(Baonghean.vn) - Năm nào cũng thế, khi gió lạnh tràn về, nước trên các cánh đồng vơi cạn, người dân các xã Thanh Dương, Thanh Lương, Thanh Khai (Thanh Chương) lại hối hả ra đồng nơm cá, cải thiện bữa ăn.
|
Người dân địa phương cho biết, mùa lũ, cá ở các ao làng bị cuốn ra đồng khá nhiều, nhưng phải chờ đến lúc nước trên các cánh đồng rút cạn mới có thể đi nơm cá. Mùa nơm cá đồng kéo dài cả mấy tháng trời. |
|
Ở đây, dường như nhà nào có đàn ông, con trai cũng sắm các dụng cụ bắt cá đan bằng mây tre như nơm, oi…cất sẵn trong nhà. Ngày thường, chúng được gác trên dàn bếp, đến mùa nơm cá đồng mới đưa ra dùng. |
|
Lúc sáng sớm, những người đi nơm thường tách nhỏ ra để tìm cá trên ruộng cạn. Khi nước còn trong, thấy con cá nào là úp ngay con đó. |
|
Lúc nước đã đục, người đi nơm cá cứ nơm nháo nhào trên ruộng, chỉ khi nghe “tiếng đóng” ở trong nơm mới dừng lại kiểm tra. |
|
Tiếp tục công việc ở những chỗ nước sâu tận bụng, tuy khó khăn nhưng thường được cá to. Những nơi nước sâu, khi nghe “tiếng đóng” trong nơm, mọi người thay vì dùng tay, họ thường dùng chân thò vào nơm để quậy xem có cá hay không. |
|
“Chiến thuật” được mọi người hay áp dụng là phối hợp dàn hàng trên ruộng, nơm theo một hướng để dồn cá. |
|
Mỗi buổi đi nơm, tùy hên xui, mỗi người cũng kiếm được vài kg cá, chủ yếu là cá gáy, cá tràu… nhiều bữa “trúng tủa” còn được cả yến cá, tha hồ để cả nhà kho, rán, nướng… |
|
Ông Nguyễn Đình Hồng (70 tuổi, xóm 7, xã Thanh Dương) cho biết: “Tôi và nhiều người trong làng thường xuyên đi nơm cá trên ruộng, được cá nhiều hay ít không quan trọng, cơ bản là vui”. Sau mỗi buổi đi nơm, mọi người gác nơm ra về trong bao niềm phấn khích. |
Huy Thư