Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An phấn đấu thành lập được trên 2.000 mô hình 'biến rác thải thành việc có ích'
(Baonghean.vn) -Đến năm 2027, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phấn đấu thành lập được trên 2.000 mô hình “biến rác thải thành việc có ích” thông qua hoạt động thu gom phế liệu và mô hình phân loại rác tại nguồn để gây quỹ thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.
Sáng 19/7, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về Đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia phân loại, xử lý rác thải tại nguồn và hạn chế sử dụng túi ni lông trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 -2027” và Đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng sản phẩm OCOP, quảng bá kết nối tiêu thụ hàng hóa góp phần phát triển kinh tế địa phương giai đoạn 2023-2027”.
Việc thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia phân loại, xử lý rác thải tại nguồn và hạn chế sử dụng túi ni lông trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 -2027” nhằm tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp và cán bộ, hội viên phụ nữ đóng góp vào lĩnh vực môi trường, giảm tối đa lượng rác thải phát sinh ở các khu dân cư, nhất là vùng nông thôn; thực hiện hiệu quả cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, trang bị thông tin, kiến thức, thay đổi hành vi của cán bộ hội viên phụ nữ và nhân dân trong bảo vệ môi trường, huy động đông đảo phụ nữ và nhân dân toàn tỉnh tích cực tham gia.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2027 có 35 - 40% hộ gia đình hội viên, phụ nữ thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, đổ rác đúng quy định và hạn chế sử dụng túi ni lông. Cấp tỉnh xây dựng 5 mô hình sản xuất rau an toàn sử dụng phân từ ủ rác hữu cơ thông qua phân loại rác tại nguồn; nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, mỗi huyện tối thiểu 1 mô hình.
Cấp tỉnh xây dựng 5 mô hình thay thế túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày, mỗi huyện, thành, thị xây dựng tối thiểu 1 mô hình. Có 90% cơ sở Hội xây dựng ít nhất 1 mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni lông.
Thành lập được trên 2.000 mô hình “biến rác thải thành việc có ích” thông qua hoạt động thu gom phế liệu và mô hình phân loại rác tại nguồn.
Có ít nhất 20.000 gia đình hội viên, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế được giúp đỡ về con giống, mua thẻ BHYT, trẻ mồ côi được nhận đỡ đầu thông qua mô hình “Biến rác thải thành con giống,…
Nhằm phát triển, củng cố, nâng cao hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, nhất là mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ gắn xây dựng các sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng sản phẩm có phụ nữ tham gia chủ trì Chương trình OCOP đảm bảo về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời giúp các chủ thể sản phẩm OCOP kết nối tiêu thụ sản phẩm; khơi dậy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Mục tiêu cụ thể đề án đến năm 2027:
-Vận động được 50% hợp tác xã và 30% tổ hợp tác do Hội phụ nữ hỗ trợ thành lập có sản phẩm phù hợp tham gia chương trình OCOP;
- Hỗ trợ 30 sản phẩm do/có phụ nữ tham gia chủ trì tham gia Chương trình OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên;
- Hỗ trợ hiện thực hóa 30 ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm OCOP do/có phụ nữ tham gia chủ trì.
- Hỗ trợ xây dựng 04 cửa hàng trưng bày, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP cho hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Hỗ trợ tham gia các sàn thương mại điện tử cho 50 sản phẩm OCOP của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác có phụ nữ tham gia quản lý hoặc có đông lao động nữ; của hộ gia đình có phụ nữ làm chủ hộ có đăng ký kinh doanh.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh, 2 đề án do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì xây dựng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển các sản phẩm OCOP, qua đó góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát lại số liệu trong đề cương phê duyệt đề án với số liệu trong đề án thống nhất. Đồng thời, phân cấp rõ các nội dung thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia vào thực hiện đề án.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cần tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu hoàn thiện nội dung trình UBND tỉnh phê duyệt.