Hoàn thành gieo cấy, tập trung chăm sóc
(Baonghean) - Nếu năm ngoái, sau Tết Nguyên đán là thời điểm người nông dân rảnh rỗi do đã gieo cấy xong lúa xuân thì năm nay, ăn tết xong, ở các địa phương trong tỉnh, bà con đã đồng loạt xuống đồng. Chỉ còn vài ngày nữa việc gieo cấy trên địa bàn toàn tỉnh sẽ hoàn thành với 88.000 ha lúa xuân.
Nông dân xã Nam Trung (Nam Đàn) cấy lúa vụ xuân. |
Chỉ mới bắt đầu tập trung gieo cấy từ sau tết, nhưng đến ngày mùng 8/1 âm lịch, những cánh đồng ở Thanh Chương đã mướt màu xanh của lúa xuân mới cấy, dọc các xã Thanh Đồng, Thanh Hưng..., người dân xuống đồng đông vui như trẩy hội. Trên vạt ruộng mênh mông rộng tới gần 3 sào đất, 5- 6 người đang tập trung cấy giúp cho gia đình anh Nguyễn Chí Nam (xóm 3 Thanh Đồng). Anh Nam vui vẻ cho biết: Gia đình anh năm nay cấy 9 sào lúa nhưng chỉ tập trung ở 4 thửa ruộng (trước chưa dồn điền, đổi thửa anh Nam có 9 thửa). Giống lúa được sử dụng chủ yếu là lúa Nhị ưu 986, được bắc mạ từ 20 tháng Chạp âm lịch. Nhờ ruộng đã tập trung, bằng phẳng nên việc làm đất hoàn toàn được thuê máy, vừa nhanh vừa đảm bảo. Năm nay do thời tiết ấm, theo đúng chỉ đạo của xã, gia đình anh mới bắt đầu cấy từ mùng 6 tết, đến hôm nay đã cơ bản hoàn thành.
Ngược lên Đô Lương, hay xuống Nam Đàn, bà con đều đang tập trung ra đồng khép kín diện tích. Ông Thái Văn Nông - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Đến ngày mùng 8 tết, Nam Đàn đã gieo cấy được gần 6000 ha, đạt 90% kế hoạch diện tích lúa xuân, ngoài ra là 1.069 ha lạc và 978 ha ngô. Hiện tại, cây lúa đang phát triển rất tốt, ở nhiều vùng như Nam Giang, Kim Liên... bà con đã tiến hành dặm tỉa ở những diện tích lúa gieo thẳng. Năm nay sản xuất vụ xuân diễn ra trong điều kiện thuận lợi, thời tiết ấm, cây lúa phát triển tốt nên huyện đã chỉ đạo bà con sau khi gieo cấy xong tập trung bón thúc sớm để lúa đẻ nhánh nhanh, khỏe, tập trung nhằm tăng số nhánh hữu hiệu, cho năng suất cao, đồng thời tiến hành dặm tỉa kịp thời ở toàn bộ diện tích hơn 2.500 ha lúa gieo thẳng.
Mặc dù bây giờ mới là những ngày đầu lúa xuân được gieo cấy trên đồng, nhưng rải rác ở một số diện tích, sâu bệnh hại và các loại cỏ hại lúa đã bắt đầu xuất hiện. Ông Trần Đình Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương đang kiểm tra đồng cho hay: Qua kiểm tra, có một số diện tích mạ bị bệnh đốm nâu, bà con đã tiến hành xử lý bằng các loại thuốc cần thiết. Huyện yêu cầu các địa phương tập trung theo dõi sát tình hình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, để cùng các biện pháp chăm sóc, thâm canh hợp lý, còn có thể phòng trừ các loại sâu bệnh hại một cách kịp thời.
Còn tại Đô Lương, người dân cũng đã tiến hành phun thuốc trừ cỏ trên đồng ruộng theo đúng hướng dẫn. Bà Nguyễn Thị Xuân (xóm 5, xã Lưu Sơn) vừa pha thuốc cỏ vừa kể: Mấy sào ruộng của gia đình bà vụ nào cũng rất nhiều cỏ, đợt này cũng vậy, lúa vừa được cấy xong 2 ngày nay nhưng cỏ đã bắt đầu có dấu hiệu mọc, nhất là cỏ kê, cỏ lác. “Năm ni cấy muộn hơn, trời ấm thuận lợi cho cây lúa phát triển nhưng cỏ cũng sẽ nhiều hơn”- bà Xuân cho biết. Năm nay sản xuất vụ xuân diễn ra trong điều kiện thời tiết ấm, nền nhiệt độ cao hơn nhiều năm, vì thế nên huyện Đô Lương đã có những điều chỉnh cần thiết trong lịch thời vụ để có thể đảm bảo cho lúa trổ trong khoảng thời gian từ 25- 30/4 là lúc có nền nhiệt độ cao, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, trong quy trình chăm bón cũng có những thay đổi phù hợp, một số vùng phải cho rút nước xuống để làm chậm quá trình sinh trưởng của cây lúa, tăng cường chăm bón tập trung để lúa đẻ tập trung và phát triển đồng đều.
Ngoài 3.000 ha lúa gieo thẳng tập trung ở các vùng có điều kiện thuận lợi hơn về nguồn nước và chăm sóc như Yên Sơn, Hòa Sơn, Thịnh Sơn, Văn Sơn... , còn lại tất cả các xã hai đầu huyện đều bắc mạ phủ nilon cấy đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời nghiêm túc chấp hành đúng thời vụ của huyện để đảm bảo cả lúa gieo và lúa cấy đều trổ đúng vào thời điểm xung quanh tiết lập hạ. Trước mắt, huyện đang tập trung điều tiết nước đầy đủ đảm bảo cho lúa phát triển tốt, chỉ đạo bà con bón thúc đợt 1 sau 15 ngày kể từ ngày cấy, đồng thời tiến hành phun thuốc trừ cỏ cho cây lúa. Riêng diện tích gieo thẳng, hiện người dân đang tập trung tỉa dặm kịp thời nhằm đảm bảo mật độ, tiến hành bón thúc đạm lần 1 để cây lúa phát triển tốt.
Năm nay, do được dự báo sẽ có một vụ xuân ấm, nên lịch thời vụ đã được ngành Nông nghiệp điều chỉnh phù hợp. Trừ một số ít diện tích ở vài huyện như Nam Đàn, Hưng Nguyên... được gieo cấy sớm, còn lại hầu hết các địa phương chỉ cấy trà lúa xuân sớm với những giống lúa có thời gian sinh trưởng 140 - 145 ngày từ trong tết, còn phần lớn diện tích lúa xuân được cấy sau Tết Nguyên đán. Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT, đến ngày 10/2, toàn tỉnh đã gieo, cấy được khoảng gần 80.000/88.000 ha, trong đó diện tích gieo thẳng khoảng 7.500 ha tập trung chủ yếu ở các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương,... Qua kiểm tra, cơ bản các địa phương thực hiện tương đối nghiêm túc lịch thời vụ và cơ cấu giống do Sở NN và PTNT đề ra.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật thì sâu bệnh hại đã phát sinh, gây hại trên các loại cây trồng. Bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại rải rác trên giống Xi23, Xi30, IR1820, thời kỳ mạ các xã Hưng Hòa, Hưng Dũng, Hưng Đông - TP.Vinh. Chuột phát sinh gây hại trên nhiều địa phương với tỷ lệ hại nơi cao 5-7%, cục bộ 15-20% dảnh bị hại. Ngoài ra, các đối tượng khác như bệnh thối mạ, châu chấu, rầy các loại, rệp xanh, tuyến trùng rễ, ốc bươu vàng... cũng đã phát sinh gây hại cục bộ ở mức độ nhẹ. Dự báo thời gian tới, trong điều kiện thời tiết đang ấm dần, xen kẽ các đợt không khí lạnh và độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại. Đặc biệt là trên các chân đất cát pha, thịt nhẹ gieo cấy các giống nhiễm như Xi23, BC15, IR1820, AC5, Thiên nguyên ưu, Khải Phong,... và trên những ruộng bón phân không cân đối, bón nhiều đạm. Những đối tượng khác như ốc bươu vàng, rệp xanh, rầy các loại, bọ trĩ, châu chấu, chuột, tuyến trùng... sẽ tiếp tục phát sinh gây hại cục bộ.
Ông Hồ Ngọc Sỹ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Vụ xuân là vụ sản xuất rất quan trọng, sau khi khép kín diện tích, các huyện cần tập trung chỉ đạo chăm sóc, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, giữ nước đều trên mặt ruộng, tránh tình trạng để lúa bị chết do thiếu nước nhưng cũng hết sức tiết kiệm... Đặc biệt, trước những diễn biến khó lường của thời tiết, cần thường xuyên kiểm tra, rà soát tình hình cây trồng chuẩn bị giống ngắn ngày dự phòng, phấn đấu có một vụ xuân thắng lợi.
Phú Hương