Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn: Những gam màu ấm áp

Khôi Nguyên Thảo 15/01/2018 10:42

(Baonghean) - Xem tranh họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn, người xem chẳng bận tâm điều gì hư, điều gì thực mà cảm nhận những gam màu ấm áp lan tỏa trong lòng mình.

Tôi luôn nghĩ về những gam màu ấm áp khi nghĩ về họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn. Không chỉ vì ấn tượng đầu tiên khi nhìn những bức tranh anh vẽ là sự ấm áp từ những gam màu có thể truyền cảm hứng, truyền yêu thương; còn vì những câu chuyện về Sơn qua những người tôi quen biết. Một người nghệ sĩ có trái tim ấm áp dù nhiều người vẫn nói đùa về Sơn, “chỉ biết vẽ thôi chẳng biết gì”.

Nguyễn Doãn Sơn hướng dẫn học trò vẽ. Ảnh P.V
Nguyễn Doãn Sơn hướng dẫn học trò vẽ. Ảnh P.V

Chân dung họa sĩ người Nghệ

Họa sỹ Nguyễn Doãn Sơn quê Đô Lương, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Công nghiệp; giải đồng hạng Philip Morrist 1998, giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2000. Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” dành cho bức tranh “Hà Nội chiến lũy và hoa”. Doãn Sơn là một trong số những tác giả tham gia thực hiện bức tranh gốm sứ ven sông Hồng - Hà Nội.

Tôi nghe kể về Nguyễn Doãn Sơn lần đầu qua nhà thơ Bảo Ngọc, vợ anh. Khi tình cờ biết tôi người Nghệ, chị Ngọc khoe: “Ô, anh nhà chị cũng người Nghệ đấy. Đô Lương”. Và chị tỏ thái độ tâm đắc với tính dễ chịu, chân thành của dân Nghệ mà biểu hiện cụ thể nhất là qua chồng chị.
Anh nhà chị hôm kia tới nhà người quen về. Một lúc bác ấy gọi điện thoại tới chị, bảo, qua mà mang giày về cho chồng này. Chị mới ngớ người ra, hỏi ôi sao bác biết là giày của anh ấy? “Thì có ai mà đi đôi giày đầy sơn dầu như chú ấy đâu?”. Bác ấy đáp, cả hai chị em cùng phì cười. Một lúc, chị Ngọc hỏi lại chồng, anh mới gãi đầu gãi tai nói: “Tại đột xuất muốn quay về hoàn thành bức tranh. Muốn vẽ cho xong nên đầu chỉ nghĩ tới bức tranh ấy, quên mất”. Đơn giản là vậy, chàng họa sĩ của nàng thơ đi chân đất giữa phố về nhà.
Nhiều bạn bè biết tình yêu của chị Ngọc và Sơn vẫn ngưỡng mộ. Họ luôn trẻ đẹp so với tuổi, luôn tươi tắn song hành cùng nhau. Họ hết mình hết lòng với công việc, nghệ thuật. Và đặc biệt, nếu ai đó nói nghệ sĩ hay ghen, nghệ sĩ không chung thủy thì với trường hợp này là sai bét. Nàng thơ và chàng họa sĩ vẫn luôn dành cho nhau một niềm tin yêu trọn vẹn.

Khi cần mua quà cho những học trò nữ hoặc những bè bạn là phụ nữ, anh vẫn luôn nhờ vợ tư vấn. Thậm chí, nếu bận quá, anh sẽ… “mượn tạm” đồ của vợ (lúc là túi xách, lúc là món quà lưu niệm…) đi tặng, trả “đền” lại sau vì tin tưởng tuyệt đối vào gu thẩm mỹ và sự tâm lý của vợ. Trong số học trò anh, không ít học sinh nữ mê thầy như điếu đổ vì vẻ lãng tử và quan trọng nhất là vì những bức vẽ của thầy luôn có sức hút. Nhưng rồi, không ít cô tâm sự ngược lại với vợ thầy: “Cô sướng thật. Ngoài vẽ, thầy chẳng để ý gì cả”.

họa sỹ Doãn Sơn trong một tiết dạy. Ảnh NVCC
Họa sỹ Doãn Sơn trong một tiết dạy. Ảnh PV

Tôi luôn tự hỏi, thời gian đâu để Sơn có thể lao động nghệ thuật nhiều tới vậy. Ngoài vẽ, Nguyễn Doãn Sơn còn giảng dạy. Anh mở học viện mỹ thuật Master ở Hà Nội, dạy luyện thi vẽ, dạy vẽ minh họa truyện tranh, thiết kế đồ họa đa phương tiện. Ở xưởng gốm của anh, học trò tìm đến tận nơi để học nặn đất sét, vẽ trên gốm...

Anh thường có những khóa dẫn học sinh đi thực tế gần, xa. Ngoài ra, anh còn làm nhiều clip, viết nhiều bài hướng dẫn tỉ mỉ việc vẽ cho người yêu hội họa trên youtube, facebook. Và trên hết, cảm hứng của anh vẫn được nuôi giữ, vẫn sáng tác đều tay nhiều thể loại: sơn dầu, tranh lụa, tranh gốm. Ở thể loại nào Sơn cũng tạo được dấu ấn của mình.

Những bức họa kể chuyện
Nhắc tới tranh của Sơn, dĩ nhiên là thiếu sót nếu không nói về bức tranh sơn dầu “khổng lồ”: "Hà Nội chiến lũy và hoa" (khổ 2,15 x 9,3m). Sau khi triển lãm vào tháng 6/2008 đã được sự hưởng ứng nhiệt liệt của người Hà Nội, được vinh dự được trao tặng thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội".

Bức tranh đã tái hiện được những hình ảnh không thể nào quên của những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội năm 1946, với những giao thông hào, trận chiến giáp lá cà trong phố, với hình ảnh những chiến sĩ tự vệ, em bé giao liên, cô gái tiếp tế mang cả hoa vào chiến lũy, những giây phút cảm động giữa 2 trận đánh... Cảm động, lãng mạn, bi tráng, hào hùng, những cảm xúc ấn tượng ấy gần như chiếm trọn trái tim người đối diện khi đứng trước "Hà Nội chiến lũy và hoa".

Tranh vẽ
Tranh vẽ "Hai chị em" của Nguyễn Doãn Sơn. Ảnh: NVCC

Để thực hiện bức tranh này, Sơn không chỉ dùng tới toan, màu mà còn phải dùng cả giàn giáo cao ngất nghểu. Không gian sáng tạo bức tranh là nhà gửi xe của một công ty. Lúc ấy, ngoài ba mươi, Sơn đã khiến không ít bạn bè, đồng nghiệp nể, vì ngoài đam mê sáng tạo, cần có cả tố chất cần mẫn của “ông đồ Nghệ” mới có thể thực hiện được.

Nguyễn Doãn Sơn chia sẻ: “Thế hệ tôi không sinh ra trong chiến tranh nên lớn lên chỉ thấy chiến tranh qua vỏ đạn, xác xe tăng, những câu chuyện kể và những gì được ghi chép, phản ánh qua sách báo, phim ảnh... Việc thể hiện những tác phẩm lịch sử đòi hỏi phải hư cấu và tưởng tượng và trong nhiều trường hợp, việc này mang đến ý nghĩa thẩm mỹ mới. Để thể hiện hình ảnh người mẹ tóc bạc lưng còng, bưng chiếc đèn dầu trên tay đi bên cạnh đứa con bị thương được dìu về nhà mình sau trận chiến cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, tôi đã mất thời gian khá lâu nhưng vẫn không tìm được hình ảnh người mẹ như tưởng tượng, mà người đứng mẫu cũng rất khó tìm. Có lần, tôi đến chơi nhà người bạn ở Hà Đông. Tôi đứng ở ban công nhìn thấy nhà bên kia có bà cụ đang tưới cây. Cách ăn vận, búi tóc và dáng điệu toát lên dáng nét của người Hà Nội xưa và tôi bấm máy ảnh liên tục. Tôi đã bắt gặp nhân vật giữa đời thường tình cờ như thế”...

Tranh vẽ Con trâu của em của Nguyễn Doãn Sơn.
Tranh vẽ Con trâu của em của Nguyễn Doãn Sơn. Ảnh: NVCC

: “Tôi muốn đi tìm lối đi khác cho tranh lịch sử, để nó có đời sống trong sinh hoạt văn hóa xã hội. Thay vì kêu ca không có tiền và trách móc xã hội không quan tâm đến tranh lịch sử thì mình cứ cố gắng làm tốt trong khả năng của mình… Tôi muốn làm tốt để gây tiếng vang và chiếm được cảm tình của công chúng trước đã. Tôi không muốn làm nghệ thuật cứ theo cái vòng luẩn quẩn: cho ít tiền thì chất lượng tác phẩm thấp và vì tác phẩm chất lượng thấp nên nhận được ít tiền”.

Doãn Sơn

Suy tưởng với cánh đồng là một trong những bức tranh theo trường phái siêu thực của Sơn được nhiều người yêu thích. Cánh đồng đang bị thu hẹp lại bởi những cần cẩu hung hãn, nằm lọt thỏm giữa những cao ốc đã và đang xây lên. Gà, vịt, lợn, bò, bí đỏ,… cùng bay lên trời mờ ảo. Ở giữa cánh đồng đang bị thu hẹp ấy, người nông dân cúi mặt chống gậy như một người đưa tang tiễn đồng xanh, tiễn những hoa màu, vật nuôi gắn bó cả đời mình đi vào cõi vô cùng.

Thể hiện đề tài nhiều tính thời sự qua hội họa, những sắc màu, đường nét của Sơn không khiến người xem cảm giác bị khiên cưỡng mà vẫn đầy cảm xúc. Không phải họa sĩ nào cũng có thể thành công với đề tài tưởng như khô và khó đến vậy. Bên cạnh một tay nghề nhuần nhuyễn còn phải có một trái tim yêu thương đồng ruộng, hiểu và sẻ chia sâu sắc với những phận người lấm lem bùn đất – phải là người sinh ra và gắn bó với ruộng đồng như Sơn mới có thể vẽ được.

Những bức tranh vẽ cảnh sắc, con người gắn với làng quê là một mảng đề tài được Sơn quan tâm khá nhiều và cũng nhận được nhiều sự yêu thích của công chúng. Anh từng có nhiều bức tranh mảng đề tài này tham gia triển lãm. Sơn vẽ một cô bé ngồi đánh đàn bên dòng sông, xa xa là con đò, là những ngôi nhà nhỏ lấp ló trong hàng cây xanh ven sông. Sơn vẽ cô bé kéo trâu ra đồng; vẽ cậu bé bám áo mẹ đi chợ Tết, những chiếc nón lá chấp chới phiên chợ quê… Điều thú vị là, từ những đề tài rất thực, cách thể hiện cũng rất thực nhưng toàn cảnh bức tranh vẫn hư hư, thực thực, đầy sáng tạo. Dẫu vậy, xem tranh Sơn, người xem chẳng bận tâm điều gì hư, điều gì thực mà cảm nhận những gam màu ấm áp lan tỏa trong lòng mình.

Mới nhất
x
Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn: Những gam màu ấm áp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO