.“Giống như việc, để kêu gọi số đông bơi thuyền ra một hòn đảo, nếu bạn chỉ bảo “bơi thuyền đi” sẽ rất khó, nhưng việc sẽ đạt hiệu quả hơn nếu bạn chỉ ra cho số đông thấy, ngoài đảo kia phong cảnh rất tuyệt vời, ngoài đảo có kho báu quý giá thế nào... Tự khắc người ta sẽ bơi thuyền ra. Việc đọc sách cũng vậy, phải khơi dậy được trong mỗi người niềm yêu thích khám phá tri thức, khát vọng vươn lên, niềm đam mê với những điều mới mẻ... Việc đọc sách phải là nhu cầu tự thân, không thể ép buộc. Nhu cầu ấy cần được ươm mầm từ gia đình đến nhà trường từ tấm bé” - chuyên gia nhận định.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/hoa-hau-ky-duyen-da-khoi-mao-mot-cuoc-tranh-cai-thu-vi-1388636.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/hoa-hau-ky-duyen-da-khoi-mao-mot-cuoc-tranh-cai-thu-vi-1388636.ldo
Mới nhất
x
x
'Hoa hậu Kỳ Duyên đã khơi mào một cuộc tranh cãi thú vị'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO