Hoài nghi về tầm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương

Lan Hạ Theo SCMP 15/11/2018 18:34

(Baonghean.vn) - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vắng mặt tại hai hội nghị cấp cao quan trọng ở châu Á đã đặt ra câu hỏi liên quan tới quyền của Mỹ trở thành lãnh đạo trong khu vực, trong khi giới phân tích hoài nghi về khả năng Trung Quốc sẵn sàng thế chỗ Mỹ trong vai trò này.

Về quyết định của Tổng thống Trump không tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á ở Singapore và Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea, quan chức ngoại giao Singapore Tommy Koh đã đặt câu hỏi với các đối tác Mỹ: "Nếu Mỹ quan tâm tới khu vực châu Á, thì tại sao lãnh đạo của các bạn lại không có mặt ở đây"?

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: Getty
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: Getty

Ông Koh, một luật sư và đại sứ lưu động tại Bộ Ngoại giao Singapore cho rằng, nhiều đối tác ở Đông Nam Á cảm thấy băn khoăn về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, với mục tiêu hàng đầu là kiềm chế Trung Quốc.

Trong khi đó, Huong Le Thu, một nhà phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia nhận xét: "Việc Tổng thống Trump không tham dự hai hội nghị ở châu Á là một cơ hội bị bỏ lỡ. Dường như ông ấy không còn 'tận tâm' với khu vực - điều trái ngược với mục tiêu của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tôi nghĩ dường như chính sách châu Á đang bị bỏ lại để Phó Tổng thống Pence, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, Ngoại trưởng Pompeo gánh vác, mà không phải do chính Tổng thống Trump giải quyết".

Mặc dù sự vắng mặt của Tổng thống Trump tại các hội nghị châu Á dấy lên lo ngại, giới phân tích cũng chỉ ra sự vắng mặt tương tự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chuyên gia Aaron Connelly từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Singapore nêu rõ: "Cũng cần lưu ý rằng Chủ tịch Trung Quốc chưa bao giờ tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á. Các quốc gia Đông Nam Á luôn xem đây là thái độ 'khinh thường', phát đi tín hiệu Bắc Kinh từ chối việc mặc nhận vai trò dẫn dắt châu Á của nước này trong cấu trúc thể chế khu vực. Dưới chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã củng cố quá nhiều quyền lực gây phương hại đến Thủ tướng Lý Khắc Cường, điều này thực sự gây thất vọng".

Trong một bình luận thể hiện sự tin tưởng với cam kết của Mỹ ở khu vực, ông Patrick Murphy, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương, cho rằng sự tham dự của Phó Tổng thống Pence tại hội nghị khu vực lần này là dấu hiệu cho thấy "cam kết liên tục của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", với 3 trụ cột hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, an ninh và quản trị.

Ông Murphy chia sẻ: "Đây không phải một khu vực mà bất kỳ một quốc gia nào có quyền chi phối, ép buộc, bắt nạt hay tự thiết lập quy tắc. Các quy tắc tự nó đã được thiết lập tại đây".

Mới nhất

x
Hoài nghi về tầm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO