Hoàng Công Lương không nhận vô ý làm chết 9 bệnh nhân

Bảo Hà - Phạm Dự 16/01/2019 06:26

Lương khai sự cố y khoa tại Bệnh viện Hòa Bình có nguyên nhân do sửa chữa thiết bị, không liên quan việc điều trị của bị cáo.

Chiều 15/1, sau sáu bị cáo, Hoàng Công Lương (33 tuổi, cựu bác sĩ khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) bị gọi lên bục khai báo. Dáng gầy, bước đi chậm, nói nhỏ, bị cáo Lương nói sức khỏe không tốt song cố gắng đứng khai báo.

VKSND tỉnh Hòa Bình cáo buộc, Lương thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 nên biết cụ thể thời gian. Lương cũng là bác sĩ duy nhất trong đơn nguyên thận có đủ điều kiện chuyên môn ra y lệnh chạy thận.

Ngày 29/5/2017, Lương ký xác nhận vào y lệnh của hai bác sĩ còn lại để lọc máu cho 18 bệnh nhân. Ca chạy thận hôm đó xảy ra sự cố khiến 9 bệnh nhân tử vong. Do vậy, anh phải chịu trách nhiệm chuyên môn.

Lương bị xét xử về tội Vô ý làm chết người, theo điều 98 Bộ luật Hình sự 1999 với khung hình phạt 3-10 năm tù. Lương bị cáo buộc, phải biết nước sử dụng trong lọc máu đã đảm bảo chất lượng sau sửa chữa, bảo dưỡng thì mới được sử dụng để lọc thận. Tuy nhiên, khi chỉ nghe điều dưỡng viên nói hệ thống đã sửa chữa xong, anh đã ra y lệnh.

Hoàng Công Lương thường ngồi lặng lẽ ở hàng ghế đầu. Ảnh: Phạm Dự.

Tại tòa hôm nay, bị cáo khẳng định "không vô ý làm chết người", cho hay đã làm đơn khiếu nại vì không đồng ý với quy buộc của cáo trạng. Theo trình bày của Lương, sự cố chạy thận ngày 29/5/2017 có nguyên nhân do quá trình sửa chữa thiết bị. Vì thế, điều này không liên quan tới chuyên môn của bị cáo.

Trước việc Lương khai cuối năm 2010 được cử đi học lớp lọc máu cơ bản tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chủ tọa hỏi: "Có được dạy về xử lý nước lọc, ý nghĩa của nước trong lọc máu không?". Lương giải thích, khóa học có ba đối tượng gồm: bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Với đối tượng nào thì đào tạo chuyên môn sâu về lĩnh vực đó.

Chưa hài lòng với câu trả lời, thẩm phán truy vấn: "Trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước để đảm bảo cho lọc máu thuộc về ai?". Lương nói mình không phải chịu trách nhiệm.

"Theo bị cáo là ai?", thẩm phán lần thứ ba truy vấn về trách nhiệm đảm bảo nguồn nước - thứ có ý nghĩa sống còn với sinh mệnh của bệnh nhân chạy thận. Lương im lặng đôi phút và đề nghị HĐXX hỏi Phòng Vật tư về phân công trách nhiệm.

Lương giải thích, theo quy chế của bệnh viện chất lượng nước thuộc trưởng Khoa Lọc máu. Tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình do chưa có kỹ sư, nhân viên lọc máu ở đơn nguyên lọc máu nên trưởng Khoa Hồi sức tích cực không phải chịu trách nhiệm mà trách nhiệm thuộc kỹ sư Phòng Vật tư kỹ thuật y tế.

Lương chỉ thừa nhận, như bao cán bộ y tế của bệnh viện, anh ta biết thiết bị y tế phục vụ việc chạy thận được sửa chữa vào ngày 28/5/2017. Lương không có trách nhiệm phải biết quy trình sửa chữa là thế nào.

Sáng 29/5/2017, nữ điều dưỡng tên Điệp thông báo hệ thống "đã thông" và sử dụng bình thường. Chủ tọa ngắt lời, hỏi dồn dập: "Điều dưỡng viên Điệp có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước đã bàn giao sử dụng bình thường không? Có được phân công quản lý hệ thống lọc nước không? Ngoài chị Điệp, có trưởng, phó khoa thông báo về việc hệ thống lọc nước đã được vận hành không?".

Lương giải thích, Điệp là cán bộ đơn nguyên lọc máu nên ai cũng tin chị ấy nhận tin từ kỹ thuật viên Phòng Vật tư rồi thông báo lại. Trong tình huống đó, Lương chỉ cần thông báo bảo đảm chất lượng nước của Phòng Vật tư là đủ.

Lương dứt lời, chủ tọa chỉ ra rằng thực tế trưởng phòng vật tư khi ấy là Trần Văn Thắng, kỹ thuật viên Trần Văn Sơn, hay trưởng Khoa Hồi sức tích cực Hoàng Đình Khiếu, kể cả phó khoa Hoàng Công Tình đều không ai trực tiếp thông báo cho Lương về chất lượng nước chạy thận.

