Hoàng Thị Diệu Thuần: Tái sinh từ những yêu thương

(Baonghean) - Cô gái ấy nói rằng đã từng kinh hãi hình ảnh của chính mình. “Có thời điểm tôi hệt như con quái vật Gollum trong “Chúa tể của những chiếc nhẫn” với vài sợi tóc lưa thưa, tay chân co quắp, nước dãi chảy thành dòng…” Nhưng hôm nay, ngồi trước mặt tôi đây là một cô gái trắng trẻo với đôi mắt tinh anh và nụ cười thật hiền. Giờ đây khi nghĩ về những ngày tháng mà bệnh viện là nhà và nỗi đau là bạn ấy thì cô chỉ muốn nói một điều rằng: xin tạ ơn cuộc đời.
Hoàng Thị Diệu Thuần 	(ảnh do nhân vật cung cấp)
Hoàng Thị Diệu Thuần (ảnh do nhân vật cung cấp).
Hoàng Thị Diệu Thuần (sinh năm 1987, tại Quỳ Hợp) là cô gái đã từng chiến đấu ròng rã suốt 7 năm trời với căn bệnh ung thư máu. Tháng 9/2012, sau lần ghép tế bào gốc thành công tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cô dần dần phục hồi sức khỏe. Hiện nay dẫu vẫn phải đến bệnh viện mỗi tháng một lần, nhưng nhìn chung mọi thứ đã trong chiều ổn định. Thuần đang là đạo diễn phim hoạt hình trong một công ty truyền thông tại Hà Nội. 
Hạnh phúc trong tận cùng đớn đau
7 năm tuổi trẻ của Diệu Thuần gắn liền với những phác đồ điều trị, những lần chọc tủy và các cơn đau. 7 năm tuổi trẻ ấy cô sống trong lằn ranh giữa sự sống và cái chết, trong những tận cùng đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Cô đã từng hụt hẫng biết bao nhiêu khi phát hiện căn bệnh quái ác đang nằm trong cơ thể mình. Hàng năm trời trong bệnh viện qua đi mà không có tiến triển gì, đặc biệt là trong 2 năm điều trị bằng thuốc điều trị đích (Gleevec) vẫn chỉ cho dương tính với tế bào ung thư. Đã có lúc Thuần đau đến chỉ muốn chết đi. Đã có lúc cô hoàn toàn mất hết niềm tin để chiến đấu...
Nhưng cũng chính trong những phút giây ấy, có những niềm hạnh phúc được khai sinh. Đó là khi xung quanh cô luôn tràn ngập tình yêu thương và sự sẻ chia từ gia đình, bè bạn, đặc biệt là từ hàng trăm con người mà cô chưa từng biết mặt, quen tên. “Kể làm sao hết những ơn huệ mà mình được nhận”. Thuần rưng rưng xúc động. Đó là một anh chàng từ nước Mỹ xa xôi không chỉ gửi tiền hàng tháng cho cô chữa bệnh mà còn bỏ công nghiên cứu tìm tòi để tìm ra được những phương pháp và thông tin bổ ích về căn bệnh ung thư máu. Hay là những ngày mở điện thoại ra là tràn ngập những tin nhắn động viên, những cuộc gọi hỏi thăm tình hình của bao người chỉ biết cô qua trang báo. Những lúc đó lòng cô như được vỗ về, an ủi, “có một điều gì đó như là động lực vươn lên với ánh sáng và những điều tốt đẹp của thế gian”.
Bằng nụ cười lấp lánh, Thuần cứ xúc động mãi không nguôi khi nhắc về một bác xe ôm đã từng lặn lội tìm đến căn phòng trọ của cô, dúi vào tay cô một tờ 200 nghìn với lời giải thích rằng chú cũng chẳng thể có nhiều hơn. Trong một góc Hà Nội chật chội, nhỏ hẹp với những cơn đau triền miên dai dẳng, cô đã cảm nhận rõ ràng về hai từ “hạnh phúc”. Khi con người ta chia sẻ với nhau bằng những điều thật nhất, động viên nhau bằng cả tấm chân tình, cô mới hiểu thấy yêu thương và nhân ái là một điều gì đó thật gần.
Hay như khi cô cầm trên tay phong bì chỉ toàn những tờ  2 nghìn, 5 nghìn của các em học sinh dành tặng, cô đã thấy trong mình lấp lánh những niềm vui. Đó là khi một giáo viên lúc biết chuyện của Thuần, trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa đã tổ chức cho các em học sinh của mình đến thăm và động viên cô. Những tờ tiền lẻ ấy chính là tiền ăn sáng mà các em dành dụm lại. Thuần có thể nói gì hơn ngoài hai từ biết ơn. Chính những sự yêu thương hồn nhiên và chân thành ấy đã nhen nhóm lên trong cô một niềm hạnh phúc lớn lao, xoa dịu nỗi đau thể xác, sự cô đơn và nỗi tuyệt vọng trong tâm hồn. 
Giờ đây cô đã được sống, được làm những điều mình thích vào mỗi sớm mai thì cô lại càng biết ơn những tình cảm thiêng liêng ấy. Sự sống hôm nay của cô chính là sự chắt chiu gom góp từ những yêu thương của mẹ cha, của cộng đồng, từ tình người thiêng liêng, từ những nhân hậu và bao dung trong cuộc đời. 
Học cách yêu thương và trân trọng 
Rồi cũng chính từ đó, người con gái bé nhỏ ấy lại tiếp tục trải dài tình yêu thương của mình đến những số phận bất hạnh khác. Cô dành tiền nhuận bút của cuốn sách “Như hoa hướng dương” – tập sách cô được Nhà xuất bản Đông Tây ấn hành để cho một cô em gái phải ghép tủy để duy trì sự sống. Cô cũng thường xuyên tham gia vào các hoạt động thiện nguyện khác, liên hệ với Khoa Nhi của bệnh viện để ủng hộ và giúp đỡ phần nào đó cho các em có hoàn cảnh khó khăn... 
Nhớ có lần, trong thời gian Thuần phải nằm trong viện điều trị, cạnh giường cô là một bé gái 9 tuổi đang chờ ghép tủy. Tuy nhiên, gia đình em lại vô cùng khó khăn, cha mẹ không thể trang trải được tiền viện phí. Hơn nữa sáng đó em bé lại phải chuyển sang Bệnh viện Nhi để khám kiểm tra. Nhìn những giọt nước mắt bất lực lăn trên khuôn mặt người mẹ ấy, cô đã xót xa vô cùng. Chẳng biết làm gì hơn, cô đành dốc hết toàn bộ số tiền trong túi đưa cho người mẹ ấy. Dẫu chỉ là 500 nghìn thôi nhưng đó là tất cả những gì cô có và là tất cả tấm chân tình. 
Những năm tháng đắng cay ấy cũng đã dạy cho cô cách trân trọng cuộc đời mình, cả những điều tốt đẹp lẫn đắng cay. Cô trân trọng những ngày tháng bệnh tật lẫn những ngày lành lặn hôm nay. Bởi có những ngày tháng ấy cô mới hiểu sự sống quý giá đến chừng nào.  Chỉ qua những năm tháng ấy, mới cho cô một đức tin mạnh mẽ về lối sống tử tế và bao dung giữa cuộc đời. 
Khi bác sỹ cho biết, quá trình điều trị với hàng loạt những hóa chất sẽ khiến cô phải đối mặt với nguy cơ không có khả năng sinh sản. Lòng cô đã buồn biết mấy. Cái thiên chức cùng điều hạnh phúc nhất của một người phụ nữ có thể suốt đời này cô chẳng một lần được trải qua. Dẫu có buồn là thế, nhưng trong ánh mắt ấy vẫn ánh lên một nét nhìn cương nghị bởi với cô, được sống đã là may mắn quá rồi. Cô trân trọng những ngày này làm sao cho hết, đâu có thể đòi hỏi cuộc đời ban cho mình quá nhiều cái ơn nữa mà thất vọng hay đong đếm thêm nỗi buồn. 
“Nỗi đắng cay đưa tôi thành thi sĩ”
Trước khi đổ bệnh, Diệu Thuần chưa từng làm thơ. Trong những ngày cơ thể đau đớn nhất là những ngày cô đến với thơ. Thơ với cô là một sự nương tựa, là nơi cô có thể thỏa lòng đối diện với chính cơn đau và nỗi buồn của bản thân: “Nhắm mắt lại là đêm, mở mắt ra cũng là đêm/ nhắm mắt lại là đau, mở mắt ra cũng là đau”. (Đau chân). “Con biết làm sao giấu kín nỗi đau/ Lòng dũng cảm chẳng giúp gì được cả/Con biết cậu sẽ đọc thơ con rồi gục ngã/ Nhưng tay con buồn làm sao viết nổi niềm vui (Thơ gửi cậu). 
Đã có lúc chính bản thân cô sợ rằng nỗi buồn ấy sẽ lây lan sang người đọc. Cô sợ người ta làm sao tiếp nhận nổi những tâm tư chất chứa nặng nề ấy. Nên vậy thơ cô đa phần viết xong chỉ để dành riêng cho mình, như là một thỏa mãn cảm xúc của chính bản thân.
Thơ cũng là nơi cô tự ru mình trong những ước vọng tình yêu, là nơi theo như chính cô đã nói rằng: “Là tôi tự huyễn hoặc cho mình một tình yêu”: Rung động/ Trong thân xác Người/ Em thấy mình mạnh mẽ nơi con tim/ Tức tưởi/ Ôm anh trong cõi huyền hoặc/ Tìm hơi ấm của đất/ Chỉ thấy lặng thinh”. Tự huyễn hoặc mình cũng là bởi cô khát yêu và khát sống, khao khát được đắng cay và hạnh phúc với tình yêu như bao người con gái khác. Đó là nỗi niềm rất đỗi phụ nữ mà cũng rất đỗi cảm thương.
Rồi trong những vần thơ nữ tính và đượm buồn ấy, chúng ta lại bắt gặp một nét kiên cường vươn lên đầy mạnh mẽ: “Con đường quẩn quanh với cơn say men gió/ Bởi hương em/Bởi hạnh phúc ngã nhào/ Kìa em/ Bước chân buồn dẫu sao/ Dẫu sao đừng chùng lại... (Bởi còn yêu). Để rồi, trong triền miên thuốc thang, hóa chất, cô vẫn thấy “một niềm vui lâng lâng giữa những vầng mây nhẹ”, “một tiếng cười nhảy nhót trên lưng chim”, “một mùa sang lấp la lấp lánh”…
Ngoài viết thơ, cô còn viết tự truyện. Sau cuốn sách “Như hoa hướng dương” đã được Nhà xuất bản Văn hóa Đông Tây phát hành, cô đã hoàn thiện xong cuốn sách mới. Cuốn sách mới có tựa đề “Muôn ánh mặt trời” như là lời tri ân cho những ơn huệ cô mang trong cuộc đời. Cuốn sách ấy là những chặng đường cô đã từng đi qua, đắng cay nước mắt, niềm vui cùng những niềm hạnh phúc. Lấy tên “Muôn ánh mặt trời”, cô giải thích, nếu mọi người gọi em là một đóa hoa hướng dương thì chính tình yêu thương và tấm lòng nhân hậu của mọi người là nguồn sống cho đóa hoa hướng dương ấy. 
Trong khổ đau đã bừng nở hạnh phúc, trong cái chết đã tái sinh một sự sống diệu kỳ. Và chúng ta đã học từ cô gái bé nhỏ kia sự kiên cường mạnh mẽ, còn với chính cô ấy, sau những giông gió cuộc đời lại học được cách yêu thương, sẻ chia và trân trọng.
Vinh - Hoa

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.