'Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ': Lôi kéo tín đồ như kinh doanh đa cấp
Gần đây, nhiều chức sắc tôn giáo chính thống đã lên tiếng phản đối các hành động đi ngược với thuần phong mỹ tục, xuyên tạc Kinh Thánh của giáo phái Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ. Mới đây, Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, cảnh báo các hoạt động trái phép của giáo phái này.
Một tụ điểm từng là nơi tuyên truyền Hội Thánh Đức Chúa Trời trái phép ở thị trấn Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình. Ảnh: Minh Đức. |
Hoạt động lén lút
Thông tin từ Bộ Công an cho biết, hoạt động của Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ còn có tên gọi khác là Hội Thánh Đức Chúa Trời (HTĐCT) xuất hiện tại Hà Nội từ năm 2012. Tổ chức này không phân cấp quản lý mà tổ chức theo từng nhóm (Sion) khoảng 30 tín đồ, không có chức sắc lãnh đạo chung, tín đồ có uy tín hay hiểu biết sâu rộng về việc đạo sẽ hướng dẫn việc sinh hoạt đạo cho các tín đồ khác. Khi đủ số lượng, một tín đồ đủ điều kiện sẽ tách ra thành lập Sion mới và tiếp tục thu hút các tín đồ.
Nguồn gốc HTĐCT được thành lập năm 1964 tại Hàn Quốc, do An Xang Hồng sáng lập. Năm 1985, An Xang Hồng qua đời, để lại quyền lãnh đạo cho vợ và mục sư Hội trưởng Kim Joo Cheol. Hội đồng đại diện các hội thánh tại Hàn Quốc tuyên bố Đức Chúa Trời Mẹ là tà giáo đồng thời cảnh báo người dân về tà giáo này.
Đối tượng thuộc các nhóm này thường xuyên lôi kéo tín đồ, kể cả các tín đồ thuộc Hội Thánh Tin Lành (Hội Thánh của Đức Chúa Trời - chính thống) được Nhà nước công nhận, những người có học thức như giáo viên, sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, những người dân khi họ có điều kiện tiếp xúc…
Theo tìm hiểu của PV, thành viên của các nhóm này thường sử dụng sim điện thoại “rác” và thường xuyên thay đổi số điện thoại cũng như địa điểm sinh hoạt khi bị kiểm tra, xử lý nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có tới hàng trăm Sion. Các điểm nhóm điển hình được kể đến là Sion ở phường Mộ Lao, phường Quang Trung, phường Dương Nội (quận Hà Đông); Khu đô thị mới Cầu Bươu, Tân Triều (huyện Thanh Trì); phường Đức Giang, Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên)… Trước đây các đối tượng thuê cơ sở lớn có giá tới vài chục triệu đồng/tháng để làm Sion. Tuy nhiên hiện nay, họ đã chia cơ sở nhỏ lẻ hơn để dễ dàng chuyển địa điểm.
Ban Tôn giáo TP Hải Phòng cho biết, HTĐCT xuất hiện ở Hải Phòng từ năm 2015 đến nay, có gần 10 người lén lút hoạt động truyền đạo. Họ chủ yếu lôi kéo phụ nữ, người già và học sinh, sinh viên, gây mâu thuẫn gia đình (không sinh hoạt vợ chồng), xung đột văn hóa (gỡ bỏ bàn thờ tổ tiên), có dấu hiệu lôi kéo, trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan (thế giới tận thế, sớm về thiên đường để hưởng sung sướng).
Thời gian qua cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đã liên tục “bóc, gỡ” các điểm hoạt động của nhóm người trên. Tuy nhiên, những người này luôn tìm cách chống đối, không chịu phối hợp, liên tục thay đổi địa điểm, lén lút hoạt động trên các địa bàn huyện Thủy Nguyên, huyện Tiên Lãng và quận Kiến An.
Theo đánh giá của cơ quan công an, qua công tác xác minh theo đơn tố cáo, tình hình hoạt động phát triển của giáo phái HTĐCT trên địa bàn TP Hà Nội, Hải Phòng cũng như nhiều địa phương khác rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Nhiều gia đình hoang mang, lo lắng
Thông tin từ Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, từ tháng 5/2016 các đối tượng tham gia giáo phái HTĐCT ở các tỉnh khác đã tổ chức thành nhóm gồm khoảng 10 người do Nguyễn Tiến Công (SN 1989) ở huyện Thái Thụy, Thái Bình và vợ đến hoạt động tại Quảng Bình.
Các đối tượng thuê nhà trọ ở nhiều địa điểm khác nhau với vỏ bọc là nhân viên tiếp thị, kinh doanh mỹ phẩm, máy lọc nước. Khi làm việc với cơ quan chức năng, các đối tượng thừa nhận đã vi phạm Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo và Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại Hà Giang, năm 2016, Vi Hải Quang cùng vợ thuê nhà ở phường Trần Phú, TP Hà Giang và xin cấp phép sinh hoạt tôn giáo với 22 người có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Giang… Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của Hà Giang đối chiếu quy định của pháp luật và thông báo HTĐCT không nằm trong hệ phái của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam được nhà nước công nhận.
Mặc dù không được chấp nhận nhưng hội nhóm này vẫn tổ chức truyền đạo trái phép nên đã bị lực lượng liên ngành tại Hà Giang xử lý, thu giữ nhiều tài liệu tuyên truyền…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các “chấp sự” của HTĐCT thu nạp, phát triển tín đồ không khác gì kiểu kinh doanh đa cấp, thu tiền mỗi tháng với tỷ lệ 1/10 thu nhập/tháng/tín đồ đang đi làm ổn định tại một cơ quan, công ty. Những người đã được tuyển chọn khi đến nghe giảng đạo đều phải “tự nguyện” cho vào phong bì đã in sẵn chữ “Cha mẹ yêu anh em rất nhiều” do người giúp việc của trưởng nhóm đưa, số tiền từ 50.000 - 150.000 đồng.
Tuy nhiên, nguồn tiền sử dụng như thế nào thì các tín đồ không bao giờ được biết. Có thể coi hoạt động thu nạp, thu tiền tín đồ của hội này giống như kiểu kinh doanh đa cấp mà sản phẩm là một dạng tôn giáo song chưa được nhà nước Việt Nam công nhận.
Tiếp xúc, trò chuyện với một số gia đình có con em, người thân “lạc bước” vào tổ chức này, nhiều người đều bày tỏ sự lo lắng, hoang mang và bức xúc, lo sợ con em họ bị lừa gạt, gặp nguy hiểm. Nhiều người trong số họ đã gửi đơn trình báo, đơn đề nghị gửi cơ quan công an khẩn trương xử lí, ngăn chặn loại tà đạo đang chia rẽ nhiều gia đình, gây xáo trộn, bất ổn xã hội.
Theo thượng tá Vũ Đình Cường, Phó trưởng Công an huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), hoạt động của tà giáo này còn gắn với hoạt động bán hàng đa cấp: “Thường, họ có một lực lượng để đi tìm những người nhẹ dạ cả tin để cho vào theo đạo. Đầu tiên rủ rê họ đi mua hàng hóa, đi làm từ thiện rồi họ đưa dần vào những người vào hội này. Khi đã theo rồi, nếu người nào muốn bỏ thì họ gọi điện thoại, khống chế…
Đặc biệt, nhóm này đánh vào các cháu sinh viên và những người có hoàn cảnh éo le trong cuộc sống. Theo đạo này các cháu thường bỏ học. Khi chúng tôi giải cứu thì các cháu rất yếu ớt, xanh xao”.