Hoàng Phủ Ngọc Tường: Biết là chia tay nhưng vẫn cảm thấy buồn

Phạm Phú Phong 26/07/2023 14:57

(Baonghean.vn) - Lòng cứ dặn lòng, rằng đừng có buồn, vì đời người ai sớm muộn gì rồi cũng phải đi, với riêng anh còn là bước đi thanh thản, thoát khỏi cơn đau dài mấy chục năm, nhưng sao lòng vẫn cứ buồn, buồn muốn cháy lòng, anh Tường ơi!

Cách đây gần hai mươi ngày (7/7/2023), tôi cùng các nhà văn, nhà thơ Võ Quê, Mai Văn Hoan, Meggie Phạm, Lê Vũ Trường Giang thay mặt cho Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế, vào thành phố Hồ Chí Minh dự lễ khâm liệm và tiễn đưa nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ về nơi an nghỉ cuối cùng. Hôm đó đã thấy sức khỏe anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đã gần như cạn kiệt, như ngọn đèn đã cạn khô dầu. Cháu Dạ Thi nói rằng: “Ba cháu yếu lắm rồi! Cháu cứ tưởng ba cháu sẽ đi trước, không ngờ lại là mẹ cháu...”.

Vậy là, cuộc ra đi của anh hôm nay đã được báo trước, không chỉ cách đây mấy chục ngày, mà còn báo trước cách đây 25 năm, khi anh bị tai biến một cách đột ngột vào năm 1998. Định mệnh đời người lạ lắm, ai rồi cũng có lúc phải chia tay trần thế, nhưng cuộc chia tay nào cũng buồn, cho dù là đã được báo trước một cách rõ ràng từ rất sớm, như trường hợp của anh.

img0543-1690278709079537892140.jpg
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một lần cà phê ngắm sông cùng gia đình. Ảnh: Gia đình cung cấp

Trong văn chương hiện đại, Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải là người xếp hàng đầu về số lượng, nhưng lại là người xếp hàng đầu về chất lượng. Anh chỉ kịp đính tên mình vào hai mươi tác phẩm, nhưng lại là người viết bút ký tài hoa bậc nhất, bên cạnh Nguyễn Tuân. Cuốn sách cuối cùng của anh là cuốn tinh tuyển bút ký hay nhất, lấy lại tựa đề tập sách thứ ba của anh là Ai đã đặt tên cho dòng sông (2010), trong lời đề tặng sách cho tôi (ngày 17/10/2010), anh ghi nét chữ run run rằng “tặng niềm thủy chung với Huế”. Không gian sông núi, hoa lá, nắng mưa làm nên chủ đề tập trung của tập sách này chủ yếu là Huế, là văn hóa Huế - một nền văn hóa liền mạch chảy xuyên suốt từ trong truyền thống quá khứ của vùng “phên dậu thứ tư”(Nguyễn Trãi) cho đến thắm đỏ trong máu và lửa trong chiến tranh và những hân hoan chiến thắng, có cả ưu tư trong những năm tháng hòa bình.

Với tư cách nhà văn, anh không phải là người duy nhất, nhưng chắc chắn là người số một, người viết nhiều nhất và hay nhất về khí hậu, đất đai, sông núi, thiên nhiên và con người xứ Huế. Dường như trong câu chữ anh viết ra luôn cô đặc đến mức sóng sánh chất Huế, anh xoáy sâu ngòi bút vào sông Hương, núi Ngự (Rất nhiều ánh lửa, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Sử thi buồn, Miền cỏ thơm, Hoa trái quanh tôi, Tuyệt tình cốc, Căn nhà của những gã lang thang), cũng có khi ngòi bút anh vươn xa đến Côn sơn, đến Quảng Trị quê xưa của anh (Thời ấu thơ xanh biếc, Hành lang của người và gió), lên đến đỉnh Bạch Mã (Ngọn núi ảo ảnh), hoặc những gian lao, buồn vui trong ký ức một thuở ở rừng núi chiến khu ("Diễm xưa” của tôi, Lý chuồn chuồn, Đời rừng, Rừng cười), nhưng đều gắn liền với không gian, cỏ cây và tâm thức con người xứ Huế.

Người viết không chỉ thể hiện sự am hiểu tường tận một trữ lượng đồ sộ về tri thức văn hóa và đời sống của con người, không chỉ tri ngộ mà còn hạnh ngộ có ý nghĩa nhân loại, có khả năng xây dựng những biểu tượng, huyền thoại hóa cỏ cây hoa lá, cho nó đời sống tâm hồn hằng cửu với nhân gian.

2.jpg
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ảnh: Gia đình cung cấp

Cái “tạng” văn chương của Hoàng Phủ thuộc về tâm cảm, về niềm đau trần thế, nỗi buồn mênh mông và cơn mê dài xuyên qua nhiều số kiếp. Anh có nói về niềm vui, nhưng niềm vui rất ngắn, chỉ dừng lại trong ý niệm, hoặc chợt lóe sáng lên chỉ như một nỗi hân hoan rồi nhanh chóng tắt ngấm đi trong đêm trường miên viễn.

Hiếm có một thế hệ / tình bạn nào sâu đậm như những tài năng chơi thân với nhau, thường lui tới căn nhà của những gã lang thang: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Đinh Cường, Bửu Ý, nhất là mối tương liên giữa Hoàng Phủ và Trịnh. Ngoài bút ký Như con sông từ nguồn ra biển, anh viết trên chiến khu năm 1971, có đến 10 bút ký khác viết sau khi Trịnh đã qua đời (2001), cũng có nghĩa là khi anh đã ngã bệnh vì tai biến (1998), phải nằm đọc cho người nhà ghi lại và đã từng in thành tập Trịnh Công Sơn-cây đàn Lya của Hoàng tử bé (2005).

Bằng sự am hiểu tâm tư đến tận cùng gan ruột và sự tài hoa về văn chương, Hoàng Phủ đã phân tích sự hình thành tư tưởng, quan niệm nghệ thuật, con đường Trịnh đến với phong trào sinh viên tranh đấu và điểm dừng của Trịnh cũng chỉ ở đây. Dừng ở đây, để Trịnh Công Sơn vươn đến đỉnh cao hơn là nhạc sĩ của tình yêu, của thân phận con người và hòa bình cho nhân loại. Không chỉ dừng lại ở Trịnh Công Sơn, mà thông qua Trịnh, tác giả còn phác thảo chân dung của cả một thế hệ trí thức ở miền Nam: Ngô Kha, Trần Quang Long, Lê Minh Trường, Đinh Cường, Bửu Ý… Mỗi người đều có một cuộc dấn thân, một ngã rẽ đường đời khác nhau, nhưng họ đều là những trí thức yêu nước.

Ngay cả đối với bản thân Hoàng Phủ, vào mùa hè năm 1966, Hoàng Phủ là ngòi nổ, là tiếng nói đanh thép xếp hàng đầu trong phong trào đấu tranh của trí thức, sinh viên, học sinh miền Nam, nếu chế độ Sài Gòn lúc ấy không tuyên bố đặt anh “ra ngoài vòng pháp luật” (bắt được là giết không cần xét xử) thì chưa chắc anh đã lên rừng kháng chiến. Ở lại nội thành, anh cũng là một trí thức yêu nước như bạn bè cùng thế hệ anh.

1.jpeg
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ảnh: Gia đình cung cấp

Mấy mươi năm qua, đã có không biết bao nhiêu khóa luận, luận văn cao học và cả luận án tiến sĩ nghiên cứu về anh, không biết có bao nhiêu công trình, bài viết của các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp đồng cảm với anh (và, tôi chợt nghĩ rằng, đã đến lúc cần phải có một sưu tập đầy đủ, cần có một cái nhìn về anh qua dư luận!). Sở dĩ như vậy, bởi vì Hoàng Phủ đã kiến tạo được một giọng điệu văn chương riêng cho mình, không giống ai. Giọng điệu văn chương của anh là cốt cách tinh thần của người Huế, là hệ thống triết mỹ và bản mệnh văn chương của đời anh.

Xuất phát từ tính mâu thuẫn mà thống nhất giữa các trạng thái tâm hồn, cảm xúc và thái độ ứng xử ấy, lại được chắt lọc từ những gì tinh túy, tích cực nhất của các trào lưu triết học hiện sinh, đã hình thành nên cảm quan nghệ thuật và giọng điệu văn chương đặc sắc: “tôi chào sông để ra đi với niềm hy vọng xa tít tắp”, “cầm theo trong bàn tay bấy nhiêu sương khói tháng năm”, “mùi hương trốn tìm của hoa trái”, “giống như nụ cười nhếch mép của thời gian”, “vườn là cuốn tự truyện viết bằng cây cỏ”, “nỗi buồn có tính chất chung thẩm”... Bản thân từng đơn vị như từ, cụm từ, câu dường như đã được nhà văn thổi hồn mình vào trong đó, trở thành sự sống, hằn nổi hình tượng, mang ý nghĩa nhân văn. Xâu chuỗi tất cả những sự kiện đông tây, kim cổ, những hình tượng đa màu, đa diện đó vào trong vóc dáng tâm hồn của một con người đa mang, đa đoan, bản thân nó làm nên một tiếng nói, một cách lập ngôn được xác lập ở đời: hình tượng tác giả sừng sững một nhân cách văn hóa nhân văn.

Hoàng Phủ không chỉ là người tài hoa về văn chương mà còn có kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực triết học, văn học, văn hóa, lịch sử, địa lý, tôn giáo, sinh vật học… Những miêu tả về cây cối, hoa trái có thể sánh ngang bất kỳ một luận án tiến sĩ chuyên ngành nào. Tất nhiên, từ sự dạt dào tài hoa và trữ tình trong bút ký mà Hoàng Phủ còn làm thơ, tuy không nhiều, nhưng thơ anh cũng có thể xếp ngang với những tác giả hay nhất cùng thời. Gần đây, khi nghiên cứu về văn chương xứ Huế, có dịp đọc lại anh, tôi mới hiểu một cách đầy đủ câu nói đơn giản mà thâm sâu của “đệ nhất võ lâm” thể ký Nguyễn Tuân, nói cách đây gần nửa thế kỷ: “Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường có “rất nhiều ánh lửa”.

Bây giờ có nói gì thì anh cũng đã ra đi. Nhớ lại những cuộc rượu suông thâu đêm suốt sáng, mà “đồ mồi” đôi khi chỉ là hóng nghe những câu chuyện anh nói, câu thơ anh đọc, tôi viết mấy dòng này kính cẩn nghiêng mình tiễn bước anh đi. Lòng cứ dặn lòng, rằng đừng có buồn, vì đời người ai sớm muộn gì rồi cũng phải đi, với riêng anh còn là bước đi thanh thản, thoát khỏi cơn đau dài mấy chục năm, nhưng sao lòng vẫn cứ buồn, buồn muốn cháy lòng, anh Tường ơi!

Mới nhất

x
Hoàng Phủ Ngọc Tường: Biết là chia tay nhưng vẫn cảm thấy buồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO