Những giờ học thú vị
Những ngày này, cùng với cả nước hân hoan chào đón Ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam, tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (TP. Vinh), sau màn đồng diễn đẹp mắt của 5 khối lớp trong lễ mít tinh kỷ niệm và đón nhận Cờ Thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh, cô và trò nhà trường trở lại với những giờ học quen thuộc.
Tại một góc sân trường, nơi có một gian nhà lợp bằng tranh tre, nứa lá, cô giáo Nga và các em học sinh lớp 5 đang chuẩn bị cho giờ thực hành dệt chiếu cói.
Giờ học giáo dục địa phương ở Trường Tiểu học Hưng Dũng 2. Ảnh: Hoài Thu |
“Sau khi học sinh được tìm hiểu các kiến thức về nghề dệt chiếu cói truyền thống của xã Hưng Hòa (TP. Vinh), hôm nay các em được thực hành dệt chiếu” - cô Nga cho biết. Nói rồi, cô tỉ mẩn hướng dẫn học sinh thực hành. Một bạn ngồi dệt, một bạn ngồi phụ giúp đưa nguyên liệu vào vị trí dệt. Chẳng mấy chốc, chiếc chiếu cói đã bắt đầu hình thành. Học sinh thực hành khá thành thạo và đặc biệt là cháu nào cũng rất hào hứng, say mê. Sau giờ thực hành, học sinh trở về lớp với nụ cười tươi rói, và kể vanh vách những kiến thức các em được truyền tải.
Học sinh Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 thực hành nghề thủ công truyền thống. Clip: Hoài Thu |
Mô hình dạy học trực quan là những gian nhà tranh tre khá chắc chắn được làm nên bởi sự đóng góp nguyên, vật liệu và bàn tay khéo léo của phụ huynh học sinh khối lớp 3 và các cô giáo đã được hình thành sau nửa tháng cô, trò và phụ huynh cùng miệt mài, tâm huyết xây dựng. Toàn bộ những vật dụng trang trí, gồm dụng cụ sản xuất như khung dệt chiếu cói, bàn xoay nặn nồi đất, bộ nồi và dụng cụ tráng bánh đa; rồi những vật dụng nhà nông như cày, bừa, cuốc, xẻng, quang gánh, các đồ dùng thổ cẩm,… đều được phụ huynh học sinh góp tặng nhà trường.
“Phụ huynh thấy ý tưởng tạo dựng gian nhà phục vụ cho các giờ học giáo dục địa phương của nhà trường rất thiết thực. Vì vậy, sau khi truyền đạt ý tưởng và phát động tới phụ huynh đã nhận được gần như 100% đồng tình, và chỉ sau khoảng 1 tuần các phụ huynh đã ủng hộ hàng trăm hiện vật. Đồng thời, chính tay phụ huynh đã chẻ nứa, buộc lạt dựng nên phòng học và trang trí các đồ vật” - chị Trần Thị Thủy, phụ huynh học sinh lớp 3D cho hay.
“Cháu mang tặng 3 dụng cụ là rổ, rá được đan từ mây tre. Những dụng cụ đó mẹ cháu mua của các cô, chú đồng bào dân tộc Thái ở Con Cuông. Các bạn lớp cháu ai cũng có một món đồ tặng nhà trưng bày để phục vụ cho việc học tập. Các bạn cháu mỗi lần đến lớp ai cũng thích tham quan các gian trưng bày, vì có nhiều đồ vật rất đẹp và thú vị” - cháu Lê Bình Nguyên, học sinh lớp 3D vui vẻ "khoe".
Cô Hoàng Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 cho biết: “Xuất phát từ mong muốn khơi dậy niềm yêu thích, hứng thú đối với hoạt động giáo dục địa phương và tạo không gian trải nghiệm thực tế bổ ích cho học sinh ngay trong khuôn viên nhà trường, chúng tôi đã lên ý tưởng xây dựng mô hình “Góc giáo dục địa phương”. Từ ý tưởng đó, nhà trường đã phối hợp với các làng nghề truyền thống, các khu di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh để tìm hiểu, sưu tập nội dung, các dụng cụ làm nên các sản phẩm nổi tiếng của làng nghề ở Nghệ An".
Sau đó, nhà trường phối hợp với phụ huynh tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài giờ chính khóa xây dựng mô hình giáo dục địa phương trong khuôn viên nhà trường. Mô hình là các gian lán nhỏ, các mô hình khối với những vật liệu dễ tìm (tre, nứa, ...), trong đó, có dụng cụ làm nên các sản phẩm của làng nghề: Vật dụng làm chiếu cói (xã Hưng Hòa, TP. Vinh); Nồi và bếp tráng bánh đa (Đô Lương); các sản phẩm nổi tiếng của các làng nghề ở Nghệ An.
Mô hình dạy học giáo dục địa phương tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 2. Ảnh: Hoài Thu |
Sau khi mô hình hoàn thiện, nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn vận dụng linh hoạt thời khóa biểu, tổ chức cho học sinh được tìm hiểu nghề truyền thống ở địa phương và các em được trải nghiệm “Tập làm nghệ nhân làng nghề truyền thống” ngay trong trường học.
Hiệu quả kết hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội
Việc kết hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong xây dựng mô hình trực quan giúp học sinh được trải nghiệm, lĩnh hội kiến thức về các địa phương ngay tại nhà trường đã cho thấy hiệu quả rất tích cực.
Học sinh hào hứng trải nghiệm, lĩnh hội các kiến thức về văn hóa và nghề truyền thống các địa phương. Ảnh: Hoài Thu |
Học sinh trở nên hào hứng, yêu thích nội dung học và yêu thích được đến trường. Bên cạnh đó, có thể tổ chức dạy học và thực hành ngay tại trường cũng giúp tiết kiệm chi phí đi tham quan tại các địa phương.
Cô Hoàng Thị Thủy cho biết, qua thống kê, khảo sát học sinh nhà trường và quá trình theo dõi thực tế trong hoạt động hàng ngày của các em cho thấy, tỷ lệ học sinh hứng thú với các nội dung giáo dục địa phương đã tăng từ 40% lên đến 100%.
Đặc biệt, ở nội dung là Địa lý kinh tế, hướng nghiệp và Chính trị - xã hội, môi trường, việc vận dụng linh hoạt phương pháp, hình thức dạy học và hoạt động giáo dục đã giúp tỷ lệ học sinh hứng thú hơn trong học tập lên đến trên 95%. Tỷ lệ học sinh hiểu về các nội dung giáo dục địa phương đã tăng lên rõ rệt, đặc biệt ở nội dung chính trị, xã hội, môi trường từ 20% - 98%.
Gian trưng bày các sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống của Nghệ An do nhà trường phối hợp phụ huynh xây dựng tại sân Trường Tiểu học Hưng Dũng 2. Ảnh: Hoài Thu |
Thực tế tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 2, sự phối hợp giữa “Nhà trường - Gia đình - Xã hội” đã giúp huy động được nhiều lực lượng, nhiều đoàn thể vào cuộc cùng tham gia hoạt động giáo dục với nhà trường như: Đơn vị bộ đội, Đoàn phường, nhân dân trên địa bàn phường, làng nghề... Cách làm này đã từng bước xóa bỏ quan niệm công tác “xã hội hóa” là chỉ đóng tiền cho nhà trường.
Với sự trăn trở, sáng tạo và nỗ lực trong dạy và học, đặc biệt, trong công tác lãnh đạo, định hướng, liên tục 2 năm học vừa qua, Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 đã đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; năm học 2020-2021 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3; Năm học 2021-2022 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua.
Chất lượng giáo dục toàn diện học sinh trong 2 năm qua được khẳng định vị trí đứng đầu của bậc tiểu học thành phố. Tại các cuộc thi và giao lưu các cấp, học sinh Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 luôn được vinh danh.
Năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 có 129 học sinh đạt giải các cuộc thi và giao lưu cấp Quốc gia, như: Trạng nguyên Toàn tài, Hội thi viết chữ đẹp “Nét chữ - Nết người”, “An toàn giao thông - Vì nụ cười trẻ thơ”, Toán quốc tế ASIMO, Kangaroo và TIMO; Trạng nguyên tiếng Anh do Báo Nhi đồng tổ chức. Có 127 học sinh đạt giải các cuộc thi và giao lưu cấp tỉnh. Trường có 2 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 1 giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, 3 giáo viên dạy giỏi cấp thành và 5 giáo viên dạy giỏi cấp trường. Có nhiều giáo viên được Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND TP. Vinh và Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Giấy khen, Bằng khen.