Thời sự

Họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh trao tặng tranh chân dung nhà văn, liệt sĩ Nam Cao

PV 23/07/2024 18:11

Chiều 23/7, tại Khu Lưu niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh phối hợp với Báo Nghệ An trao tặng bức tranh chân dung màu nhà văn, liệt sĩ Nam Cao bằng chất liệu sơn dầu, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).

bna_img_5222.jpg
Các đại biểu thành kính tưởng niệm trước mộ nhà văn, liệt sĩ Nam Cao. Ảnh: Hồng Sơn

Cùng tham dự có đồng chí Trần Hữu Nghĩa - Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An. Đại diện chính quyền địa phương có đồng chí Đinh Công Tấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân, cùng lãnh đạo phòng Văn hóa, Trung tâm Văn hóa huyện và xã Hòa Hậu.

Nhà văn, liệt sĩ Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh năm 1915, ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân; nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

bna_502b1c0c6119c4479d08.jpg
Họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh và lãnh đạo Báo Nghệ An bên bức tranh chân dung màu nhà văn, liệt sĩ Nam Cao tại mộ của nhà văn ở quê hương xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Hồng Sơn

Nhà văn Nam Cao là một trong những cây bút xuất sắc của văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ông trở thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng.

Nhà văn Nam Cao hy sinh ngày 30/11/1951, tại xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình trong khi làm nhiệm vụ. Năm 1998, phần mộ của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao đã được đưa từ Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình về yên nghỉ tại quê hương xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

bna_c459c3fca1e904b75df8(1).jpg
Họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh dâng hương tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao tại Khu Lưu niệm nhà văn Nam Cao. Ảnh: Hồng Sơn

15 năm cầm bút, nhà văn Nam Cao đã để lại cho đời một di sản sáng tác khá đồ sộ với 2 tiểu thuyết, hơn 50 truyện ngắn, bút ký. Toàn tập Nam Cao gồm 1.400 trang được hoàn thiện năm 1999.

Để ghi nhận, tri ân những đóng góp của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và nền văn học nước nhà, Đảng, Nhà nước đã truy tặng nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (năm 1964); Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) năm 1996 cho các tác phẩm: Nhật ký ở rừng, Đôi mắt, Chí Phèo, Nửa đêm (truyện ngắn) và Sống mòn (tiểu thuyết); danh hiệu Lão thành cách mạng;…

bna_63c264a44eb1ebefb2a0.jpg
Bức tranh chân dung màu nhà văn, liệt sĩ Nam Cao bằng chất liệu sơn dầu do họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh sáng tác. Ảnh: Hồng Sơn
bna_img_5254(1).jpg
Bức tranh chân dung màu nhà văn, liệt sĩ Nam Cao được trao tặng đến Khu Lưu niệm nhà văn. Ảnh: Hồng Sơn

Với truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái”, “Uống nước nhớ nguồn” và bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng đối với những hy sinh, cống hiến của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, họa sĩ người Nghệ An Nguyễn Tô Cảnh đã cất công tìm kiếm nhiều nguồn tư liệu, bài viết, hình ảnh và dành nhiều thời gian để nghiên cứu, phục dựng tranh chân dung nhà văn, liệt sĩ Nam Cao với chất liệu màu dầu trên vải canvas có độ bền lên đến hàng trăm năm.

bna_img_5248.jpg
Đoàn đại biểu nghe thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao. Ảnh: Hồng Sơn

Lễ trao tặng bức tranh màu chân dung nhà văn, liệt sĩ Nam Cao được tổ chức trọng thể, xúc động tại Khu Lưu niệm nhà văn tại quê nhà vào chiều 23/7 với sự hiện diện của lãnh đạo huyện, xã và người dân địa phương, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh mong muốn, bức tranh chân dung nhà văn, liệt sĩ Nam Cao sẽ góp phần làm phong phú thêm những hiện vật được trưng bày tại Khu Di tích mộ và Khu Lưu niệm nhà văn Nam Cao, được thành lập năm 2004 và đã đón Bằng công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia vào tháng 10/2023.

bna_img_5259.jpg
Họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh và các đồng chí lãnh đạo Báo Nghệ An, huyện Lý Nhân, xã Hòa Hậu và Ban Quản lý Khu Lưu niệm chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Hồng Sơn

Qua đó tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của nhà văn, liệt sĩ Nam Cao; đồng thời, góp phần phát huy các giá trị tư tưởng, nghệ thuật sâu sắc của nhà văn. Thông qua hoạt động tri ân này, họa sĩ mong muốn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh (sinh năm 1972), nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Hoàng Thị Loan, hiện sinh sống tại phường Trung Đô, thành phố Vinh, Nghệ An; được biết đến với nhiều tác phẩm thành công sáng tác về các nhân vật lịch sử của đất nước.

Cuối năm 2023, họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh đã hoàn thành 4 bức tranh chân dung màu: ông Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Bác Hồ), bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ), ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Bác Hồ) và bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái Bác Hồ), với độ chính xác cao, được giới chuyên môn đánh giá là thể hiện được đúng thần thái, tình cảm của từng nhân vật. 4 bức tranh chân dung này đã được họa sĩ trao tặng Ban Quản ký Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An) để trưng bày, giúp nhân dân và du khách có được sự hình dung rõ ràng, cụ thể hơn về gương mặt những người thân yêu, ruột thịt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước đó, họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh đã hoàn thành bức chân dung của Hoàng đế Quang Trung.

Họa sĩ Nguyễn Tô Cảnh trao tặng tranh chân dung nhà văn, liệt sĩ Nam Cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO