Hội thảo khoa học Quốc gia Dạy học Hóa học và Khoa học tự nhiên
(Baonghean.vn) - Sáng 31/10, Hội Hóa học Nghệ An kết hợp với Khoa Hóa học tổ chức Hội thảo Quốc gia “Dạy học Hóa học và Khoa học tự nhiên đáp ứng mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh”.
Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Hóa học Trường Đại học Sư phạm Vinh, nay là Trường Sư phạm – Trường Đại học Vinh.
Các đại biểu trong cả nước tham dự hội thảo với hình thức trực tuyến. Ảnh: MH |
Chủ trì hội thảo có PGS.TS. NGƯT Cao Cự Giác - Chủ tịch Hội hóa học Nghệ An; ThS. NGƯT Võ Văn Mai - PCT Hội Hóa học Nghệ An, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An; PGS.TS Lê Đức Giang – PCT Hội Hóa học Nghệ An, Trưởng Khoa Hóa học – Trường Đại học Vinh.
Hội thảo được triển khai với hình thức trực tuyến với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục đến từ các trường Đại học: ĐHSP Hà Nội, Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Sư phạm Huế - Đại học Huế, Đại học Sư phạm Đà Nẵng – Đại học Đà Nẵng, Đại học Quy Nhơn, Đại học Sài Gòn, Đại học Đồng Tháp, Đại học An Giang – ĐHQG TP Hồ Chí Minh và đặc biệt có sự tham gia của đông đảo giáo viên THPT, THCS và các trường chuyên của nhiều tỉnh, thành.
Hội thảo Quốc gia về Dạy học Hóa học và Khoa học tự nhiên đáp ứng mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, diễn ra trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, trọng tâm là đổi mới sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được biên soạn với một cách tiếp cận mới, chuyển từ dạy học tiếp cận nội dung sang phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục của Việt Nam, thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, nhằm huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia biên soạn để đáp ứng khả năng hội nhập quốc tế cũng như tính cạnh tranh về chất lượng.
Một số bài tham luận của các đại biểu. Ảnh: MH |
Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 cấp THCS, môn Khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành Vật lý, Hóa học, Sinh học và khoa học Trái Đất; đồng thời có thêm một số chủ đề liên phân môn được sắp xếp sao cho vừa bảo đảm liên hệ theo logic tuyến tính, vừa tích hợp đồng tâm, hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.
Đây là môn học mới, lần đầu được áp dụng vào chương trình dạy học bậc THCS và bắt đầu được triển khai với học sinh lớp 6 từ năm học 2021 - 2022.
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy học ở các nhà trường, tham gia Hội thảo, các nhà khoa học sư phạm đến từ các trường đại học, học viện cũng như các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy ở các cấp học đã có nhiều tham luận xung quanh các vấn đề về việc triển khai dạy học các môn Khoa học tự nhiên trong nhà trường.
Đại biểu tham dự hội thảo là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm đến từ nhiều trường đại học trong cả nước. Ảnh: MH |
Trong đó, tập trung vào các nội dung chính, đó là một số vấn đề biên soạn và bồi dưỡng tiếp cận, sử dụng sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; giới thiệu một số nghiên cứu về chiến lược giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học phát triển phẩm chất và năng lực học sinh cho môn Hóa học và Khoa học tự nhiên; kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực; trao đổi kinh nghiệm tổ chức dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới.
Với hơn 500 khách mời và giáo viên cả nước tham gia hội thảo, các ý kiến thảo luận trực tiếp nhằm thúc đẩy triển khai tổ chức dạy học một cách hiệu quả môn Khoa học tự nhiên và Hóa học ở các cấp học.
Một số hình ảnh về thực nghiệm bản mẫu sách giáo khoa Hóa học mới được giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: MH |
Hội thảo cũng là diễn đàn để các nhà khoa học sư phạm và giáo viên dạy học ở trường phổ thông có thể trao đổi những nghiên cứu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế dạy học môn Hóa học và Khoa học tự nhiên nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.