Hoài niệm Phan Thiết

02/01/2013 20:02

(Baonghean.vn) - Phan Thiết đẹp nhất vào dịp đầu năm khi những rặng hoa giấy đỏ như thắp lửa trên nền trời xanh ngăn ngắt và còn rất nhiều loài hoa khác bói nụ giấu chút mộng mơ trước chứa chan ánh nắng vàng sánh mật o­ng.

Giữa những đồi cát trắng mênh mông, êm đềm biển vỗ, du khách tìm về vùng đất "Hamu Lithít" (Phan Thiết - cách gọi của người Chăm cổ) không chỉ để nghỉ dưỡng tại những điểm du lịch nổi tiếng như Mũi Né, Hòn Rơm mà có thể cất bước lãng du thăm thú Lầu Ông Hoàng, Tháp Chăm Pô Sah Inư - khám phá nét văn hóa độc đáo của người Chăm, nhớ về những ngày chưa cũ…




Quần thể Tháp Pô Sah Inư

"Ai về Bình Thuận quê tôi/ Mà xem Mũi Né, Hòn Bà, Đồi Dương/ Hòn Rơm Bầu Trắng mến thương/ Lầu Ông Hoàng đó, Gành Sơn, Tháp Chàm..." Lần theo câu ca dao mộc mạc, mời chào, hòa cùng dòng người nhàn tản, du khách muôn phương đang tìm về Phan Thiết ngày một đông; Dọc bờ biển ngọc biếc, thẫm xanh phi lao rì rào gọi gió, cát mịn còn lưu giữ bước chân những bậc hiền nhân... Rằng đây là Trường Dục Thanh – nơi khởi đầu cuộc hành trình vượt qua năm châu, bốn biển của nhà giáo Nguyễn Tất Thành tìm đường cho cả dân tộc. Và kia là dốc đá dẫn lên Lầu Ông Hoàng – nơi chàng thi sĩ đa tình, đa tài Hàn Mặc Tử từng hẹn hò cùng nàng thơ Mộng Cầm, nơi chứng kiến mối tình tuyệt vọng trong những mùa trăng…

Bỏ lại sau lưng những phố xá sầm uất, đi ra ngoại thành chừng 7 km theo hướng đông bắc, vượt qua làng nước mắm truyền thống, làng chài cổ xưa, đỉnh đồi Bài Nài ngự trên con dốc cao gần 100m, nhô ra đại dương. Trên đó, Lầu Ông Hoàng, Tháp Chăm Pô Sah Inư kiên cường, quả cảm như những người lính đảo; mặc mưa rừng, bão biển, lũy tích của tuế nguyệt, như đứng suy tư, nửa đợi chờ, nửa vẫy gọi.




Tái hiện việc dệt vải của người ChămPa.

Lầu Ông Hoàng vốn là cách gọi của người dân Phan Thiết thập niên 20, thế kỷ trước dành cho ngôi biệt thự hiện đại gồm 13 phòng, rộng 536m2, sang trọng bậc nhất Bình Thuận lúc bấy giờ (do Công tước Pháp De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I xây dựng năm 1911). Dinh thự có vị trí rất đẹp: Từ trên cao toàn cảnh thành phố trẻ Phan Thiết hiện rõ dưới thung sâu, phía trước mặt là biển Đông, sóng như những đứa con ào lăn vào đất mẹ, sau lưng là tím mờ trùng điệp núi của cao nguyên Bảo Lộc - Lâm Đồng. Tương truyền nơi đây Hàn Mặc Tử đã viết nên bài thơ "Phan Thiết Phan Thiết" nổi tiếng với những vần thơ lạ kỳ, ý thơ thống thiết: Hàn ví mình như chim Phượng hoàng theo thất tinh tìm người thục nữ… Hàn Mặc Tử đã phóng bút tích của mình lên tấm bia đá tại Lầu; hình như cũng tại Lầu Ông Hoàng này, thi sĩ người Phan Thiết Bích Khê đã phát hiện ra “màu trăng… gờn gợn sóng” ngọc ngà, dịu êm… Không thể rõ những mùa trăng huyền ảo mới mẻ và ý thơ ám ảnh giữa vũ trụ bí ẩn năm xưa có mối thông huyền nào với việc năm 1995, hàng vạn người khắp nơi trên thế giới đổ xô về Lầu Ông Hoàng ngắm, nghiên cứu nhật thực toàn phần hay không?

Để khống chế khu vực thị xã Phan Thiết, thực dân Pháp đã biến Lầu Ông Hoàng thành một hệ thống đồn bót với nhiều lô cốt bê tông cốt thép chắc chắn và biệt thự này đã bị tiêu hủy gần như hoàn toàn. Ngày nay, phần lớn công trình Lầu Ông Hoàng đã bị mất dấu vết, chỉ còn lại nền móng, hầm ngầm, một lô cốt hình hộp thẳng đứng với những lỗ châu mai; trong ký ức người dân Phan Thiết vẫn còn nhớ in những tội ác của ngoại xâm và chiến thắng Lầu Ông Hoàng vang dội của một tiểu đội thuộc đơn vị Hoàng Hoa Thám vào năm 1947.


Đối xứng và cách Lầu Ông Hoàng chỉ 100m về phía nam là Tháp Chăm Pô Sah Inư (dân bản địa thường gọi với tên
Tháp Chăm Phố Hài) - di tích còn sót lại của Vương quốc Chămpa xưa. Quần thể tháp gồm 3 tòa, có phong cách kiến trúc Hòa Lai – một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa có từ thế kỷ thứ 7. Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Nhóm đền tháp Pô Sah Inư là một trong những cụm tháp Chăm còn tương đối nguyên vẹn. Khoảng cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9, người Chăm xây dựng nhóm đền tháp này với mục đích để thờ vị thần Hủy diệt và Sáng tạo Shiva – là một trong những vị thần Ấn Độ giáo được sùng bái và tôn kính. Đến thế kỷ 15, xây dựng thêm một số đền thờ với kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Pô Sah Inư (con vua Para Chanh), là một người tài sắc vẹn toàn. Bà có công dạy cách ứng xử, dạy nghề đánh cá, làm gốm, dệt vải cho cư dân Champa (hiện nay tòa này đã mất, chỉ còn lại nền móng gạch). Tên gọi Pô Sah Inư cũng bắt đầu từ đây. Hiện, quần thể Pô Sah Inư gồm 3 tháp chính, tháp bên ngoài thờ thần Lửa có độ cao 5m, tháp phụ có độ cao 12m, tháp chính có độ cao 15m, trước đây trong quá trình vận chuyển vật liệu lên xây dựng khu biệt thự, người Pháp đã làm hỏng tường thành phía trước cửa chính, bên tháp hiện còn thờ biểu tượng phồn thực của người Chăm “Linga” và “Yoni”.

Bóng chiều chiếu lên những nét chạm khắc mạnh mẽ của thời gian vào gạch đá, nắng như nhảy nhót nơi có nơi không. Trong ánh tà dương, Pô Sah Inư hoang sơ, hoang tàn gợi nhớ về ngày xa xưa: đâu đây như rộn tiếng đàn Rabap, kèn Saranai, trống Paranưng, trống Ghinăng, ánh lửa bập bùng, bóng những vũ nữ Chăm lưng o­ng uyển chuyển, ngực phập phồng tronghội múa in trên vách tháp…Năm 1992-1995, những cuộc khai quật khảo cổ tại nơi này đã phát hiện ra nhiều nền móng của những ngôi đền bị sụp đổ và bị vùi lấp hàng trăm năm nay, cùng với gạch ngói và một số hiện vật trong lòng các đền tháp có niên đại từ thế kỷ 15. Không biết cuộc tìm kiếm tại toà tháp ba ngôi cao, thấp, chụm bên nhau này, có thấy dấu gót ngọc ngà, mảnh gương soi ánh mắt buồn thẳm nhớ nhà của hoàng hậu Paramecvari (công chúa Huyền Trân được gả cho vua Chăm Chế Mân; cuộc hôn nhân chính trị này đã giúp Đại Việt thu hồi lại châu Ô và Lý - vốn là vùng đất thiêng của người Việt cổ từ thời Hùng Vương, sau hơn 10 thế kỷ nằm dưới sự cai trị của các quốc vương Chiêm Thành vào năm 1306). Nhìn những hòn gạch đất nung cứ bám rít lấy nhau không rời mà chợt nghĩ về những biến thiên lịch sử và các triều đại, diệu kỳ mầu nhiệm văn hóa Chăm .. .




Đồ Gốm của người Chăm nổi tiếng xưa nay bởi sự tinh xảo.



Biểu tượng phồn thực của người Chăm “Linga” và “Yoni”

Inrasara - nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Chăm cho biết: Những giá trị văn hóa truyền thống gia đình của dân tộc Chăm cũng bền vững như những viên gạch dựng tháp vậy. Bên cạnh những nền tảng chung của người Việt, dân tộc Chăm có những nét riêng: Với nền tảng của chế độ mẫu hệ, vị trí của người phụ nữ được khẳng định quan trọng hơn, do đó người mẹ bao giờ cũng được mọi người trong gia đình kính trọng. Khi đôi trai gái lập gia đình, Người Chăm không có tục rước dâu mà thay vào đó là rước rể. Người Chăm theo chế độ hôn nhân một vợ một chồng, để đến được với nhau, đôi trai gái thường có người làm mai mối và phải qua quá trình tìm hiểu trong một thời gian dài, trải qua nhiều gian nan thử thách, vì thế làm cho các cặp vợ chồng trẻ thêm gắn bó khăng khít. Khi người vợ mang thai thì hầu như không phải làm bất cứ một công việc nặng nhọc nào. Lúc ấy, người chồng ngoài công việc ruộng vườn còn phải có trách nhiệm đi tìm kiếm các rễ cây thuốc cho vợ sinh nở. Gần ngày vợ sinh, người chồng còn phải sửa soạn một lễ cúng Nữ thần xứ sở Inư Nưgar để cầu xin mẹ tròn con vuông… chính những nghi lễ, luật tục của dân tộc như là sợi dây ràng buộc vô hình giúp mối quan hệ các thành viên trong gia đình người Chăm trở nên gắn kết bền vững hơn.


Trong đời sống đồng bào Chăm
, các đặc trưng truyền thống vẫn được lưu giữ; gồm nhiều tục lệ hàm chứa những giá trị văn hóa riêng, nhằm đảm bảo cho sự phát triển của cộng đồng người Chăm. Đó là những lễ hội: Lễ hội người Chăm có nhiều như lễ Rija Nưga (có nghĩa là lễ hội của xứ sở ) nhìn từ góc độ truyền thống đây là một lễ hội lớn, có thể nói lớn nhất dân tộc Chăm, bên cạnh hai lễ hội dân gian khác là Katê và Bbơng muk kei (Ramadan hay Ramưwan), Poh Mbăng Yang… hay còn gọi là lễ người Chăm cầu mưa, cầu an…




Người dân Chăm nói chuyện cùng tổ tiên xưa.



Trường Dục Thanh nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học.



Phóng viên Báo Nghệ An trên đỉnh Bài Nài.



Vũ điệu Apsara trong tiếng trống Paranưng, tiếng kèn Saranai bên Tháp cổ.

Khi cây bằng lăng nở hoa tím (vào ngày 1 tháng 7 theo lịch Chăm, khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch, vào thời điểm thu hoạch vụ mùa đã xong) cũng là lúc đồng bào Chăm ở Bình Thuận rộn ràng vui Tết Katê, đây là dịp để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tổ tiên ông bà, tạ ơn các thần linh đã giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người thân tộc, bạn bè thăm viếng nhau. Tiếng trống Paranưng rộn ràng hòa điệu cùng tiếng kèn Saranai réo rắt, tạo nên những cung bậc âm thanh trầm bổng giữa núi đồi. Tại tháp Pô Sah Inư, hàng ngàn đồng bào Chăm tập trung về đây tái hiện một nghi lễ Katê cổ, mang theo những bảo vật của hoàng tộc Chăm như vương miện, y phục về nơi lăng tháp cổ để dâng lên các vua thần, rước y phục của các vị vua, hát bài ngợi ca công đức của các nhà vua và các vị anh hùng khác, dâng lên lễ vật với mâm cúng gồm có trứng gà, trầu cau, rượu bánh, trái cây. Tại tháp, các thầy cúng làm lễ thần Siva cho phép mở cửa tháp, mọi người múa đánh mã la, thổi khèn bầu và các vũ nữ Chăm múa Apsara, các ông từ vị sư làm lễ Tẩy uế tắm tượng và lễ mặc long bào cho vua thần...Những lễ hội thiêng của người Chăm luôn có không khí nghiêm trang và rực rỡ nhuộm sắc màu tâm linh.

Pô Sah Inư cùng Lầu Ông Hoàng là những chứng nhân lịch sử mang giá trị “song tồn” cả về vật thể và phi vật thể. Để gìn giữ cho muôn đời sau từ năm 1990 đến năm 2000, di tích này đã được tỉnh Bình Thuận tu bổ, tôn tạo và cũng trong năm 1991, Nhà nước xếp hạng tháp Pô Sah Inư trở thành di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia... Pô Sah Inư đã hơn 1000 năm tuổi, Lầu Ông Hoàng cũng có mặt gần 100 năm ròng. Ngày mai, mặt trời lại lên và nghìn năm sau vẫn thế, Pô Sah Inư và Lầu Ông Hoàng đã trở thành một phần máu thịt của văn hóa dân tộc ta, chắc chắn rằng những công trình này tiếp tục đón ánh bình minh…Đỉnh Bài Nài vẫn còn nhiều điều để khám phá./.


Bài: Thành Chung- Ảnh: Minh Thông

Mới nhất

x
Hoài niệm Phan Thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO