Học sinh Nghệ An cấp tập ôn thi lớp 10 trong lo lắng
(Baonghean.vn)- Thời điểm này, giáo viên và học sinh lớp 9 ở Nghệ An đang cấp tập ôn thi vào lớp 10. Hầu hết các em đều lo lắng vì đề thi tổ hợp...
Hồ Sỹ Dũng - lớp 9A - THCS Hưng Dũng - TP Vinh
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020, em cảm thấy lo lắng. Như môn Ngữ văn, các năm trước đề ôn thi giới hạn chỉ trong 1 học kỳ nhưng năm nay lại giới hạn cả 2 học kỳ nên khối lượng kiến thức ôn tập nhiều hơn.
Riêng môn Lịch sử, do lượng kiến thức rộng ( lớp 6 đến lớp 9) với nhiều mốc thời gian cần nhớ cũng khiến em cảm thấy áp lực. Bên cạnh đó, em còn yếu môn Hóa học nên phải luyện tập thêm nhiều.
Để chuẩn bị cho kỳ thi, ngoài học chính ở trường, lịch học của em kín hết cả tuần, từ thứ Hai cho đến Chủ nhật với 12 buổi ôn thi cho 5 môn thi Toán, Văn, Sử, Ngoại ngữ, Hóa học. Mỗi ngày em thức dậy từ 6 giờ đi học, học thêm, làm bài tập đến khoảng 23 giờ rưỡi mới lên giường ngủ. Nhưng đến thời điểm hiện tại, em nghĩ mình mới chỉ được khoảng tầm 7/10 điểm.
Cô giáo Lê Thị Ngọc Anh - Giáo viên Tiếng Anh - THCS Hưng Dũng - TP Vinh
Đây là năm thứ hai Nghệ An áp dụng bài thi tổ hợp cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, là một giáo viên Tiếng Anh, tôi thấy đề thi minh họa mà Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra năm học 2019 - 2020 không có gì thay đổi so với năm 2018 - 2019.
Theo như kết quả của các em học sinh tham gia thi tuyển sinh 2018 - 2019 thì các em đều hoàn thành tốt phần thi Tiếng Anh.
Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng đề thi tổ hợp với 5 môn thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và Hóa học đang tạo một gánh nặng, khiến các em học sinh cảm thấy áp lực. Tất nhiên sẽ có những người cho rằng “chỉ có 20 câu trắc nghiệm Tiếng Anh, 15 câu trắc nghiệm Lịch sử hay 15 câu trắc nghiệm Hóa học thì không quá khó”… Nhưng cũng phải hiểu rằng để học sinh làm được 20 câu trắc nghiệm Tiếng Anh, 15 câu trắc nghiệm Lịch sử hay 15 câu trắc nghiệm Hóa học các em phải học, nắm được và ôn toàn bộ kiến thức từ lớp 6 đến lớp 9. Rõ ràng đây là một áp lực, các em phải học quá nhiều môn.
Đối với giáo viên, những năm trước, các trường đều dành ra 16 buổi để ôn thi cho học sinh. Từ khi áp dụng bài thi tổ hợp cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thì thời gian ôn tập giảm xuống chỉ còn 8 buổi ôn thi. Đáng nói, dù giảm số buổi ôn thi xuống còn một nửa song khối lượng kiến thức ôn tập không thay đổi. Giáo viên vẫn phải ôn cho học sinh các kiến thức từ lớp 6 cho đến lớp 9. Điều này cũng tạo áp lực lớn cho giáo viên khi phải làm sao để truyền đạt được kiến thức đầy đủ cho các em trong 8 buổi chứ không phải là 16 buổi như trước đây.
Cô giáo Trần Thị Hà - Giáo viên môn Hóa học - Trường THCS Lý Nhật Quang - Đô Lương
Mặc dù phải đến đầu tháng 4, Sở Giáo dục và Đào tạo mới công bố các môn thi thứ 3 ở bài thi Tổ hợp nhưng ở trường chúng tôi, môn Hóa học vẫn được nhà trường chú trọng từ đầu năm học đến nay và học sinh không quá rơi vào bị động.
Hiện Sở cũng đã công bố cấu trúc và đề thi minh họa, tôi thấy đề khá sát với chương trình. Nhưng, để làm tốt đề này, học sinh không thể học tủ mà phải nắm vững kiến thức ở mức độ rộng vì kiến thức môn Hóa học móc xích với nhau, không có tính độc lập.
Tôi cũng biết có nhiều học sinh, sau khi công bố môn thi mới tập trung học nhưng theo tôi thời gian học 2 tháng không đủ.
Muốn học Hóa tốt các em phải nắm chắc kiến thức, nhận diện được tính chất của từng nhóm và ưu tiên nên nhớ nội dung nào trước và gạch chân vào từng vấn đề.
Ngoài ra học sinh cũng cần quan sát các thí nghiệm, các hiện tượng trong tự nhiên, trong cuộc sống… vì lí thuyết Hóa học rất gần thực tế. Và trong đề thi minh họa cũng có khá nhiều câu hỏi ứng dụng.
Cô giáo Bành Thị Thúy Hà - Giáo viên môn Lịch sử - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập - thành phố Vinh.
Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành cấu trúc và đề thi minh họa chúng tôi đỡ lo hơn vì sát với chương trình và có đủ bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đặc biệt, so với chương trình sách giáo khoa, Sở cũng đã giảm tải khá nhiều nội dung.
Ví dụ phần Lịch sử thế giới giảm tải được phần Tây Âu, phần Khoa học kỹ thuật, chủ đề tổng kết. Phần lịch sử Việt Nam giảm tải được từ giai đoạn 1919 - 1930, giảm tải phần sau Cách mạng tháng 8 đến toàn quốc kháng chiến, giảm tải từ năm 1975 đến nay.
Tuy nhiên, dù đề thi minh họa môn Lịch sử chỉ có 15 câu nhưng phần kiến thức khá rộng.Chẳng hạn, với chủ đề Liên Xô và Đông Âu trong đề chỉ có 2 câu hỏi thông hiểu.
Để các em làm bài tốt, buộc giáo viên phải xây dựng toàn bộ hệ thống câu hỏi thông hiểu tất cả các câu hỏi liên quan đến chủ đề này và công việc đó khá vất vả.
Tôi cũng nghĩ đây là một yếu tố quyết định chất lượng đến bài làm của học sinh. Bởi lẽ, với đề thi minh họa học sinh chỉ cần làm các câu hỏi trắc nghiệm. Vì vậy, nếu giáo viên hệ thống được toàn bộ câu hỏi, học sinh được ôn tập kỹ và nhận diện được đề thì các em sẽ làm bài khá tốt.
Riêng ở trường chúng tôi, với học sinh khá, giỏi các em có thể làm được 70 - 80%. Còn với học sinh yếu hơn thì các em làm được từ 60% trở lên. Một thời gian nữa, nếu các em ôn tập kỹ hơn thì chắc chắn kết quả sẽ cao hơn.