Học cách sống chung với đại dịch Covid-19

Kiều Anh 11/02/2021 10:01

Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan sau hơn 1 năm bùng phát khiến thế giới nhận ra rằng, điều chúng ta cần làm không phải là xóa sổ, mà là học cách sống chung với nó.

Khi nào đại dịch Covid-19 kết thúc? Đó có phải là khi cuộc sống của chúng ta quay lại bình thường? Đó có phải là khi thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng? Hay đó là khi dịch bệnh bị đánh bại, khi mà bệnh nhân cuối cùng được chữa khỏi và dịch bệnh này chỉ còn là cái tên trong những cuốn sách lịch sử?

Ảnh minh họa: Getty
Ảnh minh họa: Getty

Covid-19 trở thành cơn ác mộng dài

Cho tới nay, virus SARS-CoV-2 đã khiến hơn 100 triệu người trên thế giới mắc bệnh và hơn 2 triệu người tử vong. Các biến thể mới của virus với khả năng lây lan cao hơn đang lan rộng trên khắp thế giới. Mặc dù các loại vaccine với hiệu quả cao được phát triển và được triển khai trong thời gian kỷ lục nhưng vẫn cần rất nhiều nỗ lực để tiêm chủng cho đủ số dân trên thế giới nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng. Tại nhiều quốc gia đã tiếp cận được vaccine, công tác hậu cần và sự ngần ngại tiêm vaccine đã gây ra những trở ngại lớn trong khi ở những nước đang phát triển, thậm chí có những nơi còn hoàn toàn chưa thể tiếp cận vaccine.

Hiện đã có và có thể sẽ còn có các câu chuyện thành công trên toàn cầu về cuộc chiến chống Coivd-19. Israel đã tiêm chủng vaccine Covid-19 cho một lượng lớn dân số, đủ để bắt đầu lên kế hoạch về một viễn cảnh hậu miễn dịch cộng đồng. New Zealand cũng đã dập dịch thành công nhờ các biện pháp phong tỏa trong nước và việc kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Australia và một số nước châu Á cũng đã sử dụng các phương pháp tương tự để kiềm chế mạnh mẽ sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, tại những nơi như Mỹ, virus này vẫn lan rộng và việc xóa sổ nó vào thời điểm này là một mục tiêu khó có thể đạt được. Các chuyên gia cho rằng Covid-19 có thể trở thành một bệnh dịch xuất hiện thường xuyên song sẽ không diễn ra khốc liệt như năm ngoái. Điều đó không có nghĩa là virus sẽ xuất hiện ở mọi nơi mọi lúc nhưng nó sẽ không biến mất hoàn toàn.

Thách thức ở Mỹ nói riêng và thế giới nói chung hiện nay có lẽ không phải là xóa sổ virus SARS-CoV-2 mà là học cách sống chung với nó.

Covid-19 là một dịch bệnh mới và không có một lộ trình rõ ràng nào để dự đoán trước tương lai của nó. Không ai biết thế giới mất bao lâu để đạt được miễn dịch cộng đồng hay liệu chúng ta có thể đạt được điều đó hay không nếu virus biến chủng nhanh hơn việc điều chỉnh vaccine. Hoặc nếu một lượng lớn dân số thế giới lựa chọn không tiêm vaccine, cánh cửa này có lẽ cũng sẽ "đóng sầm" lại.

Hiện nay, cần tới 70% dân số thế giới tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây là một mục tiêu xa vời bởi cho tới nay, Mỹ cũng mới chỉ có 8% dân số được tiêm vaccine.

Rõ ràng dịch Covid-19 sẽ dễ đối phó hơn nếu ngày càng có nhiều người được tiêm vaccine khiến cho tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng chậm lại hoặc ngừng hẳn.

Bất chấp khởi đầu chậm chạp trong việc phân phối vaccine ở Mỹ, "nếu chúng ta tiêm vaccine một cách hiệu quả vào tháng 4,5,6,7,8, chúng ta sẽ đạt được một mức độ bảo vệ nào đó để phần nào quay lại cuộc sống bình thường" vào mùa thu, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm nhận định hồi tháng 1.

Dù vậy, ngay cả khi Mỹ thực hiện đúng tiến độ tiêm vaccine thì vẫn có khoảng cách trong việc bảo vệ các nhóm dân số trước đại dịch Covid-19. 2 vaccine hiện được thông qua ở Mỹ là Pfizer và Moderna đều có hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa dịch bệnh nhưng có một lượng nhỏ những người mà vaccine không có hiệu quả với họ. Hiện cũng chưa rõ nếu được tiêm vaccine thì người này có thể lây nhiễm virus cho những người khác hay không. Ngoài ra, sẽ luôn có một số người lựa chọn không tiêm vaccine hoặc họ không thể tiêm vaccine. Hơn nữa, trẻ em dưới 16 tuổi chưa đủ điều kiện để tiêm vaccine. Điều đó tức là virus SARS-CoV-2 vẫn có thể lây lan ở những người trẻ cho tới khi các nhà sản xuất vaccine hoàn thành các nghiên cứu trên trẻ em mà họ hy vọng sẽ đạt được vào năm nay.

Saskia Popescu, trợ lý giáo sư tại Đại học George Mason nhận định Mỹ không thể xóa sổ đại dịch Covid-19 trong tương lai gần. New Zealand, một quốc đảo với 5 triệu dân sẽ dễ dàng kiểm soát dịch Covid-19 hơn một trung tâm di chuyển toàn cầu như Mỹ với 330 triệu dân sống ở 50 bang và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, ngay cả khi việc xóa sổ dịch bệnh là một tương lai xa vời thì "tôi nghĩ chúng ta có thể đạt tới giai đoạn làm giảm sự lây lan của virus", Sandro Galea, người đứng đầu Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Boston cho hay.

Sống chung với đại dịch Covid-19

Một số biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hiện nay, chẳng hạn như đeo khẩu trang ở nơi cộng cộng vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện trong suốt năm 2021 trong khi những biện pháp quyết liệt hơn như đóng cửa trường học, lệnh ở nhà có thể sẽ chỉ mang tính tạm thời và diễn ra ở những khu vực cụ thể. Nếu số ca mắc ở một khu vực nào đó tăng vọt, các cơ quan y tế công cộng có thể sẽ sẵn sàng phản ứng bằng các chiến dịch xét nghiệm và tiêm vaccine, chuyên gia Popescu đánh giá.

Với sự xuất hiện của một số biến thể đáng lo ngại, Jonna Mazet, giáo sư về dịch tễ học tại Đại học California cho rằng Mỹ cần thiết lập một hệ thống giám sát mạnh mẽ nhằm theo dõi các biến thể mới của virus. Điều đó tức là những du khách trong tương lai đến Mỹ sẽ phải được xét nghiệm trước khi nhập cảnh hoặc các công ty và bệnh viện lớn sẽ phải thường xuyên xét nghiệm cho các nhân viên hoặc bệnh nhân của họ để theo dõi sự xuất hiện của các biến thể mới trong dân số.

Nếu các đột biến đáng lo ngại tiếp tục xuất hiện, các nhà sản xuất vaccine sẽ phải điều chỉnh công thức của họ. May mắn là công nghệ mRNA được phát triển trong vaccine của Pfizer và Moderna khiến họ chỉ mất vài tuần để điều chỉnh vaccine. Các mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ sử dụng trình tự gen của virus để dạy cho cơ thể cách tạo ra các protein có thể tạo nên phản ứng miễn dịch. Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Maria Van Kerkhove cho biết, vaccine có thể được điều chỉnh cho từng khu vực địa lý nhất định phụ thuộc vào việc virus biến chủng như thế nào và ở đâu.

Điều đó đã cho thấy các nước giàu cần tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển tiếp cận vaccine bởi thậm chí nếu một quốc gia đạt được miễn dịch cộng đồng, tình trạng này có thể bị đe dọa bởi các đột biến mới trong virus xuất hiện ở các khu vực chưa được tiêm vaccine rộng rãi.

Tin tốt là chúng ta đã biết cách sống chung với đại dịch Covid-19, giống như cúm mùa và cảm lạnh thông thường. Những dịch bệnh này không vô hại - bệnh cúm đã ảnh hưởng đến hàng triệu người và khiến hàng chục nghìn người tử vong ở Mỹ mỗi năm, nhưng chúng ta đã biết cách để giảm tối đa tác động của nó.

Trên thực tế, các mũi tiêm phòng cúm không thể bảo vệ hoàn toàn cũng như không được sử dụng rộng khắp nhưng Mỹ đã tìm được các biện pháp không chế dịch bệnh này. Ngoài việc hàng triệu người được tiêm vaccine mỗi năm thì Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh cũng có một hệ thống giám sát được thiết kế để theo dõi các chủng virus cúm đang lây lan ở đâu và như thế nào nhằm đưa ra các biện pháp phòng ngừa cụ thể, chẳng hạn như đóng cửa trường học tạm thời. Mọi người cũng đã quen với các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh trong suốt mùa cúm.

Trong khi các loại vaccine Covid-19 cần phải được điều chỉnh hàng năm thì các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh này gần như không thay đổi. Một hệ thống giám sát là cần thiết để theo dõi các biến thể mới.

Ngoài ra, khoảng 50% các nhà điều hành cho biết họ có kế hoạch yêu cầu những người lao động không làm việc từ xa phải được tiêm vaccine trong khi các đám cưới và các bữa tiệc nếu muốn được tổ chức thì những người tham dự cũng phải được tiêm vaccine. Một số quốc gia, trong đó có Anh đang thí điểm việc sử dụng "hộ chiếu miễn dịch", vốn xác định ai là người đã hồi phục sau khi mắc Covid-19 và cho phép họ đi lại tự do.

Mặc dù trên bề mặt, các hệ thống này có vẻ có hiệu quả nhưng theo giáo sư Nicholas Evans tại Đại học Massachusetts, việc sử dụng hộ chiếu miễn dịch không phải lúc nào cũng hiệu quả. Việc yêu cầu bằng chứng để có thể đi lại quốc tế khiến một số người không tuân theo hệ thống ưu tiên tiêm vaccine và nguy hiểm hơn là cố ý mắc bệnh để đạt được miễn dịch tự nhiên.

Người dân vùng cao cũng ý thức cao về phòng, chống Covid-19. Ảnh tư liệu: Đình Tuân

Một giải pháp hiệu quả hơn theo các chuyên gia là đầu tư vào hệ thống y tế công cộng, vốn bị phớt lờ trước đại dịch Covid-19, để từ đó cải thiện khả năng ngăn ngừa, phản ứng và đối phó với dịch bệnh này cũng như các dịch bệnh khác.

"Chúng ta cần đầu tư vào việc xây dựng một đất nước khỏe mạnh hơn, vì thế khi có một loạt virus khác xâm nhập, chúng ta sẽ không rơi vào thế bị động như với virus SARS-CoV-2”, chuyên gia Galea cho hay.

Khi Covid-19 đã trở thành một dịch bệnh phổ biến, điều đó tức là các quốc gia nên đầu tư vào các trung tâm xét nghiệm trên toàn quốc để các chuyên gia có thể xác định cũng như phản ứng khi các ổ dịch và các biến thể mới xuất hiện.

Việc sống chung với đại dịch Covid-19 sẽ cần sự hợp tác ở mọi cấp độ và mọi lĩnh vực, dù là trong việc tiêm phòng và phân phối vaccine hay việc đeo khẩu trang, xét nghiệm thường xuyên, theo dõi tiếp xúc hoặc việc tuân thủ các chỉ dẫn của các nhà chức trách y tế.

"Trong khi virus tìm cách thích nghi với vật chủ thì chúng ta cũng sẽ tìm cách thích nghi với virus”, Steven Taylor, tác giả cuốn The Psychology of Pandemics (tạm dịch là Tâm lý trong các đại dịch) cho biết.

Dù chúng ta thoát khỏi đại dịch Covid-19 vào thời điểm nào thì khái niệm của từ "bình thường" sẽ không còn được hiểu giống như năm 2019 nữa. Tuy nhiên, nếu chúng ta rút ra được những bài học vô giá từ đại dịch này, chúng ta có thể hướng tới một thế giới khỏe mạnh hơn và quan tâm đến các vấn đề y tế công cộng nhiều hơn./

Theo vov.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Học cách sống chung với đại dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO