Hồi sinh nghề trồng dâu nuôi tằm
(Baonghean) - Chẳng ai biết nghề trồng dâu nuôi tằm ở vùng đất Diễn Kim (Diễn Châu) có từ bao giờ, chỉ biết rằng trong hồi ức của các cụ cao niên thì từ xa xưa đã bạt ngàn những bãi dâu xanh. Hợp tác xã Tân Tiến lúc bấy giờ xây dựng hẳn một nhà máy ươm tơ, máy dệt, công suất chế biến hơn 200 tấn kén; các xã viên nô nức thi đua lao động trên vùng đất chuyên canh dâu tằm...
Nhớ về thời kỳ phát triển thịnh vượng của nghề, bà Nguyễn Thị Lan (75 tuổi) ở xóm Xuân Châu cho hay: “Vào những đợt cao điểm từ tháng 2 đến tháng 10 ÂL, đến Diễn Kim nhà nào cũng rộn ràng tiếng tiếng quay tơ, đảo kén. Trong gia đình, ông bà, bố mẹ, con cái đều được phân công công việc hợp lý, tạo thành vòng sản xuất khép kín, từ hái dâu, chăn tằm, bóc kén đến buôn bán sản phẩm. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân Diễn Kim sung túc, đủ đầy".
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Diễn Kim (Diễn Châu). |
Nhưng do cung cách quản lý Hợp tác xã thời bao cấp không còn phù hợp, kỹ thuật ươm tơ lạc hậu nên sản phẩm gặp khó trong tiêu thụ. Năm 1992, Hợp tác xã Tân Tiến đành giải thể, nghề tằm tơ lúc này chỉ còn duy trì ở một số xóm như Kim Liên, Tiền Tiến, Thái Thịnh với chưa đầy 20 hộ tham gia. Và sau gần 10 năm nuôi tằm kéo kén (năm 2001), nghề cũ đã được hồi sinh khi có dự án đầu tư, được tỉnh công nhận làng nghề dâu tằm tơ. Nhưng đến năm 2005, một lần nữa làng nghề lại lao đao bởi hàng chục ha dâu bị nước biển xâm thực do cơn bão số 5 gây ra, cộng với gần 100 ha đất chuyển cho dự án nuôi tôm trên cát nên nhiều hộ dân một lần nữa "dứt áo" với nghề, diện tích trồng dâu chỉ còn 15 ha...
Thăng trầm qua nhiều bận, đến cuối năm 2011, khi lãnh đạo xã đưa giống dâu mới (giống dâu VH 13) thay thế cho 25 ha giống dâu cũ Hà Bắc đã thoái hóa; đặc biệt, từ dự án phát triển chuỗi giá trị dâu tằm tơ và dệt vải do Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCRAFT), Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn (VIRI) phối hợp hỗ trợ những người trồng dâu nuôi tằm, làng nghề dâu tằm tơ Diễn Kim đã được vực dậy... Từ chỗ cả xã chỉ còn dăm chục hộ theo nghề thời điểm năm 2007, đến năm 2013 đã tăng lên 70 hộ với diện tích hơn 40 ha. Và đến đầu năm 2015 đã có hơn 100 hộ nuôi tằm, trong đó có 10 hộ đầu tư máy ươm tơ, kéo kén; sản lượng mỗi năm toàn xã đạt gần 15 tấn kén; thu nhập bình quân của hộ trồng dâu nuôi tằm đạt 20 triệu đồng/năm. Có những hộ vừa nuôi tằm vừa kéo kén ươm tơ cho thu nhập trên 40 triệu đồng/năm như gia đình chị Nguyễn Thi Mơ ở xóm Xuân Châu trồng 10 sào dâu, nuôi 11 lứa tằm/năm; ông Phạm Văn Thắng ở xóm Thái Thịnh trồng hơn 9 sào dâu, nuôi 9 - 10 lứa tằm/năm...
Là một trong những hộ có diện tích trồng dâu lớn của xã (10 sào), ông Nguyễn Văn Hạnh ở xóm Xuân Châu phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi gắn bó với nghề tằm tơ từ năm 1986 đến nay. Những năm kén tằm xuống giá, chúng tôi vẫn cố gắng giữ lại một khoảng đất vườn trồng dâu để duy trì nghề, mong có ngày được khôi phục lại. Rất mừng là hơn 3 năm trở lại đây, giá kén bắt đầu tăng, thị trường thu mua ổn định nên diện tích dâu nhà tôi cũng tăng dần. Lứa trước tôi nuôi 4 vòng trứng được 48 kg kén, với giá 70.000 đồng/kg thu được hơn 3 triệu đồng. Lứa này tôi nuôi 5 vòng, áng chừng phải được khoảng 65 kg kén... Ngoài bán kén, chúng tôi còn thu hoạch được khối lượng đáng kể sản phẩm phụ là phân tằm, loại phân này rất tốt cho sản xuất nông nghiệp".
Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng dâu thì việc chăm sóc tốt để cây dâu cho nhiều lá, năng suất cao là yếu tố rất quan trọng. Theo nhiều hộ dân làm nghề, trước đây trồng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm nên cây dâu sinh trưởng và phát triển không ổn định, có những mùa vụ hàng loạt diện tích dâu bị nhiễm bệnh, cây bị nấm và xoăn lá dẫn tới không đủ thức ăn cho tằm. Nhưng nay, người dân đã chú trọng đến việc học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu phòng trừ sâu bệnh, bón phân cho ruộng dâu đến cách vệ sinh phòng và các dụng cụ nuôi...
Theo ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Diễn Kim thì với những tín hiệu khả quan trên thị trường dâu tằm cả tỉnh, cùng với chủ trương phục hồi, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của xã, Đại hội Đảng bộ khóa XX của xã đã ra Nghị quyết khôi phục và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm nhằm giải quyết việc làm cho phụ nữ với các giải pháp trước mắt: Sau bước chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08, xã thực hiện khoanh vùng quy hoạch diện tích trồng dâu tập trung; đồng thời chuyển diện tích đất màu năng suất thấp sang trồng cây dâu và mở rộng diện tích lên 65 ha.
Khuyến khích các hộ trồng dâu nuôi tằm để tăng thu nhập kinh tế gia đình, động viên những hộ không nuôi tằm chuyển đổi đất trồng dâu cho những hộ có nhu cầu để liền vùng, liền thửa; tiến tới lập Hợp tác xã tằm tơ của 4 xóm có nghề, gồm xóm Xuân Châu, Tiền Tiến, Đại Thành và Thái Thịnh. Hiện trong xã đang có 4 hộ chuyên thu mua kén tằm và tơ để xuất bán đi Lào, Trung Quốc và các tỉnh phía Bắc nên phần nào bà con cũng yên tâm hơn về đầu ra. Vấn đề mấu chốt để tăng hiệu quả kinh tế của nghề tằm tơ Diễn Kim, người dân phải mạnh dạn đầu tư giống dâu mới VH13 thay thế cho giống dâu địa phương (bởi giống dâu mới cho năng suất 450 - 500 kg lá/sào, cao gấp hơn 2 lần so với giống dâu cũ), áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng công suất nuôi và chất lượng kén...
Sự hồi sinh của nghề trồng dâu nuôi tằm ở Diễn Kim không chỉ có ý nghĩa phục hồi lại một làng nghề truyền thống mà còn là bước phát triển kinh tế hộ phù hợp ở địa phương, đem lại mức thu nhập khá so với bình quân thu nhập ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ theo hướng bền vững, các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm, hỗ trợ xây dựng hệ thống đường điện, kênh mương để phục vụ tưới tiêu cho cây dâu. Đồng thời khuyến khích, có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở ươm tơ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bài, ảnh: Ngọc Anh