Hỏi - đáp về vay vốn đầu tư tàu đánh cá xa bờ

25/03/2014 18:27

(Baonghean) - Hỏi: Một ngư dân ở Thị xã Cửa Lò hỏi: Hiện nay gia đình tôi muốn vay vốn để mua sắm tàu thuyền đánh bắt xa bờ, xin hỏi tỉnh ta có những chính sách nào để hỗ trợ lãi suất vay vốn cho ngư dân không? Và cơ quan nào thực hiện chính sách này?

Trả lời:

Ngày 4/2/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND “Về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 – 2015”; Đây là một giải pháp nhằm khuyến khích và cổ vũ tinh thần để ngư dân đầu tư vươn khơi khai thác; từng bước phát triển mạnh được đội tàu khai thác thủy sản xa bờ, mở rộng ngư trường khai thác, nâng cao hiệu quả khai thác, tạo việc làm cho ngư dân; giảm dần áp lực khai thác thủy sản ở các vùng biển ven bờ và vùng lộng; khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tại Điều 24 của quyết định này nêu rõ về việc hỗ trợ khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản như sau:

1. Ngân sách hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình để thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp khai thác hải sản từ vùng lộng ra vùng khơi, với mức 50% tổng kinh phí, nhưng không quá 125 triệu đồng/mô hình.

2. Ngân sách hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu đánh cá;

3. Ngân sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư thời gian 12 tháng với hộ ngư dân đóng mới tàu khai thác thủy sản vùng khơi có công suất từ 90 CV trở lên với các mức như sau:

a) Hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng đối với tàu có công suất từ 90CV - 250CV;

b) Hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng đối với tàu có công suất từ 250CV - 400CV;

c) Hỗ trợ 4,5 triệu đồng/tháng đối với tàu có công suất trên 400CV.

4. Để bảo đảm thông tin trên biển, đặc biệt là công tác phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ cho ngư dân thành lập tổ hợp tác khai thác thủy sản trên biển như sau:

a) Hỗ trợ 1 máy thông tin tầm xa có tích hợp vệ tinh cho mỗi tổ hợp tác (từ 5-7 tàu/tổ) gồm các loại tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Máy thông tin phải thực hiện theo quy định về quản lý thông tin trên biển của tỉnh.

b) Trang bị máy thông tin tầm xa tại các huyện, thị, các xã nghề cá trọng điểm ven biển để quản lý tàu thuyền.

5. Hỗ trợ cho mỗi lao động khi khai thác thủy sản trên biển thuộc đối tượng ngư dân nghèo và gia đình chính sách một bộ phao cứu sinh.

6. Hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm thuyền viên thuộc hộ nghèo, chính sách tham gia đánh bắt thủy sản ngoài khơi trên tàu từ 90CV trở lên.

7. Khi các ngư dân thành lập 1 tổ hợp tác khai thác thủy sản trên biển, đã được UBND xã, phường, thị trấn sở tại xác nhận, được hỗ trợ 10 triệu đồng. Và tại mục 7, Điều 31 của quyết định có nêu: Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thực hiện các chính sách: Hỗ trợ phao cứu sinh; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; đào tạo thuyền, máy trưởng, thuyền viên tàu cá; xây dựng mô hình chuyển đổi khai thác thuỷ sản từ vùng lộng sang vùng khơi và sang các ngành nghề khác; bảo tồn quỹ gen, tái tạo nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ lãi suất đóng mới tàu khai thác hải sản có công suất 90CV trở lên, hỗ trợ máy thông tin, thành lập tổ hợp tác khai thác thủy sản trên biển, hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách tham gia đánh bắt thủy sản trên tàu 90CV;

Như vậy nếu gia đình ông mua sắm tàu có công suất trên 90CV thì sẽ được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư thời gian 12 tháng với những mức khác nhau từ 3 triệu đồng/tháng đến 4,5 triệu đồng/tháng tùy vào công suất của tàu. Và Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thực hiện các chính sách này. Cụ thể gia đình ông có thế đến Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Nghệ An để biết thêm thông tin chi tiết về thủ tục được hỗ trợ .

Phòng bạn đọc

Hỏi - đáp về vay vốn đầu tư tàu đánh cá xa bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO