Giáo dục

Hội thảo 'Hạnh phúc trong giáo dục' gợi mở các giải pháp để xây dựng 'Trường học hạnh phúc'

Phú Hương - Mỹ Hà 23/11/2024 14:43

"Hạnh phúc trong giáo dục" là chủ đề Hội thảo quốc tế do Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển nhân lực (EDI) tổ chức. Chương trình có sự đồng hành của hệ thống Trường TH School và Tập đoàn TH.

Tham dự hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiến sĩ Vũ Thanh Mai - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Về phía đơn vị tổ chức có ông Stephen West - Giám đốc Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển nhân lực.

Về phía đơn vị đồng hành có Anh hùng Lao động Thái Hương- nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược, Tập đoàn TH; bà Nguyễn Thu Thảo - Chủ tịch Hội đồng Trường TH School; ông Tom Pado - Tổng Hiệu trưởng của hệ thống Trường TH School; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Diệu Hồng - Hiệu trưởng Việt Nam hệ thống Trường TH School.

dscf2541(1).jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo quốc tế về "Hạnh phúc trong giáo dục". Ảnh: Phú Hương

Hội thảo được tổ chức với mục đích sẽ mở ra những cơ hội quý báu, để các chuyên gia, nhà giáo dục, lãnh đạo và các phụ huynh cùng nhau học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và khám phá các phương pháp giáo dục đổi mới, sáng tạo, hướng tới mục tiêu “Hạnh phúc trong giáo dục”.

Từ đó, gợi mở các giải pháp xây dựng ngôi trường hạnh phúc - nơi nuôi dưỡng, chắp cánh cho những thế hệ tương lai không chỉ phát triển về tri thức, trí tuệ mà còn được bồi đắp, hun đúc cảm xúc và tâm hồn của mỗi học sinh.

vipp2839(1).jpg
Màn đánh trống chào mừng hội thảo của học sinh Trường TH School. Ảnh: T.H

Xây dựng ngôi trường bằng trái tim và tấm lòng người mẹ

Phát biểu khai mạc hội thảo, Anh hùng Lao động Thái Hương - nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Tập đoàn TH, nhà sáng lập của hệ thống Trường TH School; Nhà sáng lập Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển nhân lực đã nhắc lại câu nói của Napoléon “Tương lai của con là công trình của mẹ” và cho rằng: Bất cứ bậc phụ huynh nào cũng mong muốn dành trọn vẹn tâm huyết cho những đứa con thân yêu.

vipp2906(1).jpg
Anh hùng Lao động Thái Hương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: T.H

Chắc hẳn không người mẹ nào muốn buông tay để những đứa con còn non nớt chập chững bước ra thế giới đầy lạ lẫm.

Không người mẹ nào muốn con phải sớm xa rời vòng tay mẹ với một tuổi thơ không trọn vẹn…nơi xứ người.

Anh hùng Lao động Thái Hương

Thấu hiểu tâm tư đó, người sáng lập hệ thống Tập đoàn TH School cho biết, việc xây dựng TH School được bắt đầu “bằng trái tim và tấm lòng người mẹ” với ước mong “làm những điều tốt đẹp nhất để con được phát triển đầy đủ và toàn diện ngay trên mảnh đất quê hương mình".

Đó là một ngôi trường trong mơ mang lại hạnh phúc đích thực cho con trẻ bằng sự truyền thụ nền giáo dục tiên tiến của thế giới và tinh hoa giáo dục Việt Nam, tất cả vì một thế hệ vàng tương lai dựng xây Tổ quốc hùng cường và vững mạnh.

