Học ngoại ngữ phải học cả văn hóa nữa

Jesse Peterson 25/03/2019 09:39

(Baonghean.vn) - Ở Việt Nam gần 10 năm, tôi thấy hầu hết người Việt không thực sự học cách sử dụng ngôn ngữ Anh trong lúc họ học tiếng Anh. Chính vì vậy mà khi nói chuyện với người Việt đôi khi cảm thấy rất khó chịu.

Lúc còn ở Thái Bình, tôi đã phải học rất nhiều thứ khác ngoài tiếng Việt mới có thể giao tiếp được, phải đưa hai tay khi người lớn tuổi hơn đưa đồ vật cho, dùng đúng đại từ xưng hô, sau khi cụng ly phải bắt tay và chúc sức khỏe... Rất nhiều điều.

Không phải những phép lịch sự khi nói chuyện khó học. Ngày trước khi viết tiếng Việt, người Việt đọc cảm thấy khó hiểu. Không phải vì sai ngữ pháp hay sai chính tả, mà là vì cách tôi sử dụng tiếng Việt không phù hợp với cách người Việt Nam suy nghĩ.

Một ngôn ngữ có rất nhiều cách nói, không ai nói chuyện giống nhau cả. Từ vựng tôi chọn khi nói chuyện sẽ khác một chút về tỷ lệ so với bố mẹ hay bạn bè tôi. Vì rõ ràng, tôi có nhiều kiểu bạn bè khác nhau, chúng tôi đọc sách và xem những thể loại phim khác nhau, trải nghiệm cuộc sống cũng hoàn toàn khác nhau.

Khi bắt đầu viết bằng tiếng Việt, tôi hay dịch suy nghĩ của mình từ tiếng Anh sang tiếng Việt, mà hai ngôn ngữ này không thể dịch chính xác tuyệt đối được, quy tắc ngữ pháp đối lập, nhiều từ đa nghĩa, nhiều khái niệm trong văn hóa cũng khác nữa. Để có thể ngồi đây viết những dòng này, tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để hiểu cách suy nghĩ của người Việt và cách viết tự nhiên như họ.

Nhiều từ tiếng Đức tôi rất thích nhưng trong tiếng Anh không có:

“Depaysement” từ tiếng Pháp, giải thích cảm giác khi mình là người nước ngoài, không được ở nước mình.

“Mokita” từ bằng tiếng Kivila, nghĩa là một sự thật mà mọi người đồng ý không bàn về nó nữa.

“Sisu” tiếng Phần Lan, ghép nhiều nghĩa với nhau, pha trộn giữa sự kiên cường, bền bỉ, quyết tâm, thay vì chỉ can đảm nhất thời, diễn tả một sức mạnh tâm lý phải làm một điều gì đó bất chấp hậu quả.

Xem những từ, những khái niệm được xây dựng trong ngôn ngữ, thì mình có thể hiểu rằng chỉ học từ vựng và ngữ pháp thôi chưa đủ để hiểu cách nói chuyện một ngôn ngữ khác.

Tôi nhớ khi còn nhỏ, mẹ luôn nghiêm khắc dạy tôi, phải luôn nhớ từ please (xin vui lòng), thank you (cám ơn), you’re welcome (không có chi), excuse me (xin lỗi tôi làm phiền bạn chút) sorry (xin lỗi).Phải luôn nhớ bằng không sẽ bị đòn ngay. Mẹ dạy em trai và tôi như thể đang luyện tập đi lính, nói đi nói lại, tôi bị mắng hoài.

Còn nhớ lúc đó tôi bực mình lắm, nhưng giờ tôi hiểu và cảm thấy biết ơn mẹ vì điều đó. Bà ngoại tôi đến từ nước Anh, lúc ấy nước Anh vẫn còn là một đế quốc, vẫn còn là trái tim của phương Tây. Cách ngồi khi ăn uống, cách nói chuyện, cách nói lời chào và tạm biệt (đặc biệt là với khách hàng, cách mặc áo, đúng hẹn, cười khi nói chuyện, nhận lỗi càng nhanh càng tốt khi mình sai…). Tất cả đều là từ văn hóa và nó vô cùng nghiêm túc,

Ở Việt Nam gần 10 năm, tôi thấy hầu hết người Việt không thực sự học cách sử dụng ngôn ngữ Anh trong lúc họ học tiếng Anh. Chính vì vậy mà khi nói chuyện với người Việt đôi khi cảm thấy rất khó chịu. Có rất nhiều trải nghiệm nhưng tôi chỉ tiện kể 1 ví dụ làm tôi nhớ mãi,

Gần đây tôi mới xuất bản cuốn sách thứ 2, nên có một vài chương trình trên ti vi để quảng cáo. HTV mời tôi đến trường quay, một tòa nhà có kiến trúc đồ sộ, vô cùng sang trọng. Tôi bước vào thấy rất nhiều người mẫu, diễn viên, họ mặc đồ rất đẹp và đắt tiền. Nhìn lại mình toàn từ trên xuống dưới toàn là đồ second hand. Tôi làm rất nhiều chương trình liên tục gần 3 năm, hơn nữa tôi chỉ tập trung viết lách, thì không đủ chi phí để mua quần áo mới mỗi lần lên sóng được. Vậy nên ở đây làm tôi có cảm giác hơi lạc loài so với mọi người.

Tôi ngồi một góc đợi HTV xuống sảnh dẫn tôi lên. Mà khi lễ tân thấy tôi, không phù hợp làm người mẫu hay vì tôi trông quá khác người hay sao, không biết. Cô nói bằng tiếng Anh, giọng rất to và dữ:

“Sir, go outside! (Bạn, đi ra ngoài).

Cô không cười, cũng không giải thích lý do tại sao và không nói kèm từ “please”.

Tôi hiểu, đúng là tôi nhìn không phù hợp với môi trường, tôi ra ngoài nhắn tin cho HTV.

“Lễ tân đuổi tôi ra ngoài. Giờ phải làm gì?”.

“Không sao, anh Jesse cứ lên tầng 9 đi, trên đó có quán cafe”.

Tôi không muốn đi qua lễ tân đó nữa, dữ lắm. Mà làm với HTV là một cơ hội lớn cho tôi, tôi vào sảnh tòa nhà và cố gắng đi bộ thật nhanh, chen vào đoàn người để cô ấy không thấy tôi.

“Sir! SIR! SIR! WHERE ARE YOU GOING?” (Bạn ơi, bạn đi đâu? BẠN ƠI!)

“I’m going to the 9th floor” (Tôi đi tầng 9).

Rồi tôi cứ thế bước vào thang máy. Cô chạy thật nhanh chặn cửa lại, tôi mắc cỡ vì có nhiều người trong thang máy đang đợi.

Lúc này, nhiều người lạ bắt đầu bước nhưng cô lễ tân chỉ quan tâm về tôi. Hơn nữa, tôi lại thấy rất mệt vì kiểu nói tiếng Anh bất lịch sự ngay từ đầu như vậy, nên tôi không muốn giúp cô ấy gì hết.

“Where are you going?” (Bạn đi đâu?).

“I’m going to the cafe” (Tôi lên quán café).

“Why you go?” (Sao bạn đi?).

“I want to dink cafe” (Tôi muốn uống café).

Lúc này tay cô vẫn chặn cửa thang máy, chắc cảm thấy phiền mọi người nên cô quyết định vào thang máy luôn. Tôi cảm thấy không thoải mái lắm, đặc biệt vì xíu nữa tôi phải quay hình trên ti vi, bị stress là khán giả sẽ biết ngay.

Tôi nói: “Please, I don’t want to talk to you”. Xin làm ơn, tôi không muốn nói chuyện với bạn.

“Who you meet?” (Bạn gặp ai?).

“My friend” (Bạn tôi).

Cứ thế, hàng tá những câu hỏi cộc lốc.

Đến khi thang máy mở cửa, tôi nhanh chân bước vào quán cafe, đi thẳng đến chỗ quay chương trình. Cô vẫn chạy theo sau. Bạn tôi làm ở HTV ra đón, ngạc nhiên hỏi cô lễ tân:

“Sao? Có vấn đề gì vậy em?”

“À không có, chỉ là em thấy ông ấy đi một mình, nên em thấy tội nghiệp”. Cô cười, mặt tỏ vẻ ngây thơ.

Tôi đứng hình vài giây. Sao cô ấy có thể nói dối dễ dàng như vậy, không nói xin lỗi.

“Xạo nha!”. Tôi nói bằng tiếng Việt, xem cô phản ứng. Mà không, cô vẫn cười tươi tắn, bỏ qua lời tôi và quay vào thang máy trở xuống làm việc.

Đó chính là vấn đề của cô ấy, và cũng là của rất nhiều người khác. Khi học tiếng Anh, họ quên không cả “etiquette” – phép lịch sự văn hóa của người nói tiếng Anh. Tôi thấy rất nhiều trung tâm ngôn ngữ chỉ tập trung về từ vựng, ngữ pháp, IELTS,… Và họ không có giáo trình rõ ràng về cách học nói theo văn hóa tiếng Anh nữa. Họ có thể học rất giỏi tiếng Anh, điểm TOIEC rất cao, nhưng nói chuyện với tôi mà thiếu “etiquette” thì tôi thật sự mất hứng không muốn nói chuyện nữa.

Mới nhất

x
Học ngoại ngữ phải học cả văn hóa nữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO