Hội nghị trực tuyến xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học
(Baonghean.vn) – Ngày 9/1, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các đại biểu Quốc hội chuyên trách của 63 tỉnh, thành trong cả nước lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Phạm Văn Tấn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì.
Buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành toàn bộ thời gian thảo luận dự án Luật công đoàn (sửa đổi). Các đại biểu đồng tình cao với dự án Luật công đoàn được trình ra lần này, đồng thời đóng góp một số ý kiến xung quanh các vấn đề về địa vị pháp lý của công đoàn (trong đó có quy định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức công đoàn; tính chất và chức năng của công đoàn); quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài; số lượng lao động đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở; về hệ thống tổ chức và tên gọi của các cấp công đoàn; về trách nhiệm trong việc "tổ chức và lãnh đạo đình công"; về bố trí công đoàn chuyên trách trong doanh nghiệp; quyền và trách nhiệm của công đoàn đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở; quyền và nghĩa vụ của công đoàn viên…
Ngoài các nội dung nêu trên, theo các đại biểu, các cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo dự án luật cần rà soát giữa dự án Luật Công đoàn và Bộ luật lao động (sửa đổi) để đảm bảo tính thống nhất, không trùng lặp, mâu thuẫn và bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời nghiên cứu, bổ sung một số quy định về quản lý nhà nước về công đoàn, quy định chi tiết thi hành luật đối với những điều luật cụ thể.
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học. Vấn đề được các đại biểu quan tâm góp ý là việc thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học; phát triển các chương trình đào tạo bảo đảm liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo, kiểm định chất lượng giáo dục đại học và hợp tác quốc tế; vấn đề xã hội hóa về tài chính, cơ sở vật chất cơ sở giáo dục đại học…. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các địa biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý để đưa ra trình quốc hội tại kỳ họp Quốc hội tới.
Hoa Thành