Hồi ký chiến trường của người lính già
(Baonghean.vn) - Võ Minh ướm chân vào đôi hài văn chương với cuốn hồi ký “Có một thời như thế” - cuốn sách được xuất bản trong dự án “Tủ sách tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20” cùng nhật ký chiến trường của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm.
Võ Minh nguyên quán ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc. Năm nay đã xấp xỉ “thất thập cổ lai hy”, xa quê đã mấy mươi năm, ngỡ như đã trở thành “người Thủ đô”, ấy thế mà giọng nói, tính cách của người con miền biển xứ Nghệ vẫn chẳng thể nhạt nhòa. Một năm về quê đôi ba lần, lúc thì bận bịu việc họ mạc, khi lại là chuyến đi thiện nguyện hướng về những cựu chiến binh, thương bệnh binh, lúc nào gặp ông cũng rổn rảng chất giọng “dân” Nghi Thịnh thật tình, mộc mạc.
Dáng người lành hiền nhưng ẩn sâu là cá tính quyết liệt, nghĩ là làm, và làm đến nơi, đến chốn. Người cựu chiến binh Trung đoàn 271 miền Đông Nam Bộ anh hùng năm nào, mang trên mình thương tật 81% vì đạn bom ác liệt của chiến tranh, đôi mắt ngày càng yếu đi, không mấy thuận tiện trong sinh hoạt, thế nhưng, bỗng dưng một ngày bình thường của năm 2009, Võ Minh nói với vợ con rằng ông sẽ viết một cuốn hồi ký!
“Đó là thời điểm tôi cảm thấy mọi suy nghĩ, tâm tưởng của mình đã đến độ chín muồi để trải lòng trên trang giấy, còn thực ra ý định viết hồi ký đã nung nấu từ lâu lắm rồi. Là người đi qua chiến tranh, tôi và đồng đội có nhiều ký ức muốn giãi bày. Đạn bom, thiếu thốn, gian khổ, hiểm nguy, máu và nước mắt… Trên tất cả là tình yêu quê hương, đất nước, tình đồng đội, khát vọng tự do...” - Võ Minh tâm tình.
Tác giả Võ Minh. |
Không ai nghĩ rằng, người cựu chiến binh và sau này chuyển ngành làm kỹ sư điện ấy lại nói được, làm được ở một lãnh địa xa lạ là văn chương. Võ Minh âm thầm viết, cực nhọc viết. Ngày cũng như đêm, đôi mắt đã mờ đục vì mảnh bom trên chiến trường vẫn bền bỉ gõ lọc cọc từng phím chữ trên chiếc máy tính xách tay. Ông viết rất nhanh, gần như không phải đắn đo câu chữ quá nhiều, phải chăng bởi tất thảy những sự vật, sự việc, con người… đã “nằm” trong tâm trí quá lâu, được lắng đọng qua dòng chảy nghiền ngẫm và suy tưởng của thời gian, nay kết tủa thành trang viết?
Võ Minh viết hồi ký như rút ruột mình: “Chiến tranh quá khắc nghiệt, nó đã ngốn đi không biết bao nhiêu con người và sức lực của chúng ta. Chúng tôi muốn quên đi, muốn chôn nó chặt sâu vào dĩ vãng. Mới ngày nào đó, cả Trung đoàn 271 cùng hành quân vào chiến trường. Quân đi nườm nượp chen kín mặt đường vào Trường Sơn. Quân số lúc đó gần ba nghìn người. Thế mà giờ đây, ngồi điểm lại, không biết có còn được ba trăm người nữa không”?
Hồi ký “Có một thời như thế” được Võ Minh dựng lại theo bút pháp nhật ký. Phục cho trí nhớ của ông khi từng mốc ngày tháng được nhớ như in và ghi rõ. Suốt hơn 200 trang, dường như không có trang nào không rớm máu, không có trang nào không thấy lỗ chỗ vết đạn bom.
Chiến tranh dưới tay viết Võ Minh trần trụi, hiện thực ác liệt, một mất một còn. Không mộng mơ khát vọng như nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, không lãng mạn như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, hồi ký “Có một thời như thế” chẳng chữ nghĩa cầu kỳ mà thành thực kể lại cho người thân, bạn bè nghe về những chặng đường gian truân, ác liệt của cuộc đời mình, cuộc đời đồng đội. Sức cuốn hút của hiện thực khốc liệt đã vượt ra ngoài nhịp điệu văn chương.
Qua hồi ký, Võ Minh đã dựng lên tiểu sử của chính mình: nhập ngũ năm 1970; tháng 11/1971 biên chế vào Trung đoàn 271 vượt Trường Sơn vào B2; tháng 6/1973 chỉ huy đơn vị giữ chốt ở Campuchia; tháng 9/1973 hành quân về Nam Tây Nguyên; tháng 2/1974 bị đạn M79 bắn vào đầu, bị thương nặng… Giữa những trang hồi ký là bao cuộc đời đồng đội, trong đó có nhiều đồng đội quê hương Nghệ - Tĩnh.
Đơn vị do Võ Minh chỉ huy năm ấy có 26 người, đến từ các vùng quê Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An…, đặc biệt có 11 người trong cùng một xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Những cái tên Định, Phong, Trúc, Nghiêm, Trung, Thanh, Thái, Nhung, Cam, Luyện, Thiện… thấp thoáng hoặc rõ ràng xuất hiện trong hồi ký với bao buồn, vui, thế nhưng, khi bước ra khỏi cuộc chiến tranh, chỉ còn có 2 người trở về với những thương tích nặng nề!
Bìa sách “Có một thời như thế”. |
Hồi ký của Võ Minh không cầu kỳ văn phong mà thực sinh động với những câu chuyện thời chiến. Một trận sốt rét rừng, một vị ngọt rau môn thục, một tử sĩ mối vùi trên võng, một chiều hành quân, một sườn dốc đứng phải leo bằng thang dây dựng trời, một tối đói quá phải vào nương đào trộm sắn… Ông đau đớn và say sưa viết lại ký ức của mình, khắc tạc nên dáng vóc những người đồng đội phơi phới tuổi thanh xuân, những trận đánh liên tiếp ngày đêm, những tình huống quá sức chịu đựng của con người. Ông viết về chính ông - người lính đã đi qua tận cùng bom đạn, bị thương lạc trong rừng 3 ngày liền, đến nỗi khi tìm về được đơn vị, vết thương vì đạn M79 đã nhung nhúc những dòi…
Can trường, bền chí đã trở thành phẩm chất cao đẹp tỏa sáng trong cả thời chiến lẫn thời bình. Trở về sau chiến tranh, vết thương chồng chất, đời sống kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng Võ Minh vẫn quyết theo đuổi con đường học tập dang dở, chuyển ngành học điện khí hóa, trường Đại học Nông nghiệp I. Đến năm 1980, ông làm kỹ sư điện ở Cục Cơ khí, Bộ Giao thông vận tải. Cuối những năm 1983, đầu năm 1984, Võ Minh là người Việt Nam đầu tiên thiết kế và lắp đặt hệ thống điện điều khiển tàu biển 1.000 tấn và hệ thống điện của cần cẩu tháp xây dựng. Thời điểm đó, những kỹ thuật như vậy phải nhập ngoại hoàn toàn.
Phần nào ổn định công việc, cuộc sống, ông kết nối với những đồng đội của Hội Cựu Chiến binh Trung đoàn 271 miền Đông Nam Bộ, ngược xuôi với những chuyến đi thiện nguyện giúp đỡ gia đình cựu chiến binh, trở lại chiến trường xưa. Võ Minh luôn đau đáu với những cảnh đời đồng đội, kể cả trong cuốn hồi ký của mình, ông cũng dành những trang trân trọng nhất để liệt kê danh sách liệt sỹ thuộc Trung đoàn 271 đã hy sinh ở chiến trường Campuchia và miền Đông Nam Bộ, những mong sẽ bắc nhịp cầu diệu kỳ nào đó, đưa thông tin liệt sỹ đến với thân nhân, gia đình.
Hồi ký của Võ Minh là một cuốn sách đặc biệt, đã đọc rồi thì thật khó quên. Xin khép lại bài viết này bằng đôi dòng lời từ của nhà văn Chu Lai - cây bút thành danh với những tác phẩm xuất sắc về chiến tranh: “Đó là những con chữ viết bằng máu, thực sự là bài ca về người lính mà đọc nó, mỗi người chúng ta không thể không ngoảnh nhìn lại những tháng ngày đã qua để tự hoàn thiện mình, để biết mình đang ở đâu và thừa hưởng cái gì”!