Với khát khao tạo dựng một môi trường giáo dục hiện đại và nhân văn, TH School đã ra đời, là ngôi trường có kiến trúc đẹp và câu chuyện hay. Bên cạnh đó, bằng tất cả khát khao và cống hiến, Anh hùng Lao động Thái Hương cũng quyết tâm xây dựng TH School trở thành ngôi trường hạnh phúc - nơi bừng nở niềm vui và lan tỏa yêu thương. Điều tôi muốn nhấn mạnh: Hãy xây dựng trường học trở thành “một điểm chạm hạnh phúc” nơi kết nối tinh hoa tri thức, văn hóa truyền thống và tầm nhìn tương lai; định hướng và trao quyền cho học sinh để sẵn sàng hành trang trở thành những công dân toàn cầu.

dsc01544(1).jpg
Tiết học của học sinh Trường TH School. Ảnh: T.H

Bên cạnh đó, theo Anh hùng Lao động Thái Hương, cần phải xây dựng trường như một ngôi nhà chung để học sinh cảm giác thân thuộc và sự gắn kết bền chặt - nơi mỗi thành viên như “người một nhà”.

Hiện sau 8 năm thành lập, TH School đã có những bước tiến vững vàng trong công tác đào tạo, ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật và quan trọng hơn hết là nơi con trẻ được học tập, vui chơi, kết bạn và phát triển môi trường tự do và đầy đủ, được thể hiện những khát khao, mơ ước của mình; để TH School xứng đáng lưu giữ đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ cho mỗi học sinh khi trưởng thành đều có thể tự hào về mái trường này.

Tại ngôi trường này, cũng đã, đang và sẽ tiếp tục trao quyền tự chủ cho mỗi học sinh, khích lệ các em phát huy tinh thần sáng tạo, không ngừng hoàn thiện bản thân để vun đắp nền tảng vững chắc cho thành công của các em trong tương lai.

Học để thấy ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao việc triển khai hội thảo với chủ đề “Hạnh phúc trong giáo dục”. Cách đặt vấn đề này rộng lớn, bao trùm hơn và sâu hơn cách đặt vấn đề phát triển các trường học hạnh phúc, dẫu cho trường học hạnh phúc là một phần quan trọng của hạnh phúc trong giáo dục.

ba-tr-a-ng-nguyen-kim-son-tai-hoi-thao-hp-trong-gd(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.H

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong bối cảnh hiện nay, chủ đề hội thảo này cũng hết sức có ý nghĩa khi nền giáo dục của Việt Nam đang có những thay đổi mạnh mẽ, trọng tâm của sự thay đổi đó là nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, giúp con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cho những người có liên quan. Một cộng đồng những người hạnh phúc chỉ có thể được tạo ra bởi một nền giáo dục hạnh phúc. Đây cũng chính là định hướng lớn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo triển khai trong toàn ngành với những mức độ và phương cách khác nhau ở các bậc học và các đối tượng.

Làm rõ hơn về nội dung để người học hạnh phúc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nhân tố quan trọng của giáo dục hạnh phúc và hạnh phúc của giáo dục đó là nhân tố nội tại, nhân tố chủ động của người học, cũng là nhân tố cốt lõi và quyết định của hạnh phúc trong giáo dục.

Đó chính là việc chủ thể người học tự biết tạo ra và biết cảm nhận, nhận biết về hạnh phúc trong quá trình học. Trong quá trình học mà nhận thấy được sự sung sướng hạnh phúc của việc học, thì người ấy sẽ làm được những việc hết sức lớn lao, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Tư duy toà n cầu
Tại TH School học sinh được học tập, vui chơi, kết bạn và phát triển môi trường tự do và đầy đủ, được thể hiện những khát khao, mơ ước của mình. Ảnh: T.H

Nhằm giúp hình thành những trạng thái hạnh phúc cho người học trong hoạt động giáo dục, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cần quan tâm đến 10 yếu tố. Đó là, người học có chí hướng, có khát vọng và quyết tâm càng lớn thì những hạnh phúc tiềm năng càng dồi dào nơi người đó, niềm hạnh phúc cũng sẽ lớn hơn khi người đó đạt được. Vì vậy, để người học đạt được nhiều niềm vui sướng và hạnh phúc trong việc học, cần giúp người học đặt mục tiêu học tập cho đúng đắn, cho lớn, cho sâu, cho rộng…. để có thứ động cơ từ bên trong của sự phấn đấu và đạt tới hạnh phúc.

Bên cạnh đó, học sinh biết tu dưỡng, rèn luyện bản thân là gốc của việc học tập phát triển toàn diện và là gốc của việc đạt tới hạnh phúc; Cần biết cách định hướng, tạo dựng cho học sinh cách tự giải quyết vấn đề trong học tập, tự tìm hiểu, tự xử lý, tự giải đáp, chính là bắt đầu dắt tay học sinh bước đầu tiên vào con đường truy tìm hạnh phúc trong việc học. Ngoài ra, cần kiến giải cá nhân và sự suy nghĩ sâu sắc, khuyến khích văn hóa đọc, sự tranh luận, sự tôn trọng sự khác biệt trong lớp học, trong quá trình dạy học; Học sinh cần lấy chính bản thân mình làm chuẩn để đánh giá sự tiến bộ, để làm việc so sánh. Khi họ thấy mình tốt hơn ngày hôm qua, họ sẽ hạnh phúc…

Cuối cùng hoạt động giáo dục cần chú ý tới giáo dục phát triển trí tuệ cảm xúc, hay năng lực cảm xúc, khả năng kiểm soát và bộc lộ cảm xúc… Đây là giáo dục cách để con người sống hạnh phúc, biết tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Đặc biệt, trong hoạt động giáo dục thầy luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, luôn chia sẻ là điều rất quan trọng khiến việc học của học trò trở nên hứng thú.

Xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc

Hội thảo quốc tế “Hạnh phúc trong giáo dục” quy tụ gần 10 chuyên gia uy tín và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam và thế giới. Tại hội thảo này, các diễn giả đã cung cấp những góc nhìn sâu sắc về việc tích hợp hạnh phúc và mục tiêu cá nhân vào môi trường giáo dục. Các chủ đề sẽ đề cập đến kinh nghiệm của họ trong giáo dục toàn diện, học tập cá nhân hóa và xây dựng môi trường học tập hạnh phúc.

dscf2564(1).jpg
Ông Martin Skelton - cố vấn đặc biệt của hệ thống trường quốc tế (International Schools Partnership) - Vương Quốc Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà

Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, khi áp lực về thành tích, điểm số và cạnh tranh ngày càng gia tăng, việc xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc đã trở thành yêu cầu cấp thiết.

Thực tế, trên thế giới và cả ở Việt Nam, nhiều hệ thống giáo dục vẫn đặt nặng kết quả học tập, đôi khi vô tình bỏ qua hoặc chưa chú trọng tới những nhu cầu cảm xúc và tinh thần của học sinh. Điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, làm gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm lý và động lực học tập.

Với chủ đề “Suy ngẫm về hành trình của tôi tại TH School, tầm nhìn và sứ mệnh của nhà sáng lập, cùng 6 bài học về giáo dục” ông Martin Skelton - cố vấn đặc biệt của hệ thống trường quốc tế (International Schools Partnership) - Vương Quốc Anh đã kể lại câu chuyện của chính bản thân từ những ngày đầu mới gắn bó với nghề dạy học: "Một người bạn sau khi quan sát những người học của tôi và nói với tôi rằng, “Anh không phải là giáo viên tốt lắm đâu” và chỉ ra một số tồn tại. Sau này, khi lên lớp tôi bỏ qua vị thế của mình ở một ngôi sao mà phải đóng vai trò hỗ trợ để giúp học sinh học tập tốt hơn".

vipp3154-1-.jpg
PGS. TS Ngô Tuyết Mai - giảng viên tại Đại học Flinders (Úc) chia sẻ giải pháp để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”: Ảnh: T.H

Trong khi đó, PGS. TS Ngô Tuyết Mai - giảng viên tại Đại học Flinders (Úc) đã chia sẻ nhiều giải pháp để làm sao “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. "Tất cả các trường học ở Việt Nam đều có khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một hạnh phúc”.

Khẩu hiệu này thể hiện khát vọng của các trường học Việt Nam trong việc biến việc học trở thành một trải nghiệm hạnh phúc cho học sinh. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều trường học hiện đại ở Việt Nam vẫn chú trọng nhiều hơn đến việc giáo dục trí tuệ hơn là giáo dục cảm xúc, đặt nặng việc giáo viên truyền đạt kiến thức chuyên môn, học sinh tiếp thu kiến thức, phát triển trí thông minh (IQ) và đạt điểm số cao, trong khi lại xem nhẹ trí thông minh cảm xúc xã hội và các kỹ năng mềm cơ bản cần thiết cho việc theo đuổi hạnh phúc bền vững của học sinh.

Với kinh nghiệm gần 30 năm làm ở lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam và Úc và trên vai trò của một người mẹ, theo Tiến sĩ Ngô Tuyết Mai, để trường học vui thì tất cả các nhân tố và các bên liên quan trong hệ thống giáo dục, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo trường học, giáo viên và phụ huynh cần phối hợp nhịp nhàng và hợp tác để thúc đẩy sự phát triển toàn diện và đặt "hạnh phúc" làm mục tiêu trung tâm của giáo dục.

Để có thể đào tạo được cảm xúc của người học thay vì đặt câu hỏi dạy cái gì, dạy như thế nào thì hãy tổ chức các trải nghiệm học tập; việc phát triển trí tuệ cảm xúc song hành cùng trí tuệ hiểu biết. Nếu chỉ tập trung vào điểm số học sinh là áp lực. Hãy xem người học và trường học là hệ sinh thái, luôn luôn phát triển; trường học phát triển dựa trên nguyên tắc đa dạng và cá nhân hóa.

Chẳng hạn, là một người giáo viên phải biết tên học sinh, quan sát từng học trò và có mối liên hệ giữa các em để có sự hỗ trợ cần thiết. Về phía các thầy giáo, cô giáo, những người bố, người mẹ hãy tránh xa những cái bẫy không vui để giúp đỡ, để lan tỏa niềm vui đến những người khác.

PGS. TS Ngô Tuyết Mai

dscf2660(1).jpg
Các diễn giả phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phú Hương

Về phía Giáo sư Yong Zhao - giảng viên Đại học Kansas (Hoa Kỳ), trong bài thuyết trình đã thảo luận các cách để giáo dục có thể thu hút học sinh tham gia vào các công việc ý nghĩa và quan trọng, cách học sinh có thể phát triển tài năng và sử dụng tài năng để tạo ra giá trị cho người khác, từ đó đạt được cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa. Hiện triết lý giáo dục của Giáo sư Zhao đã được triển khai tại nhiều trường học ở nhiều quốc gia, bao gồm Úc và Trung Quốc. Những nguyên tắc cơ bản của triết lý này bao gồm cá nhân hóa việc học, phương pháp sư phạm tìm và giải quyết vấn đề, và giáo dục không biên giới.

dscf2672(1).jpg
Anh hùng Lao động Thái Hương tặng hoa, chụp ảnh với các diễn giả và khách mời tham gia hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà

Theo kế hoạch, Hội thảo "Hạnh phúc trong giáo dục" bao gồm 3 sự kiện chính. Mỗi sự kiện mang đến những hiểu biết quý báu và kinh nghiệm thực tiễn cho các nhà giáo dục và phụ huynh, hướng tới mục tiêu tạo ra một môi trường giáo dục tích cực, hiệu quả cho thế hệ tương lai.

Hội thảo chính là cơ hội để khám phá các chủ đề sâu sắc về việc học tập suốt đời và xây dựng một cuộc sống an lành hơn cho mỗi học sinh, hướng tới sự phát triển vượt bậc về mặt tinh thần, trí tuệ và thể chất thông qua các bài phát biểu và chia sẻ từ những chuyên gia hàng đầu.

Qua đó, những người thực hiện cũng muốn gửi tới thông điệp: “Một học sinh hạnh phúc sẽ tạo nên một tương lai hạnh phúc”, kêu gọi sự chung tay từ gia đình và cộng đồng để tạo môi trường học tập yêu thương và an lành cho trẻ em./.

Mới nhất

x
Hội thảo 'Hạnh phúc trong giáo dục' gợi mở các giải pháp để xây dựng 'Trường học hạnh phúc'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO