Hội nghị G20 bế mạc tại Australia, cam kết thúc đẩy kinh tế toàn cầu

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các Ngân hàng Trung ương G20, nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới sau hai ngày họp đã bế mạc tại  thành phố Cairns, Australia ngày 21/9. 
Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: AFP
Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey, Chủ tịch Hội nghị G20 cho biết, Hội nghị G20 lần này đã thành công. Trong hai ngày họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận toàn bộ tất cả 900 biện pháp được các nước thành viên đưa ra tại Hội nghị liên quan đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, các đề xướng về cơ sở hạ tầng thế giới, cải cách trong lĩnh vực tài chính cũng như vấn đề tăng cường hội nhập trong lĩnh vực thuế của khối. 
Bộ trưởng Tài chính Australia cũng cho biết, các nước thành viên G20 đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh, nền kinh tế thế giới hiện đang phải đối mặt với sự suy yếu liên tục của cầu hàng hóa trong khi nguồn cung hàng hóa lại bị thu hẹp lại dẫn đến tăng trưởng kinh tế thế giới bị suy giảm. 
Là một bộ phận của kinh tế thế giới, các nền kinh tế G20 cũng đang phải đối mặt với những khó khăn trên. Do đó để tránh rủi ro và bảo toàn cho các nền kinh tế của G20, cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong khối, G20 cần thúc đẩy các lĩnh vực tài chính có mức tăng trưởng ổn định và bền vững. 
Điều này cần sự quyết tâm cao của các thành viên trong khối. Một trong những ưu tiên của G20 hiện nay là đến năm 2018 phải nâng mức tổng sản phẩm quốc nội của toàn thể các nước thành viên G20 lên 1,8%, qua đó đóng góp 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới. Trong đó, đề cao các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, tăng cả về chất và lượng đầu tư qua đó tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động cũng như tăng cường thương mại và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. 
Bộ trưởng Tài chính Hockey nói: "Trong khi nền kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi thì tăng trưởng kinh tế thế giới lại không đồng bộ. Chúng ta có thể thấy rõ các nguy cơ đối với triển vọng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, tôi lạc quan về những gì chúng ta có thể làm được nếu chúng ta có sự phối hợp đồng bộ với nhau. Điều quan trọng là chúng ta phải triển khai các biện pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tăng trưởng của tạo công ăn việc làm cho người lao động. Chúng ta sẽ phải sử dụng tất cả các biện pháp đòn bẩy bao gồm cả các biện pháp đòn bẩy về tài chính và tiền tệ sao cho phù hợp”.
Cùng chung quan điểm với Bộ trưởng Bộ trưởng Tài chính Australia, Bộ trưởng Tài chính Canada Joe Oliver cũng đã đánh giá cao về khả năng thực thi các giải pháp được các nước thành viên G20 đưa ra tại Hội nghị này. 
Ông Oliver nói: “Tôi tin tưởng rằng nếu G20 thực thi được tất cả các biện pháp này, thì chúng tôi có thể tiến tới mục tiêu tăng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của G20 lên gần 2%”. 
Một trong các vấn đề cũng nhận được sự quan tâm của các nước thành viên G20 tại cuộc họp lần này chính là việc hiện đại hóa các quy định về thuế trên thế giới nhằm đối phó với hành vi tránh và trốn thuế tại các khu vực biên giới. 
Theo đó, các nước thành viên G20 nhất trí sẽ áp đặt các quy định mới về thuế nhằm vào các công ty đa quốc gia đang sử dụng những lỗ hổng về pháp lý để trốn thuế. 
Trong thời gian tới, G20 sẽ tiến hành hoạt động trao đổi thông tin giữa các nước thành viên thông qua việc sử dụng bộ quy định tiêu chuẩn thông tin chung (Common Reporting Standard - CRS) nhằm xác định rõ những đối tượng trốn thuế để có biện pháp xử lý. 
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tài chính Australia Hockey cho biết, Australia sẽ là nước tiên phong thực hiện bộ quy định tiêu chuẩn thông tin chung này. 
“Về phía Australia, chúng tôi sẽ cho khởi động việc thực thi bộ quy định tiêu chuẩn thông tin chung. Chúng tôi quyết tâm đánh thuế đối với các khoản lợi nhuận của các cá nhân và công ty thu được tại Australia. Điều này sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới những đối tượng và công ty có hành vi gian lận thuế. Chúng tôi cũng kêu gọi các cơ quan tài phán, đặc biệt là các trung tâm tài chính phối hợp với chúng tôi để chúng tôi có thể thực thi các cam kết của mình", ông Hockey nói. 
Ngoài ra, Hội nghị G20 cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ bùng phát dịch Ebola trên thế giới hiện nay cũng như tác động của nó tới sự tăng trưởng và ổn định của các quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng. Hội nghị G20 nhấn mạnh tầm quan trọng của phản ứng chung của cộng đồng thế giới trong việc đối phó với dịch.
Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 15-16/11 tới tại thành phố Brisbane, Australia.
Theo VOV

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.