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn. Ảnh: Phạm Dự

Bị thẩm vấn trước Lương chiều nay, 3 bị cáo Đỗ Anh Tuấn (cựu giám đốc công ty Thiên Sơn), Bùi Mạnh Quốc (công ty Trâm Anh), Trần Văn Sơn đều có lời khai thể hiện việc sửa chữa hệ thống máy chạy thận vào ngày 28/5/2017 chưa hoàn thiện theo hợp đồng. Cụ thể, hạng mục lấy mẫu nước trong máy sau khi được sửa chữa đi xét nghiệm xem chưa được thực hiện. Biên bản bàn giao việc sửa chữa cũng chưa được 3 bên Phòng Vật tư - Khoa Hồi sức tích cực - Công ty Thiên Sơn thực hiện, nhưng máy đã được vận hành.

Đỗ Anh Tuấn khai Bệnh viện Hòa Bình ký hợp đồng thuê Thiên Sơn sửa chữa hệ thống máy lọc nước. Nhưng công ty này lại liên kết với bên thứ ba là Công ty Trâm Anh của giám đốc Bùi Mạnh Quốc để thực hiện. Trước đó, đôi bên đã nhiều lần hợp tác sửa chữa.

Bị cáo Tuấn khẳng định, chỉ khi nào có xét nghiệm nước, đủ điều kiện an toàn thì công ty mới bàn giao với bệnh viện. Hơn nữa, khi đã đưa mục xét nghiệm nước vào hợp đồng thì cả hai bên đầu nhận thức được mức độ nghiêm trọng của nước chạy thận. "Xét nghiệm đó rất tốn tiền, tại sao khi chúng tôi chưa bàn giao bằng bất kỳ hình thức nào mà bệnh viện lại đưa vào sử dụng như thế?", Tuấn đặt câu hỏi.

Giám đốc Thiên Sơn khẳng định, Bùi Mạnh Quốc là người giỏi, chăm chỉ, đã làm đúng trong hợp đồng.

Còn Bùi Mạnh Quốc lại khai không biết về hợp đồng giữa Thiên Sơn và Bệnh viện tỉnh Hòa Bình mà chỉ thực hiện theo báo giá giữa công ty mình với doanh nghiệp của Tuấn.

Bùi Mạnh Quốc. Ảnh: Phạm Dự.

Trong lần sửa chữa ngày 28/5/2017, Quốc khẳng định mình làm thông thạo như 12 năm kinh nghiệm vốn có. Với quy trình như vậy, ngay chiều 27/5/2017 Quốc sửa chữa tại bệnh viện ở Hà Nam mà không gặp sự cố gì.

Ngày 28/5/2017 do chưa thực hiện xong, Quốc hẹn cán bộ vật tư Trần Văn Sơn hôm sau quay lại lấy mẫu nước đi xét nghiệm. "Chiều 28 hẹn sáng 29 vào lấy mẫu nước nhưng 8h sáng 29 vào đã thấy hệ thống RO2 hoạt động. Bị cáo hỏi cán bộ tên Hằng thì người này nói không thấy ai bảo gì. Một lúc sau, sự cố xảy ra", Quốc nhớ lại về buổi sáng định mệnh.

Suốt quá trình trả lời thẩm vấn, Quốc liên tục vung tay, giải thích cặn kẽ từng thao tác kỹ thuật, tỏ ra rất thạo việc, tự tin vào chuyên môn. Dù vậy, cuối cùng bị cáo cũng thừa nhận đã có lỗi khi không can ngăn việc sử dụng hệ thống lọc nước vào sáng 29/5/2017.

Bị cáo Trần Văn Sơn (cựu kỹ sư Phòng Vật tư Bệnh viện tỉnh Hòa Bình) khai ngày 28/5/2017, được cử gặp Quốc đến liên hệ thực hiện sửa chữa. Như mọi lần bị cáo đến phối hợp, căn cứ báo giá để xem danh mục cần thực hiện. Nhưng kiểm tra xong, Sơn không giám sát như được giao mà bỏ đi không quay lại tới tận sáng hôm sau.

Trần Văn Sơn tại TAND Hà Nội vào chiều 15/1. Ảnh: Phạm Dự.

Sơn khai khoảng 18h30 ngày 28/5/2017 thấy Quốc gọi điện báo đã sửa chữa xong bèn bảo người đến khóa cửa. "Thế làm sao giám sát được nội dung Quốc làm theo báo giá?", tòa hỏi. Giọng trùng xuống, hai tay nắm lấy nhau, Sơn nói đó là lỗi của bị cáo khi không giám sát.

"Tại sao lúc đó không can ngăn đơn nguyên lọc máu dừng việc chạy thận", chủ tọa thẩm vấn. Sơn nhận lỗi song cho rằng không biết việc lấy mẫu nước lần đó có giống những lần trước không.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần hỏi của các luật sư. Trong hai ngày làm việc đầu tiên, hơn 20 luật sư luôn có mặt để theo dõi việc thẩm vấn.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
Hoàng Công Lương không nhận vô ý làm chết 9 bệnh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO