Họa sĩ Trần Hoàng Trung: Người khát khao tìm cái đẹp

Hữu Vinh 26/10/2022 17:16

(Baonghean.vn) - Trần Hoàng Trung, bút danh Hoàng Trung, có quê cha ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, quê mẹ huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông thuộc thế hệ những họa sĩ lão thành của Nghệ Tĩnh, một họa sĩ tài hoa có nhiều đóng góp cho quê hương. Có lẽ cái chất hào hoa của người con xứ Huế, chất đằm thắm của người con vùng biển xứ Nghệ đã làm nên một Hoàng Trung với những tác phẩm hội họa có chiều sâu kết cảm xúc và trực giác mạnh mẽ đến thế.

Trần Hoàng Trung xuất thân trong một gia đình có nhiều người làm nghệ thuật, chị gái ông là họa sĩ Trần Thị Thu, người được mệnh danh là “phù thủy tranh cát”; em gái ông là nghệ sĩ đàn tam thập lục, nhà thơ Trần Thu Hà. Vì vậy, có thể nói, nghệ thuật không chỉ là đam mê mà còn là dòng máu, là cái gen quý mà ông may mắn có được từ huyết thống gia đình.

Họa sĩ Trần Hoàng Trung là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1979. Ông có nhiều đóng góp cho hội họa Nghệ Tĩnh nói chung, Nghệ An nói riêng. Năm 1967, Trần Hoàng Trung tốt nghiệp Khoa Đồ họa Trường Trung cấp Mỹ thuật công nghiệp. Ra trường, ông về công tác tại Ty Thông tin Hà Tĩnh. Năm 1978, Hoàng Trung tiếp tục học nâng cao và tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Năm 1979, ông công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Nghệ Tĩnh. Sau năm 1991, khi Nghệ Tĩnh tách ra làm hai tỉnh, Hoàng Trung có thời gian là cán bộ giảng dạy bộ môn Mỹ thuật tại Trường Văn hóa Nghệ Thuật Nghệ An, Trưởng phòng Nghiệp vụ triển lãm thành phố Vinh, ông nghỉ hưu năm 2006.

Chân dung tự họa của Họa sĩ Trần Hoàng Trung.

Họa sĩ Trần Hoàng Trung để lại một sự nghiệp sáng tác hội họa khá lớn, ông đã gặt hái được nhiều thành công với nhiều tác phẩm xuất sắc được ghi nhận. Đề tài trong sáng tác của ông gắn với đời sống con người và thiên nhiên xứ Nghệ, nơi ông lớn lên và gắn bó phần lớn cuộc đời vào những sông Mai, sông Lam, cầu Bến Thủy, bến Cửa Lò... và cả những miền quê nơi ông sống và làm việc như Bến Tam Soa, Cầu Phủ, Rú Nài, Ngã Ba Đồng Lộc... Tất cả đã đi vào sáng tác của ông như một mẩu chuyện, một nhát cắt sinh động về cuộc sống.

Tranh Hoàng Trung bàng bạc tính ước lệ, tượng trưng, điều đó cũng không có gì khó hiểu bởi bản chất của nghệ thuật nói chung, hội họa nói riêng là tính ước lệ, tượng trưng. Sáng tác của ông chưa đến mức phá cách, nhưng cũng đủ cho người xem phải suy, phải ngẫm, phải cảm cái thần trong mỗi tác phẩm mà ông muốn gửi gắm. Hoàng Trung quan niệm rằng, bút pháp ước lệ, tượng trưng là để nói lên được cái bề sâu, cái cốt của hiện thực. Họa sĩ Hồ Thiết Trinh thì cho rằng, sáng tác của Trần Hoàng Trung tự do, phóng khoáng, đôi khi như tung tẩy trên nền “chất liệu” là những cảnh thực về thiên nhiên và cuộc sống con người. Đặc biệt, Hoàng Trung là người hết sức đam mê, ông sống và sáng tác cho đến khi không còn có thể ngồi cầm cọ.

Hoàng Trung thành công ở ba dòng tranh chính: phong cảnh, chân dung và tĩnh vật với chất liệu sơn dầu, về sau là sơn acrylic. Đây là chất liệu chủ đạo trong sáng tác của ông bởi nó lột tả được cái thần của cảnh và người mà ông muốn khắc họa. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu của Hoàng Trung: “Thêm một tầng cao” (sơn dầu, 1978, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, 1980); “Sau buổi tập” (sơn dầu, 1985, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, 1985); “Thuyền trên sông Lam” (sơn dầu, 1990, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, 1990); “Tuần tra biên giới” (sơn dầu, 1999, Triển lãm Mỹ thuật quân đội); “Đầu nguồn” (Acilic, 1997, Triển lãm Mỹ thuật khu vực IV)…




Một số tác phẩm của họa sỹ Trần Hoàng Trung.

Trong suốt sự nghiệp sáng tác, Trần Hoàng Trung được ghi nhận với nhiều giải thưởng cao quý về VHNT như giải thưởng Nguyễn Du (Hội VHNT Nghệ Tĩnh); Giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ IV (Hội VHNT Nghệ An); Giải A Triển lãm Ngẫu hứng mùa Xuân (1994); Giải tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam (1997); Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam (2003); Huy chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam (1999); Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa (1999)...

Hoàng Trung đã gắn bó cuộc đời cùng quê mẹ, xứ Nghệ với xơ xác gió Lào và chang chang nắng gắt. Chính nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, một con người suốt đời mang theo khát khao đi tìm cái đẹp. Cái đẹp trong tranh ông bình dị, gần gũi, thân thương, ở đó có cái nghèo của quê hương xứ sở, có chiều sông Lam man mác, có cảnh hùng vĩ của dải Trường Sơn, có hình bóng mẹ già gầy gò, đôn hậu... Tất cả hiện hình, tất cả vận động qua những nét cọ ấm màu, đượm buồn như tâm hồn người họa sĩ nhiều trắc ẩn.

Mới nhất
x
Họa sĩ Trần Hoàng Trung: Người khát khao tìm cái đẹp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO