Học để tạo giá trị

Tôi vẫn hay nói chung chung rằng: Ở Việt Nam, 70% đàn ông coi như vứt đi, chỉ 30% còn lại có thể tạm dùng để làm chồng, làm bố; trong khi đó, 90% phụ nữ có thể làm vợ, làm mẹ, chỉ 10% còn lại có một số lý do mà không thể làm vợ, làm mẹ. Do vậy, việc phụ nữ khó lấy chồng hoặc single mum là bình thường, vì lấy đâu ra đủ đàn ông tốt để làm chồng, làm bố cho tử tế?

Tại sao vậy? Với văn hóa và giáo dục hiện nay ở Việt Nam, người con gái lúc sinh ra đều có mục tiêu sống, ít nhất họ có một mục tiêu là: sau này sẽ làm một người vợ tốt, người mẹ tốt. Họ suy tư về mục tiêu đó, học cách thực hiện mục tiêu đó, thế là đủ.

Còn con trai đa số đều không được dạy trong gia đình/nhà trường cách thiết lập ước mơ/mục tiêu của cuộc đời. Các cậu bé chỉ được dạy là: cố học cho giỏi, ra trường kiếm việc làm để kiếm sống.

Những cậu bé nhà nghèo thì mong thoát nghèo nên cũng cố học để hy vọng sau này có cuộc sống tốt hơn bố mẹ mình. Nhưng sau khi ra trường có việc làm, kiếm được chút thu nhập hơn bố mẹ mình, thì những chàng trai này chẳng biết làm gì (không phải tất cả) tiếp theo, chỉ biết hàng ngày đi làm nhận đồng lương không nhiều, khó có thể cưới vợ, sinh con và cho gia đình mình một cuộc sống ấm no.

Những đứa trẻ nhà nghèo khác học hành không giỏi giang thì chán nản, vô vọng, bị bạn bè lôi kéo dẫn đến có thể sa đà vào các tệ nạn xã hội, trộm cướp, buôn bán ma túy…

Những cậu bé nhà giàu thì được bảo bọc trong nhung lụa, thấy được với tài sản thừa kế từ bố mẹ tha hồ sống nốt phần đời còn lại nên cũng bị mất ý chí phấn đấu, nhàn cư vi bất thiện, hoặc là sống vô hồn, hoặc là sống hưởng thụ vô lối, sa đà vào các tệ nạn xã hội như đi bar, nhậu nhẹt, gái gú, thuốc lắc…

Tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người có con đang học ở Mỹ. Họ nói với tôi rằng, các con được các trường học, các giáo viên Mỹ dạy rằng: Học sinh học để: 1- Tạo giá trị, 2- Thay đổi thế giới. Học sinh Mỹ phải là người dẫn dắt thế giới (global leader).

Tạm thời bỏ qua mục tiêu thay đổi thế giới, dẫn dắt thế giới to tát của người Mỹ thì mục tiêu TẠO GIÁ TRỊ – Value Creation đang ngày càng phổ biến trong giáo dục của đa số các nước trên thế giới. Các gia đình/trường học ở nhiều nước đều dạy con em mình là: Con muốn làm gì thì làm, học gì thì học, cuối cùng con phải đạt được mục tiêu: Tạo ra giá trị gì đó cho cộng đồng, nghĩa là con phải góp phần vào việc tạo ra sản phẩm/dịch vụ gì đó mà cộng đồng cần, đáp ứng nhu cầu của họ.

Đứa trẻ sẽ được hướng dẫn hoặc tự mình suy nghĩ để lựa chọn con đường TẠO GIÁ TRỊ phù hợp nhất với nó, phù hợp với đam mê, với tố chất, với những đặc điểm bẩm sinh.

Gia đình/Nhà trường tạo điều kiện cho đứa trẻ được trải nghiệm, thử nghiệm nhiều môn học, nhiều lĩnh vực, nhiều môi trường khác nhau để đứa trẻ tự mình lựa chọn lĩnh vực nào, môi trường nào phù hợp nhất với bản thân và quan trọng là kích thích được sự hứng thú, niềm đam mê bên trong đứa trẻ.

Sau khi đã lựa chọn, đứa trẻ sẽ dần dần học tập, rèn luyện, trải nghiệm để nâng cao năng lực bản thân nhằm đáp ứng mục tiêu đã đề ra.

Vì mục tiêu là TẠO GIÁ TRỊ, thứ cộng đồng cần cho nên ngay khi cộng đồng sử dụng GIÁ TRỊ đã tạo ra, cộng đồng lập tức trả tiền về cho người tạo giá trị. Giá trị càng được sử dụng nhiều thì tiền chảy về càng nhiều.

Như vậy TẠO GIÁ TRỊ là mục tiêu nhưng SỐ TIỀN CHẢY VỀ là thước đo cho giá trị bạn đã tạo và được cộng đồng chấp nhận, sử dụng.

TẠO GIÁ TRỊ là Nhân, còn SỐ TIỀN CHẢY VỀ là Quả. Người có hiểu biết sẽ tập trung vào việc tạo Nhân, còn Quả có được sẽ do Nhân đã tạo sinh ra. Bạn tạo giá trị càng nhiều, càng nhiều người sử dụng thì bạn càng trở nên giàu có và không sức mạnh nào ngăn cản nổi sự giàu có của bạn trừ khi bạn cho đi tài sản của mình.

Điều này giải thích tại sao những người cứ chạy theo việc kiếm tiền thì chả kiếm được bao nhiêu, trong khi nhiều người giàu, siêu giàu lại càng giàu hơn. Bởi vì những người giàu, siêu giàu đó quan tâm và tập trung vào việc TẠO GIÁ TRỊ, họ liên tục tư duy và tìm cách sao cho giá trị tạo được ngày càng nhiều, càng nhiều người sử dụng giá trị của họ./.